Tết xứ Tuyên

- Tết ở Tuyên Quang mang đậm không khí Tết của miền Bắc với cái lạnh đủ để gieo vào lòng người những nhớ nhung, rung cảm khiến tâm hồn muốn xích lại gần nhau hơn. Trời đất, cảnh vật, con người như giao hòa, đưa đẩy người người, nhà nhà đoàn viên, sum họp. Tết xứ Tuyên còn gắn với những phong tục, tập quán riêng của mỗi dân tộc, làng bản và dòng tộc, để rồi ai đi xa cũng muốn trở về.

Đi lễ đầu năm là một nét đẹp văn hóa của người dân xứ Tuyên.

Trở về yêu thương

Hòa trong dòng chảy của văn hóa Việt, Tết ở xứ Tuyên dù xưa hay nay vẫn giữ được nét đẹp truyền thống, là Tết của đoàn viên, sum họp. Tất cả thể hiện trong từng ánh mắt, nụ cười và những lo toan trong những ngày cuối năm vội vã.

Dạo bước dưới phố hoa rực rỡ sắc màu, chúng ta đều bị ngợp trong một không gian tưng bừng, náo nhiệt mà chỉ dịp Tết mới có. Gương mặt của những người bán hàng như rạng rỡ hơn bên những bình hoa lan, hoa loa kèn, hoa đỗ quyên… Ngay cả những cánh mày râu phụ giúp các bà, các mẹ cũng không quên nở những nụ cười tươi rói khi bê những chậu hoa đào, quất cảnh… cho khách. Nghe những mặc cả, trả giá của người bán, người mua chúng ta thấy trong đó những câu chuyện của cơm áo, gạo tiền. Điều đó là vui hay buồn. Tất cả là trong cảm nhận của mỗi người.

- Cây đào này 2 triệu đồng chị nhé!.

- Không được em. Đúng 3 triệu đồng chị mới bán.

Tung còn là trò chơi dân gian không thể thiếu ở Lễ hội Lồng tông.

Đang trả giá thì chuông điện thoại reo. Ngắt điện thoại người mua hàng liền bảo:

- Thôi, ba triệu cũng được. Chị chở về nhà giúp em luôn nhé. Con trai em đi du học vừa báo sẽ về ăn Tết.

Gương mặt người bán hàng thoáng buồn: Con chị đi xuất khẩu lao động ở Malaysia, năm nay lại không về!.

Tết đến, những người đi xa mong trở về vòng tay người thân, nơi có những người luôn rang rộng vòng tay chờ đón họ trở về. Ở đó, còn là những nỗi nhớ, niềm thương của những người không thể về quê trong ngày Tết, là nỗi buồn sâu thẳm của người mẹ nhớ con… Nhưng dù là niềm vui, hay nỗi buồn thì ẩn chứa trong đó là tình yêu thương đong đầy. Tất cả gói lại trong những ngày Tết yêu thương.

Để rồi sáng mồng Một Tết, nhà nhà đi chúc Tết, người người đi chúc Tết. Nét đẹp văn hóa: Mồng một Tết cha… vẫn được duy trì trọn vẹn trong từng nếp nhà. Những lời chúc đầu năm tốt lành và bữa cơm gia đình ấm áp tình thân đã tạo nên một không khí ngập tràn hạnh phúc. Cũng bởi thế, dù là Tết xưa hay Tết nay thì nét đẹp văn hóa chúc Tết ông bà, cha mẹ, thầy cô không bao giờ bị mai một.

Tết của những nghi lễ độc đáo

Tết ở xứ Tuyên ngập tràn niềm vui trong từng nếp nhà và rộn cả bản làng. Sau những giây phút đoàn viên, sum họp trong mỗi gia đình, nhà nhà đi chơi Tết. Không hẹn mà gặp, tất cả cùng nhau tụ hội ở địa điểm sinh hoạt chung của làng bản, khu dân cư, cùng nhau chơi những trò chơi truyền thống, nhất là trò chơi ném còn.

Ném còn là trò chơi đầu tiên khởi đầu cho hàng loạt những trò chơi xuân. Theo quan niệm của người dân nơi đây, quả còn tượng trưng cho hồn núi, hồn sông, hồn đất và hồn nước. Chính vì vậy quả còn bao giờ cũng làm bằng vải màu đỏ, màu đen, màu xanh và màu trắng. Cây còn được làm từ thân cây tre mai có chiều cao khoảng 20 m - 30 m, tùy theo lựa chọn của người dân. Ngọn cây còn được uốn thành hình vòng cung có dán giấy đỏ, hồng tâm để người dân có thể tung còn vào vòng tròn đó.

Điệu múa truyền thống của dân tộc Dao đỏ, xã Phúc Sơn (Lâm Bình).

Đồng bào vùng cao quan niệm, khung còn một mặt dán giấy đỏ (biểu tượng cho mặt trời), mặt kia dán giấy vàng (biểu tượng cho mặt trăng). Với người Tày, Nùng, trò chơi ném còn mang ý nghĩa cầu mùa. Nếu ném trúng vòng tròn và xuyên thủng làm rơi giấy là âm, dương giao hòa, cuộc sống sẽ sinh sôi, mùa màng sẽ bội thu. Sau khi hội còn kết thúc, không kể già trẻ, gái, trai, tất cả hòa vào trò chơi đánh pam, đánh yến, giao lưu văn nghệ, thể thao.

Tết ở thôn, bản vùng cao xứ Tuyên là thế. Còn với người dân thành thị, đi lễ chùa đầu năm là nét đẹp văn hóa được hình thành từ lâu đời. Ngay sau giờ phút đón giao thừa, thời khắc chuyển giao của năm cũ và năm mới, nhiều gia đình tổ chức đến chùa thắp hương đầu năm mới để cầu an. Người Việt tin rằng, đi lễ đầu năm không đơn giản chỉ để ước nguyện, mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc mưu sinh. Về nơi cửa Phật, giữa không gian thanh tịnh, hương trầm lan tỏa hòa cùng sắc màu của đèn hoa, mới thấy lòng mình lắng lại, thanh thản và nhẹ nhàng hơn.

Bắt nhịp với cuộc sống hiện đại, không ít gia đình ở xứ Tuyên đã lựa chọn kỳ nghỉ trong dịp Tết. Kỳ nghỉ với họ không nhất thiết là phải đi xa, mà quan trọng là đi cùng nhau. Chính vì thế, một số làng bản vùng cao với những lễ hội độc đáo đã trở thành điểm hẹn của không ít gia đình. Đó là lễ hội lồng tông huyện Chiêm Hóa, Lâm Bình; là sống chậm cùng không gian yên bình, thơ mộng ở xã Hồng Thái (Na Hang); trải nghiệm không gian sinh hoạt cộng đồng tại làng homestay Nặm Đíp, Nà Tông (Lâm Bình); Làng văn hóa Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương)…

Tết ở xứ Tuyên dù xưa hay Tết nay, dù ít nhiều đã có những biến đổi nhưng vẫn giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống. Đó là duy trì đạo hiếu, đạo thầy trò và những nghi lễ, tín ngưỡng độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa địa phương.

Chúc Huyền

Tin cùng chuyên mục