Tạo giá trị mới cho nông sản

- Trong các cuộc khảo sát, làm việc tại một số tỉnh vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ, trong đó có tỉnh Tuyên Quang, đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhiều lần phát biểu tâm huyết, cần phải chuyển đổi mạnh mẽ tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông nghiệp. Bộ trưởng cho rằng, nếu chỉ thiên về năng suất, sản lượng, quy mô, diện tích canh tác thì tăng trưởng phát triển nông nghiệp của các tỉnh trung du, miền núi Bắc Bộ khó lòng sánh với các địa phương khác. Do đó cần biết cách khai thác, chăm chút nét đặc sắc, độc đáo từ văn hóa, tài nguyên bản địa, cảnh sắc thiên nhiên để khéo léo kể chuyện, nâng niu, thổi hồn, tạo ra sự khác biệt cho từng sản phẩm nông nghiệp.

Sản phẩm trà xanh Ngọc Thúy của Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) luôn được chú trọng đầu tư cải tiến về mẫu mã, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Cần tạo sự khác biệt

Tuyên Quang có nhiều lợi thế để kiên trì theo đuổi một nền kinh tế nông nghiệp đa giá trị, tạo ra sự khác biệt của từng sản phẩm nông nghiệp như vị trí địa lý, tài nguyên về đất đai, khí hậu, nguồn vốn văn hóa, truyền thống lịch sử, cách mạng… Những yếu tố “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” đã bước đầu góp phần hình thành ở nơi đây các vùng sản xuất chuyên canh nông nghiệp hàng hóa như vùng chè, cam, cây ăn quả, thủy sản… Xác định muốn đưa nông nghiệp phát triển, tạo ra các giá trị mới, tăng sức cạnh tranh của nông sản cần phải thay đổi quy trình sản xuất theo hướng chuyên nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật để mỗi sản phẩm nông nghiệp mang trong đó hàm lượng công nghệ cao nên thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích và định hướng người nông dân đầu tư sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGap đối với các cây trồng lợi thế, chủ lực. Tỉnh từng bước tiêu chuẩn hóa thông qua việc hỗ trợ xây dựng các chỉ dẫn địa lý, hỗ trợ xây dựng sản phẩm OCOP, nâng hạng sao OCOP, hỗ trợ xây dựng hệ thống các cửa hàng giới thiệu, bày bán các sản phẩm OCOP ở tất cả các huyện, thành phố, hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã công nhận 128 sản phẩm OCOP, trong đó có 33 sản phẩm xếp hạng 4 sao, 95 sản phẩm xếp hạng 3 sao. Toàn tỉnh đã có 7/7 huyện, thành phố hoàn thành mục tiêu xây dựng được ít nhất 1 sản phẩm chủ lực cấp huyện để tham gia chương trình OCOP đạt hạng 3 sao, 4 sao. Từ khi thực hiện Chương trình OCOP đến nay bước đầu đã phát huy giá trị tiềm năng, lợi thế vùng miền trong tổ chức sản xuất và phát triển sản phẩm, tạo ra nguồn sản phẩm phong phú, đảm bảo về chất lượng, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động tại địa phương.

Bên cạnh những kết quả bước đầu ấy, việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp theo hướng tích hợp đa giá trị vẫn còn là một chặng đường dài đối với cấp ủy, chính quyền địa phương, người nông dân. Qua đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT, nhiều sản phẩm nông sản chưa gắn kết được với lịch sử, văn hóa truyền thống, bản sắc của đồng bào dân tộc thiểu số. Câu chuyện của các sản phẩm còn đơn giản, chưa được kể trong mỗi sản phẩm. Chủ thể sản xuất của không ít sản phẩm nông nghiệp không chủ động về nguồn lực và phát huy tốt nội lực, chưa mạnh dạn đầu tư dây chuyền thiết bị tiên tiến, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, chế biến sản phẩm, chưa quan tâm đến hoạt động quảng bá, xúc tiến giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm. Một số sản phẩm hàng hóa chưa thu hút được người tiêu dùng do chất lượng sản phẩm và giá bán chưa tạo được sự khác biệt, riêng có của địa phương.

Nói về sản phẩm mật ong Tân Trào do Hợp tác xã sản xuất mấy năm nay, ông Triệu Sinh Tiến, Giám đốc Hợp tác xã Nuôi ong chất lượng cao Tân Trào, xã Tân Trào (Sơn Dương) trăn trở lắm. “Mật ong của các thành viên HTX sản xuất ra đều được lấy từ các loài hoa tự nhiên trên núi Hồng xanh thắm sau lưng Tân Trào nên nguồn mật có hương vị tự nhiên, thơm ngon hiếm có nơi nào sánh được. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại mật ong khác nhau. Do chưa tạo được sự khác biệt cho sản phẩm mật ong Tân Trào nên lượng sản phẩm bán ra thị trường được rất ít. Vì vậy, vốn tái đầu tư cho sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Sản phẩm mật ong Tân Trào vẫn chưa được nhiều du khách lựa chọn”. - Ông Tiến chia sẻ.

Sản xuất mì khô Thuật Yến tại Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Thuật Yến, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang).

