"Đại gia” làm nông nghiệp

- Sản xuất nông nghiệp được coi là ngành dễ bị tác động bởi yếu tố thiên tai, thị trường. Thế nhưng, những năm gần đây, một tín hiệu đáng mừng khi ngày càng nhiều “đại gia” trồng chế biến chè, gỗ rừng trồng, chăn nuôi bò... tạo cú huých lớn cho lĩnh vực nông nghiệp.

Duyên nghiệp

Sinh ra lớn lên ở mảnh đất Tuyên Hóa (Quảng Bình) nhưng anh Lương Duy Toản, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi bò sữa công nghệ cao Hồ Toản lại chọn mảnh đất Tuyên Quang để khởi nghiệp.

Kể về hành trình khởi nghiệp của mình, anh Toản bảo đó là khí chất của người miền Trung luôn muốn vượt ra khỏi dãy Trường Sơn và cũng là duyên trời định. Anh tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp I (Hà Nội), du học sinh của Học viện Nông nghiệp Vương quốc Thái Lan Kasetssart. Năm 2004, anh bỏ ngang công việc ở một cơ quan Trung ương để mở công ty chế biến thức ăn gia súc nhưng vì lối quản trị không phù hợp nên công ty dần đi đến đổ bể buộc anh phải đi làm thuê cho Công ty TNHH sữa cho Tương lai của Úc, xã Phúc Ứng (Sơn Dương). Anh Toản cười bảo, thời điểm làm thuê mang tiếng là giám đốc kỹ thuật nhưng công việc là một anh chăn bò chính hiệu. Mọi công việc chăm nuôi, chế độ dinh dưỡng, giám sát sức khỏe đàn bò anh phải tham gia trực tiếp và trao đổi với các chuyên gia nước ngoài. 5 năm làm việc cực nhọc, vất vả nhưng cũng chính giai đoạn này anh đã tìm ra con đường đi cho mình. Kế hoạch phát triển chăn nuôi bò sữa được hoạch định và Tuyên Quang là mảnh đất anh chọn để khởi nghiệp.

Lãnh đạo tỉnh và các chuyên gia nước ngoài thăm trang trại chăn nuôi bò sữa của
Công ty cổ phần chăn nuôi bò sữa công nghệ cao Hồ Toản.

Theo anh Toản, trước khi có dự án chăn nuôi bò sữa quy mô lớn mang tên mình tại Tuyên Quang như hiện nay anh đã phải mất 3 năm tham gia quản trị tại Công ty cổ phần Mộc Châu milk để học phương pháp quản trị khi làm việc với nông dân, nói cách khác là cách thức tổ chức liên kết với bà con nông dân vì một mục tiêu chung đôi bên cùng có lợi.

Vị Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hương Trà, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) Trần Quốc Văn gây bất ngờ trong giới doanh nghiệp khi dốc toàn bộ tài sản của mình để làm chè khi đã bước vào tuổi “ngũ thập”. Năm 2016, thời điểm đó anh Trần Quốc Văn là Phó Giám đốc Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm - doanh nghiệp chè hàng đầu không chỉ trong tỉnh mà cả khu vực miền Bắc. Dốc vốn vào sản xuất chè xanh túi lọc, không ít người rèm pha, bởi ở cái tuổi ngoài 50 vẫn còn đi đánh cược với cuộc đời.

Anh Văn chia sẻ, mình có duyên nghiệp với chè, sinh ra trên đất chè, sự nghiệp gắn với chè nên dù sản phẩm chè Mỹ Lâm quê anh đã vươn tầm quốc tế nhưng ước mơ về đa dạng hóa sản phẩm chè để phục vụ nhu cầu từng đối tượng khách hàng luôn thôi thúc anh. Nhiều năm trực tiếp sản xuất đến làm công tác quản lý sản xuất chè đen xuất khẩu ra thế giới hàng nghìn tấn chè mỗi năm nhưng khi bắt tay sản xuất chè xanh túi lọc anh cũng bỏ đi không ít. Làm rồi học hỏi kỹ thuật, vị Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hương Trà Trần Quốc Văn giờ đã làm chủ công nghệ sản xuất chè xanh túi lọc hoa nhài, trà thảo dược xạ đen và nhiều sản phẩm chè khô cao cấp đóng gói.

Anh Trần Quốc Văn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hương Trà 
kiểm tra sản phẩm chè túi lọc trước khi xuất bán.

Tầm nhìn chiến lược

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi bò sữa công nghệ cao Hồ Toản Lương Duy Toản khẳng định, Tuyên Quang là mảnh đất lành cho các nhà đầu tư, trong đó có nông nghiệp, bởi đây là ngành có nhiều dư địa để phát triển.

Anh Toản dẫn chứng, năm 2016 khởi nghiệp dự án chỉ với 514 con bò sữa nhập khẩu từ Úc, sản lượng sữa hàng năm đạt khoảng 4.800 tấn. Đến năm 2021, dự án đã bước vào giai đoạn 2, với quy mô trang trại được mở rộng lên 24,5 ha, tổng đàn bò lên trên 2.700 con, tăng gần gấp 6 lần so với thời gian khởi nghiệp. Không giấu tham vọng, anh Toản khẳng định, mục tiêu của Hồ Toản rất rõ ràng trong 3 - 5 năm tới công ty sẽ mở rộng quy mô đàn lên 15.000 con bò, doanh thu đạt khoảng 3.500 - 4.500 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho khoảng 3.000 lao động trực tiếp và gián tiếp; doanh nghiệp đứng TOP 5 về sản xuất chế biến, xuất khẩu sữa với công nghệ hiện đại bậc nhất ngang tầm Vinamilk, T.H ture milk và Mộc Châu milk và quan trọng nhất là ghi tên tỉnh Tuyên Quang vào bản đồ ngành chăn nuôi bò sữa của Việt Nam.

Vị Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hương Trà, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) Trần Quốc Văn cũng tự tin đặt ra mục tiêu từ nay đến năm 2025 sẽ mở rộng liên kết với các hợp tác xã, nhóm hộ làm chè đặc sản, thảo dược tại các huyện Yên Sơn, Hàm Yên, Sơn Dương đáp ứng nguồn nguyên liệu cho dây chuyền chế biến. Đồng thời, phát triển thị trường đưa sản phẩm trà xanh túi lọc hoa nhài, trà thảo dược xạ đen và nhiều sản phẩm chè khô cao cấp đóng gói của công ty vào mọi phân khúc của thị trường trong nước và các nước trong khu vực.

Ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định rằng, không riêng những doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư sản xuất nông nghiệp, những năm gần đây đã hút cả những doanh nghiệp nước ngoài. Sự tham gia của các doanh nghiệp đang dần tháo gỡ 3 nút thắt trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đó là: Thị trường, vốn và áp dụng khoa học công nghệ hiện đại.

Ghi chép: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục