Minh họa: Cảnh Trực
Qua tháng năm, con ông đã trưởng thành, lập gia đình dưới xuôi, còn ông vẫn bám bản, bám núi rừng, sống trong nếp nhà gỗ ấm áp khói bếp.
Ông Nùng có đôi tay khéo léo. Thời trẻ, ông từng học nghề mộc từ cha. Những đồ gỗ như giường tủ thì ông thành thạo đã đành, nhưng sản phẩm độc đáo nhất do ông làm ra là những con quay bằng gỗ, khiến lũ trẻ trong bản và khắp vùng mê tít. Có người bảo, ông giỏi làm con quay vì hồi trẻ gà trống nuôi con, mỗi khi thằng bé quấy khóc, ông không biết làm gì hơn ngoài cho con những mảnh gỗ đầu thừa đuôi thẹo chơi. Dần dần, ông nảy ý định đẽo chúng thành quay, loại đồ chơi truyền thống mà trẻ con trong bản rất thích.
Quay của ông Nùng thường làm bằng gỗ cứng và bền, giúp quay tròn trịa, nhẵn mịn. Mỗi khi bọn trẻ chơi, dù có bị “bổ” hết sức, quay vẫn không vỡ, không xiêu vẹo và vẫn quay tít thò lò. Quay ông Nùng làm còn mang nhiều hoa văn khác nhau: hình chim đại bàng, bông hoa núi hay những họa tiết cách điệu hình ảnh núi rừng; bôi lớp dầu nên ngoài bóng loáng. Lũ trẻ khoái chí, người lớn cũng rất thích.
Bọn trẻ con trong bản Nhòa quý ông Nùng lắm. Cứ chiều chiều, chúng tụ tập quanh sân nhà ông, cười đùa líu ríu. Lúc ông đẽo quay, lúc ông chơi cùng bọn trẻ, hệt như hồi ông chơi với thằng con ông khi xưa. Tiếng cười của lũ trẻ làm ngôi nhà trống trải của ông ấm áp hơn. Dường như con cháu ở xa nên ông dồn cả tình cảm vào lũ trẻ của bản.
Có lần, một đứa trẻ mồ côi trong bản bị ốm nặng, nhà không có tiền mua thuốc. Ông Nùng bán cả mớ con quay ông đã làm sẵn để đưa nó xuống trạm y tế. Đứa trẻ khỏe lại, còn ông thì ngồi cặm cụi cả tuần để làm bù những chiếc con quay đã bán đi.
Người dân trong bản thường bảo nhau, ông Nùng không chỉ làm con quay, mà còn làm ra cả niềm vui tuổi thơ cho lũ trẻ.
Dẫu sống cô đơn, ông chưa từng tỏ ra buồn bã. Ông bảo, thấy lũ trẻ vui, ông cũng vui. Người ta sống là để trao đi niềm vui mà lỵ.
Cuộc đời giản dị của ông Nùng là minh chứng cho điều đó. Những con quay từ đôi tay tài hoa và tấm lòng nhân hậu của ông Nùng không chỉ mang niềm vui đến cho trẻ con, mà còn giữ lại một phần ký ức đẹp của bản làng giữa bao đổi thay.
Gửi phản hồi
In bài viết