Những người muôn năm cũ

- Hẳn người yêu thơ đều biết “những người muôn năm cũ” trong bài thơ Ông đồ của Vũ Đình Liên. Nhưng bài viết này nói về những người muôn năm cũ khác: Trong bộn bề xuân mới, họ vẫn bền bỉ gìn giữ nét xuân truyền thống, để mỗi người dân Việt đều thấy yêu và nhớ Tết.

1. Mẹ tôi năm nay ngoại bẩy mươi. Cả khi cơ hàn, gạo đong theo sổ, hay khi đã không còn thiếu thốn, khi đã cao tuổi, chúng tôi đã có gia đình, ở riêng; mẹ vẫn triệu tập các con về và chủ trì việc gói bánh chưng mỗi khi Tết đến. Mấy cậu em tôi bảo, giờ chợ sẵn, để chúng con mua cho mẹ khỏi mệt. Mẹ ngắn gọn: Ngày Tết phải có bánh chưng, mà là bánh tự làm mới ra Tết. Thế là thành nếp, không ai bàn lui.

Thường thì con cháu mải làm mải chơi, mình mẹ tôi ra chợ tuyển gạo, đỗ, thịt, tự tay rang muối, xay hạt tiêu ướp thịt làm nhân bánh. Lá dong gói bánh cũng phải chọn kỹ từng tàu, phải là lá bánh tẻ, lành lặn, không to quá hay bé quá. Mẹ bảo lá phải rửa sạch trước khi gói hàng tuần. Như thế bánh mới không bị hỏng, lá lại hơi heo héo mới dễ gói…

Chiều 28 Tết mẹ triệu tập, chúng tôi người vo gạo đỗ, người lấy khăn sạch lau lá dong cho khô, tước lạt; người tìm gạch bắc ông đầu rau để đặt nồi luộc bánh...

Người cao tuổi giữ nếp gói bánh chưng như giữ phong tục đẹp mỗi Tết.

Bí quyết gói bánh chưng của mẹ tôi là “thịt nằm kín trong đỗ, đỗ nằm kín trong gạo” chả khác gì các thương hiệu bánh chưng nổi tiếng Làng Bạc, Tranh Khúc, Lỗ Khê (Hà Nội). Nhưng đặc biệt hơn là tất cả đều do tự tay mẹ làm, sạch tinh - từ gạo, đỗ đến lá gói. Nên ngay cả khi nhà chưa có tủ lạnh, bánh chưng mẹ gói cũng để được lâu nhất xóm mà chưa hỏng.

Ngày xưa phải mượn nồi nên nhà tôi hay luộc bánh ban đêm. Bọn chúng tôi được người lớn vùi cho mấy củ khoai trong than hồng, vừa ăn vừa trông lửa cho nồi bánh sôi đều. Chừng 5-6 tiếng sau, sẽ được nếm những chiếc bánh tí hon đã buộc sẵn tên từng đứa. Xong rồi tót vào chăn ấm mơ ngày mai diện áo mới và mừng tuổi. Chỉ còn lại người lớn ngồi trông bếp bánh suốt đêm với những câu chuyện rì rầm và cả ưu tư, làm sao cho nhà nghèo nhưng các con vẫn có Tết đầm ấm.

Nay mẹ tôi mua hẳn chiếc nồi đủ luộc 2 yến gạo bánh chưng, đỡ hẳn nỗi khổ đi tìm người dễ tính để đăng ký mượn nồi luộc bánh. Có người bảo mẹ tôi là người cổ xưa, "giờ ăn được bao đâu mà gói cho cách rách", nhưng mẹ vẫn giữ nếp gói bánh chưng mỗi Tết. Có năm, mẹ tôi còn tổ chức gói bánh cả dịp Rằm tháng Giêng, chỉ vì thằng cháu ngoại học xa, sau Tết mới được về. Bà bảo “gói bánh chưng để cháu bà coi như vẫn được ăn Tết ở nhà”. Thật vui khi "máu" gói bánh của bà đã lan sang bọn trẻ. Các con tôi rất hào hứng, cùng bà gói những chiếc bánh cao thành, vương vức, chuẩn “thịt kín trong đỗ, đỗ kín trong gạo”.  

Cứ thế, mỗi khi Tết đến, người muôn năm cũ là mẹ tôi lại dẫn dắt con cháu vào cuộc hành trình tìm về hương vị cổ xưa, truyền thống. Dẫu lớp trẻ có cho rằng người già lẩm cẩm, thì chúng tôi vẫn tin rằng, những người như mẹ tôi chính là linh hồn của gia đình, kết nối các thành viên, nhất là khi Tết về sum họp, nhắc nhớ con cháu gìn giữ những phong tục đẹp của cha ông.

