Một bức ảnh đẹp giá trị hơn ngàn lời nói...
Những năm trước ít khách du lịch biết đến nét hoang sơ ruộng bậc thang, nét tinh khôi của hoa lê ở xã Hồng Thái (Na Hang), sắc trắng dịu dàng của đồi mận Nà Héc, xã Xuân Quang (Chiêm Hóa) hay những ngôi nhà homestay khuất sau dãy núi ở Lâm Bình... Thế nhưng khi có sự “đổ bộ” của các nhiếp ảnh gia thì cảnh đẹp, con người miền sơn cước được “tỏa sáng”.
Những chùm ảnh ấn tượng, góc máy lạ, giàu tính nghệ thuật sau khi được đăng tải trên Báo Tuyên Quang, Tân Trào, Cổng thông tin điện tử, Trang Đối ngoại của tỉnh, mạng xã hội facebook, zalo và các báo, tạp chí khác đã mang lại sự tò mò với khách du lịch...
Có thể nói rằng, đôi khi những tác phẩm ảnh có thể thay ngàn lời nói giới thiệu đến du khách vẻ đẹp quê hương mình. Phân hội Nhiếp ảnh, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh quy tụ 21 tay máy. Đối với các tác giả thì quê hương Tuyên Quang là vùng đất có nhiều chất liệu sáng tác. Phong cảnh miền núi hữu tình, vẻ đẹp đằm thắm của các cô gái miền sơn cước... luôn là nguồn cảm hứng bất tận của các nhiếp ảnh gia.
Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Nguyễn Chính chia sẻ, những năm gần đây, hoạt động quảng bá, giới thiệu du lịch thông qua nhiếp ảnh được định hình rõ nét hơn khi các cuộc thi sáng tác ảnh nghệ thuật được quan tâm đầu tư. Điển hình như, hàng năm Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam đã tổ chức Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Cuộc thi Ảnh du lịch Tuyên Quang.
Nhiều video ca nhạc, kênh Youtube, Tiktok quảng bá du lịch Tuyên Quang.
Ngoài ra, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh tổ chức các cuộc thi sáng tác ảnh. Nhiều chuyến đi tập thể hoặc từng cá nhân thực hiện đã đem về hàng trăm bức ảnh sinh động, góp phần khắc họa đa chiều vẻ đẹp quê hương, con người xứ Tuyên. Cá nhân Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Nguyễn Chính còn lập mục Du lịch qua ảnh trên trang Facebook của mình để giới thiệu tiềm năng du lịch Tuyên Quang đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Đặc biệt, nhiều tác phẩm ảnh đã vươn xa tầm quốc tế. Tại Cuộc thi Ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 11 tại Việt Nam năm 2021 (VN21), tác phẩm “Được mùa” của tác giả Lê Hồng Đức, trường Tiểu học Nhữ Hán (Yên Sơn) đoạt Huy chương Bạc. Ngoài ra, Tuyên Quang còn có 7 tác phẩm được treo tại triển lãm, bao gồm các tác phẩm: Đổi công của tác giả Quang Minh; Chợ phiên Mèo Vạc, Những cô gái Dao Tiền, Thiếu nữ Dao Tiền của tác giả Hà Ngọc Hà; Chân dung cô gái Dao với niềm tin chiến thắng Covid-19, Ươm mầm di sản, Được mùa ngô của tác giả Lê Hồng Đức. Mới đây, tại Cuộc thi Ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 12 được bảo trợ bởi Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế (FIAP), Hiệp hội Hình ảnh không biên giới (ISF) có 2 tác phẩm Nguồn sáng bên đời và Gọi giấc mơ về của tác giả Lê Đức được lựa chọn trưng bày tại triển lãm.
Những nhà sáng tạo nội dung
Bạn có biết trên các mạng xã hội, các nội dung, hình ảnh hay video có kèm theo hashtag “du lịch” (#travel) thu hút rất nhiều lượt view? Nhiều người trẻ trở thành những nhà sáng tạo nội dung thành công với việc quay video giới thiệu mảnh đất, con người, văn hóa quê hương. Thông qua nền tảng “TikTok”, Facebook, Youtube... du lịch xứ Tuyên ngày càng được dịp quảng bá rộng rãi.
Cộng đồng mạng những năm gần đây biết đến kênh Fanpage Tuyên Quang - Miền Gái Đẹp với 58K lượt thích, 87K người theo dõi. Chủ nhân của Fanpage này là anh Ngô Vương sinh năm 1995, thôn Bản Chợ, xã Thượng Lâm (Lâm Bình). Ngô Vương chia sẻ: “Em lập Fanpage từ năm 2016 với mong muốn quảng bá vẻ đẹp con người, khung cảnh quê hương miền núi quê mình. Đặc biệt là vẻ đẹp người con gái xứ Tuyên, món ăn đặc sản đồng bào vùng cao”.
Tác phẩm Bản Cài bình yên của Hà Ngọc Hà.
Được biết Ngô Vương là một nhiếp ảnh gia tự do, Ngô Vương có nhiều tác phẩm ảnh cũng như sở hữu nhiều video triệu view giới thiệu cảnh đẹp Tuyên Quang trên nền tảng tiktok. Năm 2022, Tỉnh đoàn phát động Cuộc thi thiết kế video, clip Tuyên Quang nơi vẻ đẹp hội tụ, Ngô Vương đoạt 2 giải là giải B với tác phẩm Cảnh sắc Lâm Bình, Giải C với tác phẩm Tuyên Quang nơi vẻ đẹp hội tụ.
Người dùng Tiktok dễ dàng tìm kiếm tài khoản Cô gái Tày Tuyên Quang với những video văn hóa Tày. Chủ nhân của kênh là cô gái sinh năm 1997 Chu Thị Hiệp, tổ dân phố Vĩnh Thiện, thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa). Nhiều video như: Cơm niêu xào mắm ruộng, trải nghiệm một buổi thú vị đi rừng, cơm rang rau dớn, Tết Thanh minh với bánh trôi ngũ sắc, chè lam nếp cẩm, bánh khảo nếp cẩm, măng nướng… thu hút hàng nghìn lượt view, lượt bình luận của cộng đồng tiktok.
Thực tế hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở du lịch trên địa bàn tỉnh đều ứng dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok... để quảng bá, tuyên truyền tiềm năng, lợi thế và thành quả phát triển du lịch của địa phương. Điển hình như các trang Facebook của Homestay Nặm Đíp & Bản Bon, Homestay A Phủ (Lâm Bình), Homestay Hồng Thái (Na Hang), Khu du lịch thác Bản Ba (Chiêm Hóa)... Các tài khoản đã giới thiệu hình ảnh đẹp giới thiệu món ăn, điểm tham quan đẹp, tour du lịch... trở thành cẩm nang du lịch trước những chuyến đi cho mọi người.
Sự phát triển của công nghệ số đã mở ra nhiều cơ hội và mạng xã hội trở thành mảnh đất “vàng” để ngành du lịch khai thác và phát huy hết giá trị. Du lịch Tuyên Quang cũng không nằm ngoài xu thế đó. Cùng với sự hoạch định, chiến lược trong phát triển du lịch của các ngành, địa phương thì những nghệ sỹ, nhà sáng tạo nội dung trẻ đã thầm lặng góp phần quảng bá du lịch xứ Tuyên bay xa.
Gửi phản hồi
In bài viết