Nhân lên niềm vui
Vụ na năm nay, người nông dân Đỗ Khắc Hoạt, thôn Minh Khai, xã Lực Hành (Yên Sơn) vui hơn mọi năm. Là bởi, so với gần trăm ha na của người dân cùng xã, 2 ha na của ông sai quả và được giá hơn hẳn. Ông Hoạt cười khoe: Nhờ mình làm chủ được nhiều tiến bộ mới đấy.
Ông Hoạt trồng na từ những năm 1996, 1997. Sau gần 30 năm, ông học được cách tỉa cành, tạo tán; học được kỹ thuật thụ phấn cho na.
Công nghệ phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái được Hợp tác xã nông lâm nghiệp Ỷ La (TP Tuyên Quang) thực hiện từ vụ mùa năm 2022.
Đầu năm 2022, gần 2 ha na của ông Đỗ Khắc Hoạt cùng với 5 ha khác của người dân xã Lực Hành được lựa chọn thực hiện đề tài khoa học Nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm na dai, tạo sản phẩm OCOP trên địa bàn xã Lực Hành. Trong đó, ngoài việc hướng dẫn các kỹ thuật thâm canh, tăng năng suất, chất lượng, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Yên Sơn - đơn vị thực hiện đề tài - sẽ bình tuyển, đề nghị công nhận 7 cây na đầu dòng, xây dựng vườn ươm cây na bản địa diện tích 50 m2 và tiêu chuẩn hóa, lập hồ sơ tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP đối với sản phẩm na dai Lực Hành.
Cũng như ông Hoạt, ông Ma Văn Thái, thôn Yên Mỹ 1, xã Hoàng Khai (Yên Sơn) cũng không giấu được niềm vui khi vừa đón chú bê con chào đời bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, với số cân nặng “kỷ lục”: 35 kg. Ông Thái nuôi trâu, bò đã ngót nghét 20 năm. Trước đây bảo thủ, chỉ tập trung nuôi giống bò ta, với phương pháp thụ tinh truyền thống mà không để ý học hỏi các tiến bộ khoa học kỹ thuật khác. Chỉ đến khi được lựa chọn là một trong những hộ tham gia vào dự án ứng dụng các giải pháp khoa học và công nghệ để phát triển đàn bò thịt chất lượng cao trên địa bàn huyện Yên Sơn và Sơn Dương, do Trung tâm Khuyến nông chủ trì thực hiện, ông mới thấy mình... dại. Những giống bò chất lượng như Wagyu, BBB, Senepol được đưa về thụ tinh nhân tạo cho đàn bò cái của gia đình đã góp phần cải tạo tầm vóc và nâng cao chất lượng đàn bò thịt của gia đình.
Ông Ma Văn Thái cho biết, giờ chỉ mong Nhà nước có nhiều chương trình, dự án mới như này đưa về với người chăn nuôi như chúng tôi, để chúng tôi có cơ hội mở mang chính tầm mắt của mình và nâng cao thu nhập cho gia đình thôi.
Ông Hoạt, ông Thái chỉ là hai trong số hàng nghìn nông dân được hưởng lợi từ việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với sự giúp sức của khoa học công nghệ, tất cả các khâu của quá trình sản xuất nông nghiệp, từ nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi; kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, canh tác; thức ăn chăn nuôi; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y; kỹ thuật chế biến, bảo quản sau thu hoạch... đã tạo ra những thay đổi đáng kể trong sản xuất nông nghiệp, góp phần đưa nông nghiệp Tuyên Quang trở thành nền nông nghiệp hàng hóa, sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường.
Vẫn còn rào cản
Để hỗ trợ phần nào các hợp tác xã trong việc ứng dụng, đầu tư khoa học công nghệ vào sản xuất, nhiều chính sách hỗ trợ đã được trung ương, tỉnh triển khai thực hiện. Trong đó, đáng kể nhất là các chính sách hỗ trợ các hợp tác xã ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất các sản phẩm OCOP. Nhờ thế, sau 4 năm triển khai, Tuyên Quang hiện đã có 128 sản phẩm OCOP, nhiều sản phẩm có thị trường tương đối rộng và thuận lợi như trà cà gai leo của Hợp tác xã Hợp Hòa (Sơn Dương), Trà đậu đen xanh lòng túi lọc của Hợp tác xã Hồng Phát, xã Tri Phú (Chiêm Hóa), Trà Ngọc Thúy, Mỳ khô Thuật Yến (TP Tuyên Quang)...
