Ngày xuân nói chuyện thưởng trà

- Mỗi dịp Tết đến, xuân về, bên cạnh những sản vật quen thuộc như mâm ngũ quả, hoa đào, hoa mai,… sẽ không thể thiếu ấm trà thơm nồng. Uống trà, thú vui ẩm thực đã trở thành một nét văn hóa của người Việt mỗi độ Tết đến, xuân về.

Văn hóa trà xưa

Ông bà ta có câu “Khách đến nhà không trà thì rượu”. Cũng chính vì thế mà trong không gian đất trời vào xuân, khi khách đến nhà, có một thức uống quen thuộc được chủ nhà mang ra đãi khách đầu năm không thể thiếu đó là trà. Uống trà, mời trà là nét đẹp văn hóa truyền thống trong ngày Tết cổ truyền. Đầu năm mới, bên chén trà, mỗi người chúc nhau vạn sự như ý, mọi điều tốt lành.

Với người Việt, việc uống trà cũng là một ứng xử văn hóa quan trọng và biểu hiện sự trân trọng, hiếu lễ và mến khách. Ngày Tết, uống trà là một cách để giao hòa với trời đất thiên nhiên vào ngày xuân mới, nên nhà nhà thường ưu ái chọn loại trà ngon nhất để mời khách mừng xuân mới. Uống trà cũng là một thú chơi thanh đạm, đặc biệt là trong mỗi dịp Tết đến, xuân về. Pha một ấm trà, người pha trà dồn vào đó biết bao công phu. Chúng tích tụ lại và dần trở thành những lễ nghi tao nhã.

Thưởng trà là một nét đẹp văn hóa có từ lâu đời không thể thiếu trong mỗi dịp Tết đến Xuân về của người Việt.

Mỗi bước nhỏ trong việc thưởng trà đều được định danh bằng những tên gọi riêng: “ngọc diệp hồi cung” (thao tác dùng thìa gỗ múc trà vào ấm), “cao sơn trường thủy” (tráng trà), “hạ sơn nhập thủy” (lần đổ nước thứ hai vào trà), “tam long giá ngọc” (dâng trà), và “du sơn lâm thủy” (ngửi hương và uống trà).

Nghi thức “tam long giá ngọc” yêu cầu dâng chén trà  theo đúng quy cách: ngón tay giữa phải đỡ lấy đáy chén, ngón trỏ và ngón cái đỡ miệng chén. Cả người dâng trà và người nhận trà đều phải cung kính cúi đầu.

Thưởng trà không đơn thuần chỉ là thỏa mãn nhu cầu uống mà nó còn là nét văn hóa ứng xử. Đầu năm mới, ấm trà thơm nồng làm ấm lòng người, thay lời chúc vạn sự như ý. Bằng tách trà ấm nóng, gia chủ thể hiện lòng hiếu khách, thiện tình; và người khách cũng đáp lại tấm chân tình của người mời trà mà cởi mở, thổ lộ tâm tình.

Từ truyền thống đến hiện đại

Qua bao năm tháng, nghệ thuật thưởng trà của người Việt đã có nhiều nét đổi thay. Tuy nhiên, dù ở thời đại nào, thú thưởng trà ấy vẫn luôn giữ được nét thanh đạm, sâu sắc riêng.

Trong nhịp sống gấp gáp, hối hả hiện nay, cách thức thưởng trà của người Việt cũng có ít nhiều thay đổi. Số lượng các loại trà trở nên phong phú hơn và các nghi thức thưởng trà cũng có phần đơn giản hơn. Dù bớt đi vẻ cầu kỳ nhưng nó vẫn không kém phần tao nhã.

Sự tất bật, hối hả của cuộc sống khiến con người luôn thèm cảm giác thanh thản, nhẹ nhàng. Trong những ngày Tết, người Việt thường có xu hướng ngồi bên nhau với ấm trà thơm nồng, cùng lắng nghe và chia sẻ tâm tình. Người ta thưởng trà ở bất cứ nơi đâu, từ không gian riêng tại tư gia hay tại những những nơi công cộng như các trà quán.

Hiện nay, những quán trà với không khí hoài cổ và yên tĩnh ngày càng thu hút nhiều ẩm khách. Không ít trà quán mở cửa xuyên suốt những ngày Tết đã trở thành điểm gặp gỡ, tâm tình đầu xuân.

Trà đã đi vào tâm hồn người Việt một cách tự nhiên, tĩnh lặng. Dẫu có những thay đổi, dẫu có nhiều thức uống công nghiệp phổ biến nhưng uống trà sẽ vẫn là một nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Văn hóa uống trà Việt ấy không chỉ thể hiện một thức uống phổ biến trong đời sống hàng ngày, trong mỗi độ Tết đến, Xuân về mà còn trở thành một phong tục tập quán, một thú vui thanh tao của người Việt.

Xuân về, uống chén trà ngon, tỏa hương thơm ngát để chúc nhau năm mới an khang, thịnh vượng, tận hưởng một mùa xuân thanh bình, tươi đẹp và hạnh phúc là một điều vô cùng thú vị và tao nhã.

Mai Linh

Tin cùng chuyên mục