Năng Khả lưu giữ những nếp nhà sàn truyền thống

- Cách thị trấn Na Hang hơn 7km, trong làn khói sương mờ ảo, những ngôi nhà sàn một gian, hai chái của người Tày tại xã Năng Khả hiện ra với nét trầm mặc, cổ kính. Người dân Năng Khả hôm nay đang đi đầu trong gìn giữ kiến trúc nhà sàn và tạo không gian xanh đón khách du lịch đến trải nghiệm và khám phá.

Theo quan niệm của người Tày, ngôi nhà sàn đẹp thường là ngôi nhà lưng quay về núi, mặt hướng ra đồng ruộng. Vào mùa hè, sự cao ráo của sàn cũng giúp cho không khí được lưu thông, thoáng mát, khi mưa sẽ không ẩm ướt, còn mùa đông tránh được giá lạnh. Nhà sàn của người Tày mang những nét đẹp và kiến trúc thẩm mỹ đặc trưng riêng, điển hình cho sự hòa hợp với thiên nhiên và chiều sâu văn hóa.

Ngôi nhà sàn giờ đây cũng là điểm kinh doanh dịch vụ homestay.

Người Tày mến khách, dưới căn nhà sàn thường có một cái máng để đựng nước, khi khách đến chơi nhà có thể rửa tay, chân. Cầu thang lên nhà thường là 9 bậc bởi người Tày quan niệm mỗi bậc thang tượng trưng cho một vía của người phụ nữ đang sống trong ngôi nhà, nếu làm bậc cầu thang là số lẻ thì mọi người trong nhà đều bình yên và may mắn. Ngày xưa, gầm sàn là nơi để các dụng cụ sản xuất và nuôi nhốt gia súc, gia cầm nhưng nay bà con đều có ý thức giữ gìn vệ sinh, nên gầm nhà sàn chỉ để xe và các đồ dùng trong nhà.

Ông Hoàng Minh Đằng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Na Hang cho biết:  Từ năm 2016, phòng văn hóa đã lồng ghép nhiều chương trình, đưa du lịch cộng đồng vào hoạt động, qua đó giúp người dân nâng cao thu nhập và gìn giữ nét kiến trúc cổ trong ngôi nhà sàn. Gần đây, nguồn gỗ tự nhiên bị suy giảm và được bảo vệ nghiêm ngặt hơn nên những ngôi nhà sàn làm mới bằng gỗ tự nhiên hầu như rất ít. Do vậy đối với những ngôi nhà sàn bằng gỗ nhiều năm tuổi, cần sửa chữa cũng gặp khó khăn trong việc tìm nguồn thay thế nên phương án là giữ nguyên hiện trạng tìm cách khắc phục những khó khăn về vật liệu, cố gắng giữ nguyên trạng những ngôi nhà để không phá vỡ quần thể kiến trúc của địa phương.

Ngôi nhà sàn hơn 30 năm tuổi của ông La Văn San, thôn Nà Khá được xếp loại là căn nhà sàn đẹp nhất của xã. Năm 2017, gia đình ông San được UBND huyện Na Hang chọn để phát triển du lịch cộng đồng (homestay). Ông San kể, ông đầu tư 130 triệu đồng chỉnh trang ngôi nhà, mua thêm vật dụng như chăn màn, các đồ dùng sinh hoạt cá nhân, ngăn chia các phòng thành khu khép kín nhưng không phá vỡ nét kiến trúc 1 gian 2 chái của ngôi nhà. Hiện nay, gia đình ông có thể đảm bảo cho trên 20 khách nghỉ lại, giá trung bình từ 60 đến 100 nghìn đồng/ngày/người tùy theo nhu cầu. Giờ đây, ngôi nhà sàn không chỉ là nơi ở của gia đình mà còn có thể tạo ra thu nhập nhờ làm du lịch. Ngoài việc giữ gìn nhà sàn, cảnh quan môi trường xung quanh cũng được gia đình ông cải tạo, trồng mới với các loài hoa bình dị, những cây rau bình dân hay cây ăn quả thân thuộc tạo cho du khách một cảm giác gần gũi như ở nhà.

Bên trong ngôi nhà sàn ở thôn Nà Khá, xã Năng Khả, Na Hang.

Với gia đình anh Hoàng Văn Hùng, thôn Nà Vai thì ngôi nhà sàn hơn 40 năm tuổi lại như một kỷ vật. Anh Hùng bảo, chẳng biết có từ khi nào nhưng từ lúc sinh ra anh đã ở trong căn nhà này, ngôi nhà che chở cho bao thế hệ của gia đình anh sinh ra lớn lên và đến khi từ giã cuộc đời, anh và mọi người đều nhận được sự truyền dạy từ ông bà phải biết trân quý ngôi nhà sàn như người thân trong gia đình. Năm 2020, khi du lịch homestay có cơ hội phát triển, anh Hùng cũng như nhiều hộ dân đã bỏ vốn hơn 100 triệu đồng cải tạo lại ngôi nhà, tuy mới đưa vào hoạt động được hơn 2 năm, nhưng dịch vụ homestay của gia đình đã đón nhiều đoàn khách đến lưu trú. Ai cũng ấn tượng với chiếc cột, tấm ván gỗ gọt đẽo thủ công, đặc biệt là nếp lá cọ xếp lớp thành hàng, đan xen lớp mái vô cùng thú vị và rất lý tưởng để chụp ảnh thưởng lãm.

