Những công trình lạc lõng
Nói tới làng quê nơi miền xuôi, ai cũng liên tưởng tới hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình, những ngôi nhà mái ngói với hàng cau trước sân. Còn ở miền núi là không gian bản làng với mái nhà sàn lợp lá, ao cá, vườn rau... hòa lẫn vào màu xanh núi rừng bình yên.
Thế nhưng theo dòng chảy thời gian, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Nhiều xóm làng miền xuôi cũng như miền ngược đang “thay da đổi thịt” trong sự thiếu quy hoạch. Việc xây dựng nhà ở của người dân hiện nay chưa có định hướng kiến trúc cụ thể, kiến trúc nhà ở pha tạp đang làm mất dần bản sắc miền quê Việt Nam.
Những ngôi nhà sàn được bảo tồn, giữ gìn trở thành điểm đến của khách du lịch.
(Trong ảnh: Ngôi nhà sàn của anh Chẩu Xuân Việt, thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can (Lâm Bình).
Kiến trúc sư Phạm Văn Bóng, hội viên Hội Kiến trúc sư tỉnh - người đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, đi nhiều nơi chia sẻ ý tưởng giữ gìn kiến trúc truyền thống của đồng bào. Ông nói rằng, thật tiếc khi kinh tế ngày càng phát triển thì những căn nhà truyền thống của đồng bào lại mất dần. Nhiều bà con khi xây nhà mới chỉ nghĩ xây sao cho to hơn, rộng hơn, có khi lại nghe tư vấn của thợ xây không am hiểu văn hóa đồng bào. Có những căn nhà xây rất tốn kém, nhưng khi đặt bên cạnh một căn nhà truyền thống thua kém cả về công năng sử dụng và cả những yếu tố kỹ thuật như lấy ánh sáng, gió trời… Thực tế là với cùng kinh phí đó, có thể kết hợp được yếu tố hiện đại và truyền thống để xây dựng một căn nhà tiện nghi, hài hòa với không gian bản làng.
Xã Phù Lưu (Hàm Yên) là địa phương có nhiều dân tộc cùng sinh sống, trong đó riêng dân tộc Tày, Dao chiếm 90%, tập trung theo từng bản với vài chục nóc nhà. Ngôi nhà truyền thống của người Tày, Dao là nhà sàn. Tuy nhiên hiện nay số lượng nhà sàn không còn nhiều. Các hộ dân chuyển sang ở nhà đất, nhà tầng, hoặc nhà sàn nhưng bê tông hóa và có sự cải biên cả về quy mô cũng như bài trí nội thất…
Hay những xã ven thị trấn các huyện như xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa), xã Nhân Mục (Hàm Yên), xã Thắng Quân (Yên Sơn)…thì tốc độ đô thị hóa cũng làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi. Những năm qua, đời sống của người dân nơi đây có nhiều đổi thay, kinh tế phát triển, thu nhập của người dân nâng lên, từ đó nhiều hộ có điều kiện xây nhà mới. Tuy nhiên, thay vì xây theo thiết kế truyền thống của người dân tộc một số hộ học theo thiết kế của những căn nhà ngoài phố. Nhiều căn nhà to lớn, rộng rãi được xây dựng tốn kém, nhưng lại chưa hài hòa với cảnh sắc bản làng, rừng núi và không gian nơi đây.
Theo lời chia sẻ từ tâm can của chính người dân nơi đây thì bản thân họ rất muốn giữ lại nhà sàn thế nhưng để “bắt nhịp” thì họ không thể làm khác được. Ông Mã Văn Minh, thôn An Quỳnh, xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa) chia sẻ: “Ngày xưa bố mẹ tôi sống trong nhà sàn lâu đời các cụ để lại thế nhưng qua thời gian nhà sàn hư hỏng dần. Và khi dựng nhà mới, tôi lựa chọn nhà xây vì thấy bà con nơi đây đều làm thế với lại nhà xây thì bền chắc hơn. Nhưng nói thật tôi và bố mẹ vẫn quen sống nhà sàn hơn”.
Bên cạnh đó, “cơn lốc đô thị hóa” đã len lỏi đến nhiều bản làng, kinh tế mở cửa, sự biến đổi trên khá manh mún và tự phát của chợ, nhà xưởng sản xuất, công trình công cộng… không đồng bộ, hoàn chỉnh trong nhiều năm. Từ đó dẫn đến phần lớn các không gian văn hóa làng truyền thống trong quá trình phát triển đã rơi vào tình trạng biến đổi cấu trúc, phá vỡ cảnh quan.
Hiện đại nhưng vẫn giữ bản sắc
Kiến trúc nông thôn miền núi ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh cũng như nhiều vùng nông thôn trên cả nước đang có những đổi thay do tình trạng xây dựng không theo thiết kế, quy hoạch rõ ràng.
