Cơ hội và thách thức

- Tuyên Quang có tiềm năng để phát triển kinh tế đêm. Tuy nhiên, để biến tiềm năng thành cơ hội, tỉnh còn rất nhiều việc phải làm. Dưới đây là ý kiến của chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp cũng như đại diện ngành, địa phương về nội dung này.

Ông Tô Hoàng Linh
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Tuyên Quang

Thành phố đã xây dựng và đưa vào hoạt động tuyến phố đi bộ, mở ra điểm nhấn du lịch, góp phần đưa du lịch, dịch vụ trở thành ngành kinh tế “mũi nhọn” của địa phương. Hướng phát triển này cũng phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của thành phố là phát triển dịch vụ, thương mại... Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục khảo sát, đánh giá, đầu tư hạ tầng, tạo cảnh quan và đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, an ninh trật tự. Đồng thời tăng cường các hoạt động văn hóa nghệ thuật và trò chơi dân gian; xây dựng hình ảnh đẹp, tạo bản sắc riêng trong lòng du khách, trở thành điểm nhấn trong ngành dịch vụ, du lịch của thành phố, đáp ứng nhu cầu giải trí, mua sắm của du khách khi đặt chân đến Tuyên Quang. Từ đó tạo thêm nhiều việc làm, cơ hội kinh doanh cho lao động địa phương, thu hút các nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.


Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Văn Sáu
 nguyên Trưởng khoa Du lịch - Trường Đại học Văn hóa Hà Nội

Với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác giảng dạy, nghiên cứu và cố vấn phát triển du lịch -dịch vụ, đặc biệt đã nhiều lần được về với xứ Tuyên, tôi khẳng định Tuyên Quang có rất nhiều cơ hội để phát triển kinh tế đêm trên lĩnh vực du lịch - dịch vụ. Ngoài điều kiện về tự nhiên, Tuyên Quang là mảnh đất của lịch sử, của bản sắc văn hóa đa dân tộc... Đây là lợi thế ít các địa phương có được. Song để phát triển kinh tế đêm trong lĩnh vực du lịch - dịch vụ hiệu quả, Tuyên Quang cần nghiên cứu tìm hiểu, phân tích đánh giá tiềm năng, trữ lượng, khả năng cũng như thực trạng khai thác các tiềm năng trên từng địa bàn để lựa chọn phát triển các dịch vụ; xác định nhu cầu, mục đích của các đối tượng du khách. Trên cơ sở đó, tỉnh phải xây dựng chủ trương, nghị quyết chuyên đề trong việc phát triển kinh tế đêm đối với địa bàn thích hợp. Tổ chức trao đổi, thảo luận, lấy ý kiến đông đảo các đối tượng có liên quan: chính quyền, người dân bản địa, doanh nghiệp, nhà khoa học, du khách... Tổ chức khảo sát thực tế địa bàn với đội ngũ chuyên gia, người có chuyên môn. Từ đó đề ra các bước đi và giải pháp phù hợp với từng địa bàn, dịch vụ...

Tỉnh cần xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế đêm cụ thể, chi tiết gắn với khu vực, địa bàn đã chọn; xây dựng bộ máy tổ chức quản lý, điều hành với số lượng phù hợp; trang thiết bị đủ, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn rõ ràng. Thực hiện thí điểm khu phố đêm phục vụ phát triển du lịch cần lựa chọn vị trí phù hợp, gần trung tâm, tiện lợi giao thông di chuyển, có khu đệm trung gian với các khu dân cư hay các cơ quan chính quyền. Bên cạnh đó, phải sơ đồ hóa dịch vụ: cấu trúc không gian, hình khối, kích thước, sắc màu vừa mang bản sắc văn hóa truyền thống vừa hiện đại, tập trung chú trọng dịch vụ văn hóa ẩm thực.

Tỉnh cũng phải quan tâm tập huấn, đào tạo nhân lực với kỹ năng chuyên môn phù hợp tham gia kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch trong khu vực phố đêm du lịch; xây dựng các nhóm, tổ biểu diễn nghệ thuật đường phố kết hợp biểu diễn, trình diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống và hiện đại phù hợp trong không gian khu phố đêm; sử dụng âm thanh, trang phục, vũ đạo... đặc sắc, hấp dẫn, thu hút sự quan tâm, chú ý của du khách, công chúng. Đồng thời tổ chức trình diễn các trò chơi dân gian và hiện đại phù hợp trong khuôn viên khu phố du lịch, tạo điều kiện để người dân và du khách có thể tham gia trực tiếp và trở thành “người trong cuộc”.

