Tràn lan quảng cáo sai
Dễ thấy nhất là việc người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm với thông tin không chính xác, phóng đại công dụng hoặc che giấu tác hại tiềm ẩn. Dư luận báo chí đã nêu nhiều người nổi tiếng bị cộng đồng xã hội phản ứng mạnh mẽ vì quảng cáo sản phẩm kém chất lượng hoặc không rõ nguồn gốc. Nữ ca sỹ Phương Mỹ Chi quảng cáo một sản phẩm làm trắng da trên trang cá nhân, nhưng sản phẩm này bị người tiêu dùng phản ánh chất lượng kém và không rõ nguồn gốc, nên phải lên tiếng xin lỗi và thừa nhận thiếu kiểm chứng kỹ lưỡng trước khi quảng cáo.
Nữ diễn viên Diệu Nhi từng quảng cáo một loại thực phẩm chức năng giảm cân cấp tốc, nhưng cũng phải lên tiếng xin lỗi công chúng vì chất lượng sản phẩm không như quảng cáo.
Quang Linh Vlogs Hằng Du Mục cùng đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt cúi đầu xin lỗi.
Gần đây nhất là các trường hợp của TikToker Hằng Du Mục quảng cáo một sản phẩm yến chưng với thông tin không hợp lý về hàm lượng yến trong mỗi hũ và mức giá gây tranh cãi; Quang Linh Vlogs, Hoa hậu Thùy Tiên quảng cáo một loại kẹo “một viên tương đương một đĩa rau”, gây hiểu lầm về giá trị dinh dưỡng bị dư luận phản ứng mạnh mẽ về chất lượng sản phẩm… Những người nổi tiếng này đã phải đăng đàn, cúi đầu xin lỗi công chúng và cam kết rút kinh nghiệm.
Có thể thấy rõ hậu quả của việc quảng cáo sai lệch, vừa khiến người tiêu dùng bị lừa đảo, mất tiền hoặc thậm chí gặp nguy hiểm về sức khỏe; vừa gây mất lòng tin vào quảng cáo và người nổi tiếng, ảnh hưởng đến uy tín của cả ngành công nghiệp quảng cáo. Đồng thời gây khó khăn cho doanh nghiệp làm ăn chân chính, khi sản phẩm kém chất lượng tràn lan trên thị trường.
Không thể chỉ xin lỗi
Nhìn ra nước bạn, có thể thấy nhiều người nổi tiếng chân chính biết nói không với quảng cáo. Diễn viên Lý Bảo Điền, người nổi tiếng với vai diễn Lưu Dung trong bộ phim truyền hình Trung Quốc “Tể tướng Lưu Gù” từng nói: “Nếu tôi nhận lời đóng quảng cáo, người xem sẽ lẫn lộn giữa hình ảnh của tôi trong phim và hình ảnh của tôi trong quảng cáo, như vậy là có lỗi với nhân vật”. Ông được nhiều nhà sản xuất mời đóng quảng cáo dược phẩm, nhưng từ chối vì “tôi đã bao giờ uống những thuốc ấy đâu, tôi không biết chúng có lợi, có hại thế nào. Tôi không lừa dối khán giả được, họ có thể vì tin tôi nên mới mua thuốc, tôi phải xứng đáng với lòng yêu mến của họ, không thể có lỗi với họ”.
Nhiều quốc gia đã áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để quản lý việc người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm kém chất lượng hoặc gây hiểu lầm, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và duy trì trật tự thị trường.
Sản phẩm kẹo rau củ Kera được người nổi tiếng quảng cáo gian dối “như cứu cánh cho người kén rau”.
Luật Quảng cáo của Trung Quốc quy định, người nổi tiếng không được quảng bá sản phẩm mà họ chưa từng sử dụng. Nếu vi phạm, họ phải chịu trách nhiệm pháp lý, bao gồm cả việc bị cấm tham gia quảng cáo mới trong vòng 3 năm.
Tại Ấn Độ, người nổi tiếng bị cấm tham gia quảng cáo sai lệch sản phẩm dưới bất kỳ hình thức nào. Mức phạt có thể lên đến 140.000 USD nếu vi phạm.
Tại Hoa Kỳ, người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm kém chất lượng có thể bị phạt tới 200.000 USD. Các cơ quan chức năng có thể áp dụng các biện pháp nghiêm khắc để bảo vệ người tiêu dùng và duy trì sự minh bạch trong quảng cáo.
Những trường hợp như đã nêu ở trên hầu như mới dừng ở việc xin lỗi. Dư luận cho rằng không thể xin lỗi là xong. Hiện theo quy định, hành vi quảng cáo sai sự thật sẽ bị xử phạt hành chính với mức tối đa là 80 triệu đồng với cá nhân và 160 triệu đồng đối với tổ chức. Tuy nhiên, mức thù lao cho một người nổi tiếng khi quảng cáo có thể lên tới vài trăm triệu đồng, hơn nhiều so mức phạt.
Việc người nổi tiếng quảng cáo sai chất lượng sản phẩm là vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng và xã hội. Để hạn chế tình trạng này, cần có sự chung tay của cả cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người nổi tiếng và người tiêu dùng nhằm tạo ra môi trường quảng cáo minh bạch, lành mạnh.
Cần phải có những chế tài mạnh hơn của cơ quan chức năng, cùng với hành động dứt khoát của công chúng để người nổi tiếng thực hiện trách nhiệm xã hội của mình, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trước các sản phẩm kém chất lượng hoặc quảng cáo sai sự thật.
Gửi phản hồi
In bài viết