Tại Đại hội Hội Kiến trúc sư tỉnh Tuyên Quang, Kiến trúc sư Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng đưa ra nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Đó là do tốc độ phát triển xã hội, đô thị diễn ra mạnh mẽ dẫn đến nguy cơ xâm hại không gian, kiến trúc, cảnh quan đối với nhiều làng Việt hiện nay.
Những ngôi nhà truyền thống của người Dao thôn Khâu Tràng, xã Hồng Thái (Na Hang) đã trở thành điểm đến thu hút khách du lịch.
Ảnh: Cảnh Trực
Bên cạnh đó, nhiều kiến trúc sư cũng cho rằng do không có sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng, thiếu định hướng quy hoạch kiến trúc nông thôn, dẫn đến cảnh quan nông thôn đang bị phá vỡ, mất dần bản sắc và kiến trúc truyền thống.
Thực tế cho thấy kiến trúc nông thôn và người nông dân đang bị lãng quên, bỏ mặc. Những đề án phát triển nông thôn dường như chỉ tập trung vào những chỉ số phát triển kinh tế, hoặc theo kiểu “điện - đường - trường - trạm” mà bỏ quên cái lõi của nông thôn là cấu trúc làng, không gian làng. Các bản quy hoạch chưa đi sâu vào yếu tố then chốt là văn hóa, để có điểm tựa cho phát triển. Bên cạnh đó, có rất nhiều làng, hay vùng nông thôn có giá trị lịch sử cần được bảo tồn nhưng cũng không được quan tâm đúng mức. Người dân loay hoay tự giải quyết mọi vấn đề theo cách nhìn và cách nghĩ của họ. Rất nhiều làng quê đã từng là không gian đẹp đi vào các tác phẩm nghệ thuật đã thay đổi đến ngỡ ngàng theo chiều hướng tiêu cực, chỉ để lại sự ngậm ngùi tiếc nuối.
Với vai trò là tư vấn thiết kế, tư vấn phản biện Hội Kiến trúc sư tỉnh có vai trò đặc biệt trong việc bảo tồn kiến trúc, cảnh quan nông thôn, Kiến trúc sư Nguyễn Việt Hoàng, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Tuyên Quang chia sẻ, thời gian qua, Hội đã tập hợp động viên các Hội viên, các kiến trúc sư thiết kế kiến trúc và quy hoạch xây dựng hàng trăm công trình vừa và nhỏ từ đô thị đến nông thôn. Đặc biệt Hội đã động viên đông đảo các kiến trúc sư tham gia chương trình chung tay xây dựng nông thôn mới. Đã quy hoạch trung tâm các xã điểm, thiết kế các mẫu nhà ở nông thôn, nhà văn hóa.
Kinh nghiệm trong việc bảo tồn, giữ gìn nếp nhà sàn truyền thống ở các xã huyện Lâm Bình, Na Hang có thể là một minh chứng thành công. Những ngôi nhà truyền thống của người Tày ở Lăng Can, Thượng Lâm (Lâm Bình), người Dao ở Hồng Thái (Na Hang)... được khôi phục, giữ gìn.
Đồng chí Lê Tiến Đạt, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình chia sẻ, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nhiều xã trên địa bàn huyện đã quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc, nhất là không gian văn hóa truyền thống của từng bản làng. Trong quản lý xây dựng nhà ở, nhất là ở những thôn đã được đưa vào quy hoạch phát triển du lịch, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương vận động, khuyến khích người dân không xây dựng nhà ở có kiến trúc không phải nhà sàn. Nhờ đó, nhiều thôn, bản đã trở thành điểm du lịch cộng đồng, thu hút được đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm, giúp nhiều hộ gia đình có thêm việc làm và thu nhập.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg về việc định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống. Chỉ thị nêu rõ mục tiêu: Xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc kế thừa và phát huy giá trị di sản kiến trúc truyền thống, phù hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội. Giữ gìn bản sắc, kiến trúc nông thôn vừa là yêu cầu cấp thiết, vừa mang ý nghĩa dài lâu cho mục tiêu phát triển bền vững.
Việc triển khai Chỉ thị này trong thực tiễn đòi hỏi cần nghiên cứu để quan tâm quy hoạch kiến trúc về nhà ở cũng như các công trình khác theo hướng hiện đại, giữ gìn bản sắc dân tộc, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường. Để có sự hài hòa của kiến trúc nông thôn trong sự giao thoa của đô thị hóa cần giải quyết được ba yếu tố: Nét truyền thống, sự đan xen, đổi mới trong bảo tồn.
Bảo tồn kiến trúc, cảnh quan nông thôn là việc làm mang tính chiến lược dài lâu. Việc xây dựng kiến trúc, cảnh quan nông thôn vừa đáp ứng yêu cầu phát triển, vừa kế thừa các giá trị truyền thống là thách thức rất lớn, đòi hỏi sự tham gia của nhiều ban, ngành, đặc biệt là sự đồng thuận chủ thể chính từ người dân.
Gửi phản hồi
In bài viết