Những giải pháp quyết liệt
12 nhiệm vụ trọng tâm trong năm học mới 2022 - 2023 được ngành Giáo dục và Đào tạo xác định là: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý; chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh; tăng cường công tác chính trị đối với nhà giáo và học sinh, sinh viên; nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10; xây dựng quy hoạch mạng lưới và đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học; đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; hội nhập quốc tế trong giáo dục; đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua trong toàn ngành và tăng cường công tác truyền thông giáo dục.
Giáo viên trường Tiểu học Trung Môn (Yên Sơn) hướng dẫn học sinh lớp 1 sử dụng đồ dùng họp tập.
Khi làm việc tại tỉnh Tuyên Quang về tình hình thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018 mới đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã nhấn mạnh, năm học 2022 - 2023 được xem là năm học có nhiều thuận lợi để ngành giáo dục triển khai những giải pháp đổi mới toàn diện, bứt phá sau khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát. Đây được coi là năm học tăng cường, bù đắp cho những thiếu hụt trước đây. Do vậy, toàn ngành phải khẩn trương triển khai ngay những nhiệm vụ, giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo toàn diện. Bộ trưởng nhấn mạnh, mỗi địa phương có vai trò quyết định đến thành công của đổi mới giáo dục. Với sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh cũng như các cấp, các ngành tỉnh Tuyên Quang đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong giáo dục và đào tạo mặc dù điều kiện còn khó khăn. Bộ trưởng lưu ý, trong thời gian tới, giáo dục Tuyên Quang cần thực hiện tốt những nhiệm vụ chung của cả nước và hiện những yêu cầu mang tính đặc thù của địa phương. Nhiệm vụ chung lớn đầu tiên được Bộ trưởng lưu ý là triển khai thực hiện thật tốt Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; tăng cường huy động các nguồn lực cho giáo dục, từng bước giải quyết khó khăn của địa phương về cơ sở vật chất; cố gắng nâng “sàn” chất lượng giáo dục, giữ nét riêng đó là giáo dục con người giữ được bản sắc văn hóa dân tộc...
Từ thực tế của địa phương, tỉnh cũng đã quan tâm chỉ đạo sát sao đối với công tác giáo dục và đào tạo. Các nghị quyết, chương trình, kế hoạch... của Trung ương, của tỉnh đối với giáo dục và đào tạo đã được triển khai kịp thời, hiệu quả. Khi chủ trì buổi làm việc về các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục và Đào tạo, năm học 2022 - 2023, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đã nhấn mạnh, việc đổi mới giáo dục và đào tạo phải gắn với tình hình thực tiễn tại địa phương, đổi mới từ công tác quản lý, quản trị, tăng cường phân cấp, phân quyền, phát huy vai trò của người đứng đầu các cơ sở giáo dục. Cùng với đó, phải quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên có trình độ, năng lực, phẩm chất, đạo đức, tâm huyết với nghề. Đồng thời, tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn; chú trọng dạy ngoại ngữ, tin học trong nhà trường; thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chuyển đổi số trong toàn ngành. Đồng chí lưu ý, cần nâng cao tỷ lệ tiêm phòng vắc xin Covid-19 cho học sinh, trẻ em… nhờ đó sẽ chủ động trong công tác phòng bệnh, có phương án đảm bảo sức khỏe cho học sinh, cán bộ, giáo viên để năm học mới 2022 - 2023 diễn ra an toàn, hiệu quả.
Dạy học cho học sinh lớp 1 theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới tại trường Tiểu học Trường Thành (TP Tuyên Quang).
