Mùng 3 Tết Thầy

- Theo truyền thống, mỗi Tết đến Xuân về người Việt ta đều bày tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên ông bà, cha mẹ và những thầy dạy mình nên người. Câu thành ngữ “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 tết Thầy” chính là để nhắc nhớ truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây ấy. Trong đó, “mùng 3 tết thầy” cho thấy dân tộc ta luôn tôn sư trọng đạo, người thầy luôn được quan tâm, tôn kính như người sinh thành dưỡng dục, là mối quan tâm lớn trong dịp lễ quan trọng nhất của năm. 

Chuyện tết xưa

Lịch sử đã ghi lại những câu chuyện cho thấy dù học trò làm vua, làm quan thì ngày Tết vẫn dành thời gian đến thăm thầy với một lòng tôn sư trọng đạo. Thường thì ngày mùng ba Tết, những người cùng học, không phân biệt tuổi tác, chức vị, vị trí xã hội, thường tụ họp ở gia đình thầy giáo, chúc Tết thầy. Đây vừa là dịp tỏ lòng biết ơn thầy cô đã dạy dỗ, vừa là thăm hỏi, quan tâm đến cuộc sống của thầy, gửi đến thầy và gia đình lời chúc tốt đẹp đầu năm mới; đồng thời báo cáo với thầy việc mình đã thực hiện lời thầy dạy ra sao.

Theo Đại Việt Sử ký toàn thư, thầy giáo Chu Văn An (1292 - 1370) được người đời tôn là “vạn thế sư biểu” - người thầy của muôn đời. Thầy Chu có tới 3.000 học trò, trong đó có nhiều người đỗ đạt cao, giữ nhiều chức tước trong triều đình đương thời như Phạm Sư Mạnh người Hải Dương, Lê Quát người Thanh Hóa. Hai người học trò này của Chu Văn An nổi tiếng đức độ, tài giỏi một thời, nhưng mỗi khi về thăm thầy cũ trong dịp lễ tết vẫn một mực cung kính theo đạo làm trò.

Sách Đại Nam Nhất Thống Chí ghi lại câu chuyện cảm động về đạo thầy trò trong một lần vua Lê Hiến Tông về thăm thầy cũ. Đến cổng làng, nhà vua ra lệnh dừng kiệu và bước xuống đầu đường rẽ vào nhà thầy. Vua chỉ chọn 2 đến 3 cận thần cùng một vị quan sở tại tháp tùng vào nhà thầy giáo rồi cho những người đi theo về nghỉ ở công quán.

Khi còn là Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang hay sau này đã hoàn thành nhiệm vụ,
đồng chí Nguyễn Sáng Vang luôn giữ lệ chúc tết thầy giáo cũ Hà Thạch Cáp.

Theo đạo vua tôi, cụ giáo già cùng gia nhân sụp lạy nghênh đón, nhưng vua Lê Hiến Tông nhanh tay nâng vai thầy lên, lễ phép nói: “Xin lão tiên sinh bình thân để cho đệ tử không bị thất lễ”. Vào đến nhà thầy, vua mời cụ ngồi lên sập giữa để mình đứng vấn an thầy. Cụ giáo giật mình từ chối, vua nhẹ nhàng nói: “Thưa tôn sư, họ đã biết mục đích của trẫm hôm nay rồi. Tôn sư cho phép đệ tử ngồi chung là đã quá lắm rồi”. Nhà vua cùng ngồi đàm đạo và xin cùng thầy ăn bữa cơm quê, vừa ăn vừa ngâm nga thơ phú.

Còn thời nay, chúng ta không thể nào quên câu chuyện về cố Tổng Bí thư Trường Chinh về thăm thầy cũ. Sau ngày Thủ đô Hà Nội giải phóng, vào độ Tết Dương lịch 1/1/1955, Tổng Bí thư với bộ quần áo ka ki giản dị đã đến số nhà 44 phố Hàng Bún thăm cụ Mai Phương - người thầy ông từng được học ở bậc thành chung ở Trường Quốc học Nam Định. Hai thầy trò nói chuyện cởi mở, thân tình.

Câu chuyện Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết thư tay chúc tết cô giáo tiểu học Đặng Thị Phúc cũng tỏa sáng đạo thầy trò. Bức thư ngoài bì chỉ ghi “Nguyễn Phú Trọng kính gửi cụ Đặng Thị Phúc”, nhưng bên trong đề “Kính thưa cô” đúng đạo thầy trò. Cụ giáo già dù không thấy bì thư ghi kèm địa chỉ “Văn phòng Tổng Bí thư” hay “Văn phòng Chủ tịch nước” nhưng vẫn nhận ra lá thư của “người trò nhỏ năm xưa”. Bức thư chúc Tết của người lãnh đạo cao nhất của Đảng  được viết tay với lời lẽ giản dị, lễ phép thật đáng trân trọng, là bài quý cho toàn thể cán bộ đảng viên về đạo làm học trò, về phong tục đẹp “mùng 3 tết thầy” của người Việt.