Xây dựng vùng, nguồn, cách thức cung cấp, vận chuyển nguyên liệu, nhiên liệu, sản vật, hàng hóa, sản phẩm... cho hoạt động của khu vực phố đêm, chợ đêm. Được biết Tuyên Quang rất đa dạng về nông sản, nhiều sản phẩm đã được chứng nhận sản phẩm OCOP đã được gắn sao, đây cũng là một thế mạnh để hút khách du lịch. Phát triển kinh tế đêm bền vững, an toàn, hiệu quả Tuyên Quang cũng phải chú trọng đến việc gìn giữ và bảo vệ môi trường đảm bảo an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ, chống trộm cắp, tệ nạn xã hội trong không gian phố đêm, phố đi bộ.

Một yếu tố nữa, đó là phải tổ chức truyền thông, quảng bá trên nhiều kênh thông tin với hình thức phù hợp, hiệu quả; liên kết, phối hợp với các địa phương bạn, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn để cùng phát triển việc khai thác khu phố đêm. Dù mới manh nha trong phát triển kinh tế đêm song Tuyên Quang đã để lại ấn tượng với khách du lịch trong và ngoài nước với Lễ hội đường phố một lễ hội độc đáo nhất. Tôi tin tưởng Tuyên Quang sẽ là tỉnh có ngành kinh tế du lịch phát triển trong khu vực.


Ông Lê Thanh Sơn
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Kinh tế ban đêm đối với Tuyên Quang đang mới chỉ là sự khởi đầu. Các tuyến phố đi bộ gắn liền với ẩm thực bắt đầu hình thành ở thành phố Tuyên Quang, huyện Lâm Bình, Na Hang, còn huyện Hàm Yên đang xây dựng kế hoạch thực hiện. Kinh tế ban đêm còn mang tính thời vụ, vào dịp Lễ hội Thành Tuyên và vào ngày cuối tuần. Để kinh tế du lịch gắn với kinh tế ban đêm phát triển, tỉnh đã và đang đầu tư hạ tầng, đặc biệt là đường cao tốc, khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm đẳng cấp kết nối với các hoạt động du lịch của các địa phương. Đồng thời, tổ chức trình diễn văn hóa, ẩm thực tại các tuyến phố đi bộ nhằm thu hút du khách.


Ông Trần Đoàn Thế Duy 
Phó Chủ tịch Tập đoàn Vietravel

Phát triển kinh tế đêm được xem là hoạt động điểm nhấn du lịch, góp phần đưa du lịch, dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Tỉnh cần xây dựng chiến lược và có kế hoạch cụ thể. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là quy hoạch cụm điểm, quy định những nơi sẽ phát triển dịch vụ đêm tại những địa phương phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và cần tạo nên thương hiệu cho từng địa phương đó. Đồng thời, những nơi quy hoạch cần chi tiết các quy định loại hình dịch vụ và gắn kết chuỗi các dịch vụ, điểm đến với nhau, tránh phân tán và manh mún. Vietravel cam kết sẽ đồng hành cùng với tỉnh trong phát triển du lịch ban đêm ở Tuyên Quang.


Anh Lê Mạnh Tiến
Chủ nhà hàng Min-Max BBQ, đường 17/8, tổ 11, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang)

Ngay từ tháng 7, tôi đã bắt đầu sửa sang nhà hàng, trang trí lại hệ thống chiếu sáng, đặc biệt là đầu tư thêm nhiều món ăn mới lạ để phục vụ nhu cầu thưởng thức ẩm thực của khách hàng. Món ăn ở nhà hàng khá đa dạng từ hải sản đến thịt gà, thịt trâu, thịt bò, lợn... với giá chỉ dao động trong khoảng từ 150.000 - 230.000 đồng/suất. Hiện trung bình nhà hàng Min-Max BBQ đón gần 100 lượt khách/ngày, tuy nhiên, với không gian rộng hơn 300 m2, nhà hàng có thể phục vụ tối đa gần 150 thực khách cùng lúc. Tôi mong muốn sẽ có thêm nhiều hoạt động du lịch về đêm để thu hút và giữ chân khách du lịch. Từ đó thúc đẩy gia tăng chi tiêu của du khách trong thời gian lưu trú, các nhà hàng sẽ đón lượng khách phong phú hơn.

Tin cùng chuyên mục