Lời chào cao hơn mâm cỗ

- Mỗi bữa cơm trong gia đình là dịp để mọi người cùng quây quần bên nhau. Bữa cơm gia đình thể hiện tình cảm yêu thương gắn bó giữa các thành viên trong gia đình, cùng nhau sẻ chia tình cảm và giáo dục văn hóa, đạo đức, lối sống cho con cháu. Vì vậy, người Việt có câu “Lời chào cao hơn mâm cỗ” là vậy.

Quây quần bên gia đình ngày Tết luôn là ước mong của mỗi người dân.

Ăn uống là một trong những nhu cầu thiết yếu của con người, không chỉ đơn thuần là duy trì sự sống mà thông qua cách ăn uống còn thể hiện nét văn hóa ẩm thực của một dân tộc, quốc qua. Từ cách ăn uống, có thể phần nào thấy được trình độ văn hóa, trình độ nhận thức thẩm mỹ của một cá nhân, một gia đình, một vùng miền và một dân tộc.

Văn hóa ẩm thực Việt trải qua hàng nghìn năm, nhưng những giá trị tốt đẹp vẫn còn được gìn giữ và lưu truyền đến tận hôm nay, nhất là văn hóa mời cơm gia đình của người Việt. Trong văn hóa ẩm thực của người Việt bữa ăn gia đình đóng vai trò quan trọng, thể hiện tình cảm, sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình.

Người Việt có tục lệ mời cơm để thể hiện sự kính trọng với người lớn tuổi. Người lớn nhất trong nhà thường bắt đầu bằng câu “Cả nhà ăn cơm nào”. Hay trong những dịp quan trọng thì chủ nhà trang trọng tuyên bố lý do, tiếp đó các thành viên trong gia đình lần lượt mời bậc cao tuổi trước, người trẻ mời cơm người lớn, theo thứ tự lớn nhất trong nhà.  Khi người lớn tuổi nhất cầm chén đũa xơi cơm thì các thành viên khác trong gia đình mới cầm bát thưởng thức bữa ăn. Tiếng mời cơm trong bữa ăn của người Việt không đơn thuần là những lời mời vô thức mà mang ý nghĩa răn dạy con cháu về lòng biết ơn, kính trọng người lớn và cũng là biết trân trọng hạt thóc người nông dân làm ra. Sau khi ăn cơm xong, người Việt cũng thường có lời mời mọi người ăn, điều này thể hiện lễ giáo và sự kính trọng với người trên.

Không chỉ người Việt Nam, các nước trên thế giới cũng có tục mời nhau trước khi ăn. Việc chúc nhau ăn ngon trước khi nhấc muỗng là văn hóa ăn sâu vào tâm thức của người Pháp, hầu như ai khi ăn cơm với gia đình hoặc đi ăn cùng với người khác cũng sẽ nói câu này. Còn đối với người Nhật thì thức ăn là điều hết sức trân quý, cho nên trước khi ăn họ đều phải nói câu “xin ạ” để thể hiện sự biết ơn. Ở một số nước châu Âu có quan niệm cho rằng, ăn uống là một việc không chỉ để no bụng mà còn là một việc mà mọi người nên tận hưởng, một việc đáng để cảm thấy vui vẻ khi làm. Vì vậy, câu nói trước mỗi bữa ăn của họ thường là “mong rằng sức khỏe/phước lành sẽ đến với bạn” với mong muốn rằng người ăn sẽ lấy được lợi ích từ món ăn ấy.

Mâm cỗ tết truyền thống gia đình người Việt.

“Mời cơm” là câu nói đầu tiên của các thành viên khi ngồi quanh mâm cơm trước khi cầm đũa. Trước khi bưng bát, xơi cơm thì việc mời các bậc sinh thành hai tiếng “mời cơm” thể hiện biết bao nhiêu là sự kính trọng dành cho nhau. Văn hóa ẩm thực trong bữa cơm của người Việt thể hiện thông qua cách mời cơm giữa các thành viên trong gia đình. Trải qua nhiều biến động về lịch sử, kinh tế, xã hội nhưng ý nghĩa của lời mời trong mỗi bữa cơm gia đình vẫn giữ nguyên giá trị tinh thần và là một nét đẹp trong văn hóa ẩm thực của người Việt.

Cuộc sống hiện đại ngày nay, mỗi người đều có biết bao nhiêu công việc cần phải giải quyết mỗi ngày. Những bữa ăn nhanh tại cơ quan, công sở; những suất cơm được đặt sẵn và “ship” đến tận nhà, rồi mỗi người tự ăn để còn chủ động công việc của mình. Nhiều gia đình còn thường chuẩn bị cơm cho con cái ăn tận phòng học để con còn có thời gian học bài. Con cháu không cùng ngồi ăn cơm với ông bà, cha mẹ nên lời mời trước mỗi bữa ăn đã không được duy trì thường xuyên.

Lời mời trong bữa cơm là một nét văn hóa đáng quý nhưng ngày nay, nét văn hóa này đang dần bị mai một, rất cần được duy trì, phát triển.
 

Đức Anh

Tin cùng chuyên mục