Thế hệ 6X chúng tôi cũng được cha mẹ dạy kỹ phong tục “Mùng 3 tết thầy” từ thời học cấp 1. Mỗi dịp tết, danh mục các công việc nhất thiết phải làm bao giờ cũng có việc tết thầy. Nói là đi tết thầy, nhưng lễ vật không có gì phức tạp cầu kỳ. Có năm là bó hoa hay cành đào trong vườn nhà, phải có người lớn đi cùng mới mang nổi. Có năm là hộp mứt, thầy nhận rồi mở ra mời trò cùng ăn, hỏi chuyện tết nhất, học hành. Có năm là cặp bánh chưng của nhà tự gói, thầy nhận xong đến cuối buổi cho trò cầm về, kèm thêm phong kẹo lạc, bánh quy nhà thầy “để mai ăn trước khi đi học”. Tình thầy trò rất ấm áp, thiêng liêng suốt những tháng năm sau này, khi trò đã thành người có tuổi.

Chuyện tết nay

Theo thời gian, truyền thống này đang dần thay đổi. Học trò cũ, đã trưởng thành thường linh hoạt,  thăm thầy vào mùng 3 tết hoặc trước đó, hoặc sau đó vài hôm. Các trò tụ tập cùng nhau chúc tết thầy - khi thì đến nhà thầy, khi mời thầy đến nơi nào đó. Trò chúc thầy mạnh khỏe, tặng quà đầu xuân và cùng ôn lại chuyện ngày đi học, báo cáo với thầy chuyện của mình. Tình cảm chân thành, ấm áp.

Chúc Tết thầy cô giáo khoa Văn trường Đại học Sư phạm Việt Bắc là truyền thống hàng năm của
các cựu sinh viên  khóa 20 người Tuyên Quang.

Nhưng các học trò phổ thông ngày nay ít được gia đình dạy truyền thống tốt đẹp này. Học trò ít biết đến tục mùng 3 tết thầy, hoặc nếu có cũng không hoàn toàn với ý nghĩa như xưa. Hầu như truyền thống tết thầy đã âm thầm chuyển từ ngày mùng ba tháng Giêng âm lịch sang những ngày trước tết, thậm chí cả tháng trước tết trở thành tháng “tết thầy”. Hội phụ huynh họp, thống nhất, lo lễ tết từ Ban giám hiệu tới tập thể các thầy cô dạy lớp của con mình; rồi sau đó tổ chức “đi thầy”. Thường là “đi” giáo viên chủ nhiệm và giáo viên ba môn chính: toán, văn, ngoại ngữ; những thầy cô bộ môn còn lại thì đại diện phụ gửi phong bì nhờ giáo viên chủ nhiệm chuyển giúp.

Điều này dẫn đến học sinh không biết đến truyền thống tốt đẹp “mùng 3 tết thầy”, làm phong tục đẹp đẽ bị mai một dần. Nhiều học trò và phụ huynh đến thầy như một cách “đi khoán”, hoặc mong được thầy xí xóa cho lỗi lầm mới mắc phải, hoặc muốn được thầy quan tâm hơn để đạt điểm giỏi, đủ điều kiện sang năm vào trường chuyên lớp chọn. Lại có những giáo viên coi ngày tết như một dịp “điểm danh” thái độ, dịp nhận trả ơn của học trò và gia đình. Tình cảm với nhau không bằng sự chân thành, thực chất.

Tuy nhiên, những người thầy và học trò đích thực đều có đủ tế nhị để hiểu ý nghĩa của phong tục đẹp. Người Việt ta thường nói “Không thầy đố mày làm nên”. Công dưỡng dục thuộc về cha mẹ nhưng công lao dạy dỗ thành người hiểu biết, thành người có nghề nghiệp để sau này sinh sống và định vị cuộc đời mình lại chính là người thầy. Nên phong tục “Mùng 3 tết Thầy” là nét văn hóa truyền thống đẹp, đáng trân trọng. Tết thầy cốt ở tấm lòng, có thể đến thăm, có thể chỉ là dòng tin nhắn, cuộc điện thoại với một tình cảm chân thành, kính trọng. Ý nghĩa của việc giữ gìn truyền thống tết Thầy luôn phải xoay quanh tấm lòng chân thành tri ân người dạy dỗ mình.

Cuộc sống ngày càng phát triển, đủ đầy, càng cần lưu giữ truyền thống tết thầy. Tấm lòng tri ân thầy giáo không phải ở chỗ người học trò mang nhiều vật chất đến thầy, mà là ý thức thực hiện bổn phận của người trò với người thầy của mình, thực hiện đúng những điều thầy đã dạy, thành người có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Giữ một phong tục đẹp, cũng là giữ và làm phong phú thêm nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc tan

Hà Linh

Tin cùng chuyên mục