Đổi mới sản phẩm du lịch
Sau một thời gian “ngủ đông”, đúng dịp nghỉ Lễ 30-4, 1-5, điểm du lịch thác Bản Ba, xã Trung Hà (Chiêm Hóa) chính thức mở cửa đón khách với một diện mạo hoàn toàn mới. Các điểm ăn nghỉ được đầu tư khang trang, cao cấp với nhiều dịch vụ mới hấp dẫn theo mô hình khu nghỉ dưỡng dựa vào tài nguyên rừng, trở thành thương hiệu du lịch xanh - lành với ba tiền đề Xanh - Yên tĩnh - Chữa lành.
Bà Nguyễn Thị Sen, Giám đốc Truyền thông Công ty TNHH Sông Gâm - đơn vị đầu tư và khai thác điểm du lịch Bản Ba cho biết: Thay vì chỉ khai thác “thô” như trước đây, Công ty TNHH Sông Gâm tập trung đầu tư lại toàn bộ các điểm ăn nghỉ, dừng chân và xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mới. Để xây dựng thương hiệu du lịch xanh - lành, trong suốt hơn 1 năm, Công ty TNHH Sông Gâm đã thu dọn toàn bộ rác thải do người dân và du khách thải ra môi trường, đồng thời, hướng dẫn, tuyên truyền để người dân địa phương cùng chung tay thực hiện.
Đón đầu xu hướng du lịch hè những năm gần đây, điểm du lịch Thác Bản Ba đã tung ra nhiều sản phẩm du lịch mới để phục vụ dòng khách cao cấp. Hiện, đơn vị đã sẵn sàng 30 phòng nghỉ tại nhà sàn cộng đồng tiêu chuẩn, sức chứa khoảng 60 khách/ngày đêm và các lều camping. Nhà hàng sức chứa 200 người phục vụ các món ăn bản địa, món Âu, món Á và BBQ tối ngoài trời, phục vụ âm nhạc khi khách có yêu cầu. Không chỉ vậy, các bữa tiệc trên mặt hồ (tiệc cưới, thôi nôi) cũng sẽ được ra mắt để phục vụ du khách. Theo bà Sen, việc khai thác trở lại điểm du lịch Bản Ba lần này sẽ có yêu cầu khắt khe hơn với khách du lịch trong việc bảo vệ môi trường. Tiêu chí của đơn vị là làm sao để khách có trải nghiệm xứng đáng và hài lòng nhất khi đến với Bản Ba.
Cũng như Bản Ba, nhiều điểm du lịch trên địa bàn tỉnh hiện đang liên tục “thay đổi hình ảnh” với nhiều trải nghiệm mới, phù hợp với xu thế.
Đến với Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm du khách được ngâm mình trong nguồn nước khoáng nóng rất tốt cho sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần.
Ông Đỗ Trung Kiên, Trưởng ban Quản lý các khu du lịch tỉnh cho biết, việc thay đổi, ra mắt các sản phẩm du lịch mới là nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị trong thời gian này. Trong đó, các sản phẩm mới được gắn chặt chẽ với đời sống nhân dân, mục tiêu chính là đem lại thu nhập cho nhân dân, để nhân dân hưởng lợi và cùng tham gia làm du lịch.
Ngày 26-4, Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm ra mắt sản phẩm du lịch mới. Khách đến đây không chỉ còn là “tắm và về”, mà sẽ được trải nghiệm làm bánh chim gâu, làm cơm lam với đồng bào Cao Lan, thưởng thức các tiết mục dân ca dân vũ của người Cao Lan, check-in đồi chè và thăm quy trình chế biến sản phẩm Chè của Công ty cổ phần chè Mỹ Lâm.
Không hoạt động đơn độc, Ban Quản lý các khu du lịch tỉnh cũng kết nối với các đơn vị du lịch của Thái Nguyên, Yên Bái, xây dựng tour du lịch khép kín: Thác Bà - ATK Định Hóa - Suối khoáng Mỹ Lâm. Đây là một trong những sản phẩm du lịch mới của Ban Quản lý trong năm nay.
Không chỉ ở Chiêm Hóa hay Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm, tại các điểm du lịch của tỉnh, việc thay đổi, ra mắt sản phẩm du lịch mới cũng đều được quan tâm. Như tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, các chương trình du lịch về nguồn kết hợp, trải nghiệm hát Then, đàn Tính, bơi mảng trên hồ Nà Nưa và check-in tại các đảo hoa, ngắm hoa rừng được triển khai hơn một năm trở lại đây đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng khách du lịch.
Một trong những thay đổi lớn nhất khi đến với Na Hang 2 năm trở lại đây là gần như mùa nào cũng có sản phẩm du lịch hấp dẫn. Đây cũng là địa phương duy trì được mô hình chợ đêm phục vụ khách du lịch vào các buổi tối cuối tuần, với các điểm bán hàng OCOP và phục vụ miễn phí chương trình văn nghệ đặc sắc từ các xã, thị trấn. Mới đây nhất, địa phương này đã xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế ban đêm - cũng lấy hoạt động chợ đêm làm điểm nhấn, để vừa níu chân khách du lịch, vừa tăng doanh thu từ dịch vụ này.