Đồng chí Cao Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh cho biết, đơn vị hiện đang tập trung tư vấn các hợp tác xã tiếp cận công nghệ sản xuất mới như chuyển đổi số, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, đưa các công nghệ mới vào sản xuất. Thời điểm này, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đang hỗ trợ một số hợp tác xã ứng dụng các công nghệ khí hóa sinh khối tiết kiệm nhiên liệu trong sản xuất chè, chiết xuất tinh dầu bạc hà, ép bã dong riềng, ứng dụng công nghệ nhà màng... và đã thu được những kết quả nhất định.
Ông Đỗ Khắc Hoạt, thôn Minh Khai, xã Lực Hành (Yên Sơn) làm chủ kỹ thuật thụ phấn nhân tạo cho na.
Các đề tài, dự án khoa học công nghệ của tỉnh cũng được ưu tiên cho lĩnh vực nông lâm nghiệp để tạo sức bật trong sản xuất. Tuy nhiên, theo đồng chí Nguyễn Đại Thành, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp của Tuyên Quang vẫn còn nhiều rào cản. Nhiều địa phương chưa chủ động đầu vào thiết bị, vật tư để phát triển nông nghiệp thông minh; quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán nên khó áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; hạ tầng trong sản xuất nông nghiệp có sự cải thiện nhưng còn thiếu đồng bộ; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu trong công tác quản lý, cũng như hoạt động sản xuất ứng dụng công nghệ cao.
Hợp tác xã nông lâm nghiệp Ỷ La (TP Tuyên Quang) là một trong những hợp tác xã đầu tiên cơ giới hóa gần như tất cả các khâu trong sản xuất nông nghiệp, từ làm đất, thủy lợi, thu hoạch đến mới nhất là phun thuốc bảo vệ thực vật bằng công nghệ máy bay không người lái và đầu tư máy sấy lúa.
Giám đốc Hợp tác xã nông lâm nghiệp Ỷ La Nguyễn Văn Ngân cho biết, công nghệ phun thuốc bảo vệ thực vật bằng công nghệ máy bay không người lái bắt đầu được đưa vào thực hiện từ vụ mùa 2022. Ưu điểm của công nghệ này là có thể phun đồng loạt, đúng thời điểm, đúng lúc, đúng cách; đảm bảo sức khỏe cho người nông dân và vệ sinh đồng ruộng; chi phí cho 1 sào lúa phun bằng máy bay không người lái cũng rẻ hơn so với thuê nhân công ít nhất 15 nghìn đồng/sào. Tuy nhiên, theo ông Ngân, cái khó là hiện nay diện tích ruộng của bà con manh mún, việc gieo cấy cùng giống, cùng trà cũng chưa được thực hiện triệt để dẫn đến việc sử dụng công nghệ này gặp nhiều khó khăn do phải lập trình từng thửa trên phần mềm để xử lý. Ông Ngân cho rằng, nếu việc tích tụ ruộng đất được thực hiện, thì không chỉ giải được bài toán trong việc ứng dụng công nghệ phun thuốc bằng máy bay không người lái, mà còn giúp hợp tác xã gỡ được nút thắt trong việc đưa vào sử dụng máy cấy, máy gặt đập liên hợp và tới đây là máy sấy lúa tự động.
Để giải quyết vấn đề này, ngành nông nghiệp hiện đang tiếp tục quy hoạch, rà soát điều chỉnh quy hoạch theo hướng sử dụng lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, tạo các vùng hàng hóa quy mô lớn. Đồng thời, nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi các quy trình, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất; ứng dụng công nghệ cao vào phát triển vùng sản xuất tập trung các sản phẩm có lợi thế của tỉnh gắn với sản xuất, chế biến an toàn theo chuỗi giá trị. Có như vậy, việc ứng dụng khoa học công nghệ mới thực sự tạo thành sức bật cho nông nghiệp tỉnh nhàn
Gửi phản hồi
In bài viết