Nồi nước thơm chiều tất niên

- Tết về, trong bao phong tục đẹp thiêng liêng của người Việt, có tục tắm nước thơm chiều ba mươi. Một bó cây mùi già, một nồi nước bốc hương thơm nghi ngút được nhà nhà chuẩn bị như một nghi lễ để chuẩn bị đón chào năm mới.

Những bó mùi già thường được người dân mua vào ngày cuối năm.

Ngày cuối năm, ấy là khi góc vườn mướt xanh cải cúc, cải thìa, xà lách, vẫn có một luống rau mùi già trụi lá, quả chi chít thơm thơm đứng chờ người hái chiều ba mươi.

Ngày cuối năm, ấy là khi nhà nào không có vườn, thì trong làn đi chợ về của mẹ cũng thơm hương cây mùi già - cái thứ hương đậm đà khác hẳn hương rau mùi non tơ nơi bát phở mùa đông.

Mẹ đã vớt bánh chưng treo lên chái bếp, cọ sạch chiếc nồi lớn ấy để bắc lên ba ông đầu rau vừa luộc bánh nơi góc sân, để đun nước tắm cho cả nhà. Bó mùi già được rửa sạch, nâng niu thật khéo cho khỏi rụng những quả đã bắt đầu nứt hạt, rồi đặt nhẹ vào nồi nước như gửi gắm những tâm tư, mong ước khi năm cũ sắp qua, năm mới đang dần đến.

Nước sôi, cả góc sân thơm lừng. Mẹ múc từng gáo nước thơm ấy pha vào chậu cho từng người tắm tất niên. Không biết ai đã nghĩ ra cách để cây mùi thật già mới hái vào đun hước tắm chiều ba mươi. Nhưng phải thừa nhận thứ hương thơm ấy lưu thật lâu. Tôi vẫn nhớ mỗi khi mẹ mở vung nồi nước tắm chiều ba mươi Tết, hương thơm cây mùi già tỏa lên cây cối quanh vườn, len vào khắp nhà, thấm vào từng nếp áo quần, mái tóc, và lưu mãi trong tâm trí chúng tôi đến tận những ngày đã trưởng thành.

Để sau này, mỗi chiều ba mươi Tết, khi đã xong hết việc dọn dẹp, bày biện cửa nhà; chúng tôi đều nóng lòng được khoan khoái hít hà thứ hương thơm ấy trong làn nước bốc hơi nghi ngút.

Mẹ tôi bảo, các cụ dạy tắm lá mùi già vào ngày cuối năm là để xua tan những chuyện không vui, những bụi trần vướng bận trong suốt một năm qua, từ đó sẵn sàng đón nhận niềm vui trong năm mới. Trong nhà có hương thơm của cây mùi già sẽ giúp xua đuổi những điều không may, cho năm mới đón được nhiều tài lộc.

Còn các nhà khoa học thì thấy loại cây này còn có tính sát khuẩn, kháng khuẩn tốt. Tinh dầu rau mùi chứa chất chống oxy hóa cao, có thể giảm viêm da, chống viêm nhiễm; còn giúp lưu thông khí huyết, giãn gân cốt, tan biến mỏi mệt.

Với chị em tôi, hương thơm của nồi nước cây mùi già tạo cảm giác tinh khiết, nhẹ nhàng vô cùng dễ chịu. Nó giúp khắp người thơm tho, tâm trạng sảng khoái đón chào năm mới. Chúng tôi tin nếu tắm sạch sẽ bằng nước thơm từ cây mùi già, sẽ được người lớn sẽ yêu quý mà sẵn sàng mừng tuổi.

Với mỗi người Việt ta, niềm tin luôn có một chỗ đứng nhất định trong đời sống. Nên vào ngày tết cổ truyền, niềm tin về những điều tốt đẹp càng trở nên thường trực trong mỗi người, mỗi nhà. Niềm tin ấy được hình thành qua những việc làm được kế thừa, lưu giữ, nối truyền từ đời này sang đời khác thành phong tục.

Cây mùi già có mùi hương rất thơm.

Các chuyên gia văn hóa cho rằng, văn hóa và truyền thống không thể chỉ tồn tại trong sách vở, tài liệu. Tất cả dần dần sẽ mai một nếu không thể liên tục duy trì sự hiện diện trong đời sống thực tế. Do đó, chuyện nồi nước lá thơm chiều ba mươi Tết ắt hẳn cũng là việc giáo dục và truyền thông về văn hóa, là giải pháp bền vững, để truyền thống của dân tộc được tiếp nối, không gián đoạn.

Tôi biết đã có những vùng chuyên cung cấp cây mùi già mỗi chiều tất niên, để nhà nhà như gia đình tôi không thể thiếu nồi lá thơm tắm chiều ba mươi tết, với niềm tin sẽ tẩy hết bụi bặm, muộn phiền của năm cũ để đón chờ năm mới với những điều tốt đẹp, may mắn.

Có được như mong ước hay không thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, nhưng nồi nước tắm chiều ba mươi Tết ngát hương thơm ấy luôn được chúng tôi duy trì, giống như cha mẹ mình ngày xưa. Hy vọng, các con cháu sau này cũng sẽ làm như thế.

Thái An

Tin cùng chuyên mục