Điểm nhấn Năm du lịch
Năm 2022, Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế lần thứ nhất được tổ chức cùng thời điểm với Năm Du lịch Tuyên Quang thành công rực rỡ, thu hút 1,2 triệu lượt khách du lịch đến với tỉnh. Không chỉ là sản phẩm du lịch độc đáo, đem lại trải nghiệm mới mẻ cho người dân và du khách mà Lễ hội Khinh khí cầu thực sự là cột mốc quan trọng, đánh dấu sự trở lại nhanh chóng, mạnh mẽ, đầy hiệu quả của ngành Du lịch Tuyên Quang. Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao chứng nhận Lễ hội Khinh khí cầu Quốc tế lớn nhất Việt Nam cho tỉnh Tuyên Quang. Năm 2023, Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế lần thứ II được tổ chức tại tỉnh cùng với một loạt các sự kiện hưởng ứng tiếp tục hứa hẹn là điểm nhấn, khẳng định bản sắc du lịch xứ Tuyên.
Điểm du lịch Bản Ba, xã Trung Hà (Chiêm Hóa) chính thức mở cửa đón khách dịp 30-4.
Năm Du lịch Tuyên Quang 2023 được tổ chức gần với những ngày nghỉ Lễ 30-4 và 1-5 tạo điều kiện cho nhân dân, du khách có quãng thời gian đi tham quan, trải nghiệm. Trong suốt thời gian này, hàng loạt các sự kiện lớn sẽ được tổ chức. Trong ngày 28-4, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Tuyên Quang) khai mạc Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế lần thứ II; Hội thảo “Tiềm năng, nguồn lực và thực trạng liên kết phát triển du lịch các tỉnh chiến khu Việt Bắc”; buổi tối cùng ngày khai mạc Năm Du lịch Tuyên Quang 2023 và trao giải “Giải thưởng Phong cảnh thành phố châu Á” năm 2022 cho “Công trình Quảng trường Nguyễn Tất Thành - Tinh hoa của núi rừng”. Tại tuyến đường Chiến Thắng Sông Lô, phường Tân Quang và đường 17-8 phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) có các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm du lịch, làng nghề của tỉnh.
Huyện vùng cao Lâm Bình tổ chức hoạt động bay khinh khí cầu tại sân vận động Nà Tông, xã Thượng Lâm; giải bóng đá nữ toàn tỉnh; giải đua thuyền Kayak toàn tỉnh. Các huyện Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên, Yên Sơn, Sơn Dương có nhiều hoạt động du lịch, văn hóa, thể thao hưởng ứng Năm Du lịch như tour trải nghiệm rừng nguyên sinh Bó Kim - Nà Niếng (Na Hang); Hội đua mảng xã Yên Lập (Chiêm Hóa)…
Hài lòng từ những điều nhỏ nhất
Sự “bùng nổ” của những ngày nghỉ lễ cũng đặt ra bài toán cho công tác chuẩn bị của ngành du lịch thời gian. Ngay từ trước kỳ nghỉ lễ, Ngành Văn hóa - thể thao và Du lịch đã đặc biệt là có các giải pháp giải quyết tình trạng tăng giá dịch vụ, nạn chặt chém của một số ít các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khiến du khách chưa hài lòng.
Bên cạnh hệ thống hơn 250 nhà hàng, quán ăn; gần 400 cơ sở lưu trú với gần 4.000 buồng, phòng có thể phục vụ 6.000 lượt khách lưu trú cùng thời điểm, các địa phương cũng khuyến khích người dân chỉnh trang nhà cửa, phát triển dịch vụ Homestay phục vụ khách du lịch.
Cắm trại tại Đồi Đòn, xã Hồng Thái (Na Hang). Ảnh: Duca Mami
Ban Quản lý các khu du lịch tỉnh cũng đã có công văn đề nghị tăng cường công tác quản lý, đảm bảo chất lượng dịch vụ du lịch. Trong đó, các nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh dịch vụ kiểm tra, nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng phục vụ để đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, tắm khoáng của khách du lịch; niêm yết giá công khai các loại hình dịch vụ; tăng cường chỉnh trang vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ; bố trí cán bộ để hướng dẫn, đón tiếp khách với tinh thần cầu thị và thái độ nhiệt tình, lịch sự, văn minh.
Ông Hoàng Tuấn, chủ Homestay Hoàng Tuấn, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) cho biết: Lượng khách đặt dịch vụ ăn nghỉ hiện đã kín trong suốt cả 5 ngày. Với mục tiêu phục vụ khách lâu dài, Homestay nói không với việc tăng giá vé ăn nghỉ, thuê thuyền. Cụ thể, theo anh Tuấn, giá vé một người nghỉ tại Homestay ổn định 120 nghìn đồng/người; thuyền thuê tham quan hồ dao động từ 1,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng tùy theo cung đường đi mà khách lựa chọn.
Tại hầu hết các điểm du lịch, đều có công khai số điện thoại đường dây nóng để đảm bảo thông suốt, kịp thời cung cấp thông tin và trả lời, giải quyết các khiếu nại của khách du lịch.
Ngoài ra, để tránh những sai sót không mong muốn xảy ra, các địa phương và các khu, điểm du lịch trong tỉnh chuẩn bị kỹ càng các phương án điều phối du khách, luôn đặt yếu tố an toàn và chất lượng lên hàng đầu. Như tại điểm du lịch Bản Ba, giá vé bán cho khách đã bao gồm cả phí bảo hiểm cho khách du lịch.
Không ngừng nâng cao chất lượng, đa dạng và đổi mới sản phẩm du lịch, Tuyên Quang đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa kinh tế du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Và quan trọng hơn cả, là định hình du lịch địa phương trong lòng du khách, để mỗi giây phút khám phá, trải nghiệm các điểm đến của xứ Tuyên đều là những trải nghiệm khó quên.
Gửi phản hồi
In bài viết