Một tấm lòng bao dung

- Ông sinh ra và lớn lên ở một làng quê nghèo bên sông Lô. Lớn lên giữa những năm đất nước chìm trong khói lửa chiến tranh, ông xung phong đi bộ đội, để lại người vợ trẻ nơi quê nhà với lời hẹn ngày hòa bình sẽ trở về.

Minh họa: Cảnh Trực

Những năm tháng chiến trường gian khổ kéo dài hơn dự định. Thư từ thưa thớt, tin tức từ quê nhà lúc có lúc không. Trong thời gian đó, vợ ông đã có phút yếu lòng, sinh một thằng cu kháu khỉnh.

Ngày ông trở về làng, nhà cửa dù vẫn đứng đó nhưng đã không còn ấm áp như xưa. Cả làng xì xào, bàn tán. Ai cũng nghĩ ông sẽ nổi giận, đòi ly hôn. Ông không nói gì nhiều, chỉ im lặng như cách ông đối diện với bom đạn ngoài chiến trường. Lặng lẽ ôm nỗi đau vào lòng, ông nói với vợ: “Tôi đã hứa trước bàn thờ gia tiên sẽ giữ mái nhà này, vậy nên tôi không rời đi. Chúng ta sẽ cùng chăm lo cho các con”.

Nghe chồng nói vậy, bà vẫn chìm ngập trong nỗi dằn vặt, không dám nhìn thẳng vào mắt chồng. Bà lấy hết can đảm nhận lỗi đã yếu lòng. Bà không dám xin chồng tha thứ, chỉ xin ông đừng ghét bỏ thằng con lỡ làng.

Ông không phải người không biết giận. Những ngày đầu biết chuyện, ông thấy nỗi đau bóp nghẹt tim, tưởng như không thể thở. Nhưng chiến tranh dạy ông rằng, không phải mọi mất mát đều đáng để khắc sâu thù hận.

Ông nhẹ nhàng cầm tay vợ, giọng trầm ổn, chắc chắn: Con cái là lộc trời cho. Nó sinh ra không có tội. Nếu tôi từ bỏ gia đình này chỉ vì một lỗi lầm, vậy ai sẽ giữ cái nhà này nguyên vẹn? Ai sẽ làm gương cho bọn nhỏ?

Vợ ông sững sờ. Đó là khoảnh khắc bà biết mình đã may mắn thế nào khi có được người chồng như ông. Từ đó, người làng thấy vợ chồng ông quấn quýt như sam, cùng chăm chỉ đồng áng và nuôi dạy các con, không phân biệt đứa nào là con ruột, đứa nào con người khác.

Không chỉ lo cho gia đình, ông còn là người hết lòng với làng xã. Ai có việc cần, ông sẵn sàng giúp. Những năm làng làm con đường mới, ông vừa hiến đất vừa tham gia dẫn đầu nhóm thanh niên san đất, đổ bê tông.

Năm tháng trôi qua, các con ông bà khôn lớn, lập gia đình. Tưởng chừng ông bà sẽ được an hưởng tuổi già, nhưng bà đổ bệnh, liệt giường. Lại là ông chăm sóc bà từng bữa ăn, từng giấc ngủ. Mỗi sáng, ông đẩy xe đưa bà ra sân hóng gió, đọc cho bà nghe những tin tức từ chiếc điện thoại thông minh thằng con lớn mua tặng.

Người trong làng đều khâm phục ông là người hiếm có. Ông không chỉ tử tế với mọi người, mà còn bao dung với cả người đã làm ông tổn thương. Với ông, tha thứ không phải là yếu đuối. Tha thứ là để lòng mình thanh thản, để con cháu sau này nhìn vào mà sống trọn tình, trọn nghĩa.

Duy Hưng

Tin cùng chuyên mục