Hãy thử tưởng tượng, trong nhịp sống hối hả được trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt trong những nếp nhà sàn thật là những giây phút thư giãn, thoải mái, quên đi bao lo âu. Những ngôi nhà sàn đẹp ở Năng Khả tập trung chủ yếu ở thôn Nà Khá, Nà Vai, Nà Chang, Nà Reo... mỗi thôn có khoảng chục ngôi nhà. Hiện nay, toàn xã có trên 20 hộ gia đình sử dụng nhà sàn để phát triển du lịch homestay. Bà Lương Thị Linh, Trưởng thôn Nà Khá cho biết, từ ngày du lịch homestay phát triển, người Tày ở đây càng trân quý và bảo nhau giữ gìn ngôi nhà sàn của gia đình. Thôn Nà Khá đã thành lập Câu lạc bộ hát Then với hơn 30 thành viên, dưới nếp nhà sàn tiếng đàn Tính, lời Then vang lên, như một nét văn hóa vùng miền mà ít nơi nào có được. Người dân nơi đây cùng bảo nhau giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa để những ngôi nhà sàn ngày càng trở nên khang trang, sạch đẹp.

Ngày nay, nhà sàn mới dựng lên đã có nhiều thay đổi, thiết kế hiện đại, vật liệu đa dạng hơn. Quan niệm về cách dựng nhà, sắp xếp không gian sinh hoạt cũng không còn nhất nhất phải theo lệ cũ để phù hợp với cuộc sống mới. Dẫu vậy, lịch sử và văn hóa ngàn đời mà bao thế hệ cha ông trao truyền gắn liền với nhà sàn thì vẫn còn nguyên giá trị. Nếp nhà sàn dù truyền thống hay hiện đại vẫn luôn là nơi để trở về, để nhớ về cội nguồn của dân tộc.


Nâng cao chất lượng các đồ án quy hoạch nông thôn

Ông Phạm Quốc Chương, Giám đốc Sở Xây dựng

Để xây dựng quy hoạch kiến trúc nông thôn hiện đại, giàu bản sắc văn hóa, Sở đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tập trung nâng cao chất lượng các đồ án quy hoạch nông thôn, bảo đảm tính kết nối; quy hoạch nông thôn phải gắn với đô thị hóa, đặc biệt là các xã đã được quy hoạch thành khu đô thị. Đồng thời nghiên cứu, xem xét tính đặc thù với từng vùng, từng địa phương gắn với việc gìn giữ kiến trúc nông thôn, bảo tồn các giá trị văn hóa địa phương. Trong quy hoạch chú trọng không gian kiến trúc cảnh quan giữa khu đô thị cũ và khu đô thị xây dựng mới theo hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa, có hạ tầng đồng bộ và tỷ lệ cây xanh mặt nước nhằm tạo ra bản sắc riêng ở từng đô thị vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh.


Nông thôn mới hiện đại song phải giữ được bản sắc miền quê Việt Nam

Ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh

Với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn phối hợp chặt chẽ với cơ quan liên quan - thành viên Ban chỉ đạo đánh giá việc lập và thực hiện quy hoạch. Cụ thể như việc Sở đã tham gia vào quy hoạch để bảo vệ kiến trúc nhà sàn của đồng bào dân tộc Tày ở xã Tân Trào (Sơn Dương), Năng Khả (Na Hang), Kim Bình (Chiêm Hóa)... hay việc thực hiện các thôn mẫu, vườn mẫu, nhà mẫu... ở các địa phương. Điều này đã góp phần vào thành công chung của tỉnh trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với 62 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Ngoài ra còn nhiều thôn mẫu, vườn mẫu... với những bản sắc nông thôn được bảo tồn song cũng rất hiện đại.


Góp phần để xã về đích nông thôn mới theo lộ trình

Ông Vũ Văn Thịnh, Chủ tịch UBND xã Yên Lâm (Hàm Yên)

Xã Yên Lâm đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nhân dân xây dựng, cải tạo nhà ở bảo đảm “ba cứng” (nền cứng, khung cứng, mái cứng) đáp ứng theo tiêu chí về nhà ở nông thôn trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Xã xác định đây là một trong những giải pháp góp phần để xã về đích nông thôn mới trong năm 2024 theo lộ trình.

Năm 2022, từ nhiều nguồn vốn hỗ trợ, xã đã xóa được 110 nhà tạm và tiếp tục triển khai trong thời gian tới. Bên cạnh đó, xã cũng đã xây dựng được 3 mô hình “nhà sạch, vườn đẹp” là cơ sở để nhân rộng ra toàn xã. Xã đã có kế hoạch triển khai mô hình “Nhóm hộ giúp nhau xây dựng ba công trình vệ sinh” ở thôn Quảng Tân; “Xử lý rác thải tại nguồn và xây lò đốt rác mini” ở các thôn: Ngõa, Thài Khao... góp phần tạo môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp.

Lê Duy

Tin cùng chuyên mục