Lớp trẻ ngày nay cũng biết học gói bánh chưng.

2. Trong nhộn nhịp tươi rói của phố phường ngày xuân, người thợ khâu giày nơi góc phố vẫn cần mẫn từng đường keo, mũi chỉ. Cậu bảo, các bác cứ sắm Tết, còn giày dép cứ để em lo. Mà đúng thật, giày mới mua đến để dán đế. Giày không hỏng đến để đánh xi. Giày cũ bung chỉ hay sứt mũi, sứt gót, qua tay cậu đều như mới. Có lần tôi mang đôi giày mới đến dán đế, chờ cậu xong để dùng luôn, bỏ đi đôi cũ. Cậu cầm đôi giày cũ bảo:

- Vứt đi phí! Đôi này chỉ cần dán lại 1 chút, đánh xi là ngon.

Quả thật, chỉ một lúc sau, tôi được trao lại đôi giày như mới.

Có lần tôi thắc mắc:

- Khách nào đến đây cũng áo mũ, khẩu trang kín mít, không rõ ai là ai mà sao cậu vẫn tìm được đúng giày trả cho họ?

- Em nghe giọng nói. Với lại, mỗi nghề có cách riêng để nhận ra khách hàng.

Quả thật, chưa khi nào tôi thấy ai thắc mắc bị trả nhầm hay mất giày gửi sửa. Từ giày bình dân đến giày vài chục triệu đều có mặt trên chiếc tủ cà tàng của người thợ khâu giày đường phố. Nghề nào cũng có vất vả riêng của nó và sự uy tín luôn là tiêu chí đặt lên hàng đầu. Nhìn chỗ làm việc ngổn ngang các loại giày cũ mới, ai cũng biết người thợ này vừa có tâm, vừa uy tín.

Tết đã tràn ngập phố phường, người thợ sửa giày dép vẫn miệt mài cắt gọt từng miếng da, tỉ mỉ từng đường keo, mũi chỉ, đánh bóng, hoặc tân trang "hô biến" đôi giày cũ sờn trở lại như mới. Ít ai để ý, vẻ xưa cũ của người thợ sửa giày dép và chiếc tủ nghề cà tàng lại cần thiết cho nhiều người đến thế, nhất là khi xuân đến, Tết về, ai ai cũng muốn mình thật chỉn chu từ đầu đến chân.

3. Ông mài dao qua đây chưa nhỉ? Đó là thắc thỏm của người phố tôi mỗi dịp áp Tết về ông thợ mài dao. Mải bán buôn, mua sắm, nhưng ai cũng nhớ sắp sẵn các loại dao kéo của nhà chờ ông già mài dao kéo dạo quen thuộc đi qua. Bằng kinh nghiệm nhiều năm làm nghề, ông bảo, làm cho cây dao, chiếc kéo sắc bén tưởng chừng đơn giản, nhưng không phải ai cũng làm được. Giờ đã có máy mài dao, nhưng nhiều người vẫn ngóng ông thợ già để mài thủ công, luôn tỉ mỉ, kỹ lưỡng; nhất là những nhà ưng dùng dao truyền thống mua ở các lò rèn. Thậm chí, mỗi chiếc dao lại phù hợp với từng loại đá mài khác nhau. Dao mỏng lưỡi khác dao dày lưỡi, dao đã dùng lâu ngày hay dao mới mua vài ba tháng... cần lực mài khác nhau sao cho phù hợp.

Phố tôi năm nào cũng tín nhiệm ông mài dao. Nên chặt gà miếng nào miếng nấy vương vức, sắc ngọt, không bị vỡ xương hay rời miếng da khỏi thịt. Nên khi thái miếng giò cứ bóng lên như lụa, chỉ khẽ đẩy ngón tay đã có chiếc tai giò vừa đẹp mắt vừa tinh tế. Cũng nhờ ông thợ mài dao, mà ngày Tết, những củ su hào, cà rốt được hô biến thành hoa thành lá trên mâm cỗ Tết, vừa đẹp vừa ngon khiến lòng người phấn chấn.

Cuộc sống hiện đại tưởng như không cần đến những công việc lặng lẽ, bình thường. Nhưng có những xưa cũ không thể lãng quên hay phủ nhận - đó chính là tình người, là những giá trị tinh thần, truyền thống. Để mỗi Tết về, lại càng thấm thía giá trị của những bình thường xưa cũ ấy, để hiểu rằng hoa nở ngày xuân cần phải có mạch nguồn đưa dưỡng chất nuôi cây suốt từ những mùa xuân trước.

Ngọc Mai

Tin cùng chuyên mục