Ở xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) nổi tiếng với nhiều loại gạo ngon như Dự thơm và Bắc thơm số 7 đồng thời là vựa lúa lớn nhất ở Yên Sơn, anh Nguyễn Văn Thuật, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Thuật Yến đã quyết định đầu tư sản xuất mì khô. Sau khi được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao, sản phẩm của hợp tác xã vẫn duy trì mức sản xuất và tiêu thụ khá ổn định. Tuy nhiên sản phẩm vẫn chưa tạo ra sự khác biệt so với nhiều sản phẩm mì khô trên thị trường hiện nay. Câu chuyện chế biến từ các loại gạo ngon, nổi tiếng ở Kim Phú vẫn chưa được thể hiện trong từng sản phẩm. Hay như câu chuyện sản phẩm Nhãn, mật ong Bình Ca, xã Thái Bình; Bưởi Soi Hà, xã Xuân Vân... làm thế nào để đưa những giá trị lịch sử về Chiến thắng Bình Ca hay các giá trị văn hóa, lịch sử khác của vùng đất này vào sản phẩm để tạo giá trị khác biệt đang là bài toán đặt ra cho người nông dân và các địa phương.

Những “nông sản hạnh phúc”

Trả lời trên báo chí thời gian gần đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan thường nhắc tới một cách tâm huyết các sản phẩm “nông sản hạnh phúc”. Theo Bộ trưởng những “nông sản hạnh phúc” là những sản phẩm an toàn, trách nhiệm và khi nhắc đến cảm thấy tự hào. Nhìn vào thực tế ở Tuyên Quang, một số nơi đã hình thành các sản phẩm an toàn, trách nhiệm được sản xuất theo quy trình hữu cơ, VietGap và được tiêu chuẩn hóa như sản phẩm chè Shan tuyết Hồng Thái, chè xanh Ngọc Thúy, cam sành Hàm Yên, Trà túi lọc đậu đen xanh lòng Chiêm Hóa, dưa chuột bao tử, dưa lưới DUC DUONG FARM... Tuy nhiên để thực sự trở thành những “nông sản hạnh phúc” phải cần nhiều hơn nữa sự tâm huyết, đầu tư về khoa học kỹ thuật, công nghệ, tri thức và chuyên nghiệp của người nông dân trong mỗi nông sản. Bởi muốn chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp thì chủ thể sản xuất không chỉ bán sản phẩm của mình mà còn phải bán cả sự khác biệt.

Du khách tìm hiểu sản phẩm Mật ong Tân Trào tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào.

Một số địa phương trong tỉnh cũng đã bước đầu gắn kết giữa sản xuất nông nghiệp, tạo ra các mặt hàng nông sản với các hoạt động dịch vụ, du lịch. Vì vậy, việc tạo ra những giá trị mới cho nông sản còn phải hướng đến phát triển kinh tế trải nghiệm, tập trung vào con người và sự trải nghiệm để phát huy tối đa những nguồn lực, lợi thế sẵn có, đáp ứng nhu cầu phong phú của người tiêu dùng. Các địa phương cần nghĩ đến phương án thông qua các sản phẩm nông nghiệp để kết nối gần gũi, thân thiết hơn với người tiêu dùng và khách đến tham quan, trải nghiệm, du lịch. Mọi hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ trong sản xuất nông nghiệp đều phải gắn kết với cộng đồng dân cư, tối ưu hóa các giá trị văn hóa, lịch sử, xoay quanh cuộc sống của người dân tộc thiểu số, người nông dân. Khi vùng kinh tế nông - lâm - du lịch đặc sản được hình thành, chắc chắn sẽ có những “nông sản hạnh phúc”. Đó thực sự là những nông sản đem lại giá trị kinh tế cao, làm cho người nông dân cảm thấy hạnh phúc khi nhắc tới mỗi sản phẩm do mình làm ra và người tiêu dùng cũng cảm thấy an toàn, hạnh phúc khi tiếp nhận và tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp.

Theo ông Nguyễn Đình Tâm, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ và nông nghiệp Tâm Hương, muốn tạo nên những “nông sản hạnh phúc”, người nông dân phải thực sự  tâm huyết với mỗi sản phẩm, sản xuất những dòng sản phẩm mà thị trường cần chứ không phải chỉ đầu tư theo ý muốn và năng lực của mình. Bởi vậy, bài toán làm sao để đầu tư với chi phí tiết kiệm nhất, bán ra phù hợp nhất và chất lượng đảm bảo luôn phải được nhà đầu tư, chủ thể sản xuất coi trọng.

Nói về các giải pháp nhằm tạo ra các giá trị mới cho nông sản, đồng chí Nguyễn Văn Việt, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng, tỉnh đang đi đúng hướng với những gợi mở của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT. Hướng tới những giá trị thực chất của sản phẩm, đem lại đời sống ấm no, giàu có cho người nông dân và tạo ra những sản phẩm nông nghiệp khác biệt, tích hợp đa giá trị trên thị trường là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu mà tỉnh đang tập trung thực hiện.

Thủy Châu

Tin cùng chuyên mục