Đồng thời, quyết tâm xây dựng môi trường giáo dục “không dịch bệnh, không tai nạn thương tích, không bạo lực học đường”; kiên quyết, kịp thời phát hiện, xử lý các tiêu cực trong trường học để xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, hiệu quả. Đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh; tiếp tục rà soát, thống kê hệ thống cơ sở, vật chất, trang thiết bị còn thiếu… Từ đó tham mưu, có phương án đề xuất đầu tư, tăng cường huy động các nguồn lực cho giáo dục. Sớm tuyển dụng bổ sung giáo viên theo phương án đã được phê duyệt, có phương án thu hút nhân tài cho ngành Giáo dục và Đào tạo; quan tâm phát triển giáo dục ngoài công lập…
Quyết tâm vượt khó
Năm học mới 2022 - 2023 đã chính thức bắt đầu trong niềm hân hoan của thầy cô giáo và học sinh. Thầy giáo Nguyễn Ngọc Trinh, Hiệu trưởng Trường THPT Xuân Vân (Yên Sơn) vui mừng nói, năm học mới nhà trường có tổng số 925 học sinh. Trước đó, các em đã đến tựu trường, dự lễ khai giảng vui tươi, phấn khởi. Có thể nói, việc được đến trường dạy và học trực tiếp là thuận lợi rất lớn để nâng cao chất lượng trong năm học mới. Trường đã triển khai nhiệm vụ năm học mới đến toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh, trong đó phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, tăng số lượng và chất lượng học sinh đạt giải tại các kỳ thi, cuộc thi chọn học sinh giỏi các cấp, nâng mức điểm trung bình tại kỳ thi tốt nghiệp THPT, phấn đấu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia trong giai đoạn tới…
Tại nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh dù còn khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, tỷ lệ học sinh có hoàn cảnh khó khăn còn cao, việc huy động nguồn lực xã hội hóa là rất khó… song với quyết tâm hoàn thành tốt mục tiêu năm học, nhiều giải pháp đã được triển khai. Cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thành Long (Hàm Yên) chia sẻ, học sinh khó khăn của trường chiếm hơn 50%, song với tình thương và trách nhiệm, nhà trường đã phân công, cử giáo viên đỡ đầu, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời huy động các nguồn lực hỗ trợ phần nào giúp các em yên tâm đến trường.
Trường Tiểu học Thành Long (Hàm Yên) tổ chức tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong dịp đầu năm học mới.
Ngành Giáo dục và Đào tạo xác định việc đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo được đặt lên hàng đầu. Cùng với đó, công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giáo dục được quan tâm. Ngành Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin để triển khai hiệu quả các phần mềm quản lý, hỗ trợ dạy học, phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em” đã huy động được hơn 800 triệu đồng để mua sắm thiết bị giúp học sinh khó khăn cải thiện điều kiện học tập.
Là học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng luôn nỗ lực trong học tập được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi môn Toán của Trường THCS Lê Quý Đôn (TP Tuyên Quang) nên em Đỗ Hoàng Minh, lớp 8D đã được nhà trường tặng một chiếc máy tính mới. Em Minh xúc động nói, em luôn mơ ước có một chiếc máy tính để có thể lên mạng tìm kiếm thêm thông tin học tập nhưng gia đình em khó khăn quá. Em thật may mắn và hạnh phúc khi được học tập dưới mái trường mà các thầy, cô và bạn bè luôn quan tâm, yêu thương và chia sẻ…
Trong dịp đầu năm học mới và lễ khai giảng năm nay, các trường học đã trích từ Quỹ khuyến học của nhà trường để trao học bổng, phần quà cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập. Hội Khuyến học các cấp và các đơn vị, doanh nghiệp đã tổ chức các hoạt động ủng hộ, giúp đỡ các trường và học sinh có hoàn cảnh khó khăn… Đồng chí Vũ Thị Bích Việt, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh cho biết, công tác chăm lo, ủng hộ khuyến học, khuyến tài trên địa bàn tỉnh đã ngày càng được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp quan tâm. Từ đó đã xây dựng, phát triển Quỹ Khuyến học của tỉnh để tổ chức các hoạt động thăm, tặng quà, trao học bổng, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn… Từ đó tạo động lực giúp các em vươn lên trong cuộc sống và học tập.
Với những mục tiêu cụ thể đã được triển khai cùng với sự nỗ lực vượt khó, ngành Giáo dục và Đào tạo đang quyết tâm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đã đề ra trong năm học. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho quê hương, đất nước.
Gửi phản hồi
In bài viết