Ngâm thơ ta vốn không ham
Mở đầu cuốn Nhật ký trong tù, Người viết “Lão phu nguyên ái bất ngâm thi”, Nam Trân dịch là: “Ngâm thơ ta vốn không ham”; nhưng không có nghĩa là Người không yêu thích văn học nghệ thuật. Người từng trả lời những nhà báo nước ngoài đầu năm 1946 như sau: “Tôi chỉ có một ham muốn tột bậc là làm sao cho nước hoàn toàn độc lập, dân được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” nên đã dồn tất cả sức lực và trí tuệ cho sự nghiệp cứu nước, cứu dân và trở thành nhà chính trị, nhà cách mạng vĩ đại của dân tộc.
Nhà thơ Tố Hữu từng chia sẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một lãnh tụ cách mạng nhưng không bao giờ mang khẩu khí to tát. Bác thường nói đến những điều nhỏ bé nhưng lại mang hàm ý lớn lao. Cũng như mọi người, Bác luôn nói đến mọi chuyện bình thường, không xa lạ, như thơ từng viết “việc quân, việc nước đã bàn; xách bương dắt trẻ ra vườn hái rau” và nhấn mạnh: “Thơ Bác là sự kết hợp văn hóa dân tộc với thế giới một cách nhuần nhuyễn, kết hợp hài hòa chất dân gian và bác học, chịu ảnh hưởng của Đường thi. Thơ Bác mang phong vị dân ca và Đường thi, ít có xu hướng phương Tây; còn thơ chữ Hán của Người lại rất hàm súc, ít lời nhưng đa nghĩa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thơ Bác rất gần với thực, một sự thực lịch sử sinh động với ý thức làm sống dậy không khí đương thời của phong trào cách mạng. Thơ Bác về chiến khu, cách mạng sẽ còn giữ lại giá trị lâu dài mãi mãi.
Các nhà nghiên cứu đã sưu tầm được trên 250 bài thơ Bác viết, trong đó có hơn 100 bài thơ chữ Hán, một con số có ý nghĩa, đủ để khẳng định Hồ Chí Minh là một nhà thơ thực thụ. Thơ ca được Bác sáng tác chủ yếu từ khi về nước (năm 1941) cho đến cuối đời, tiêu biểu cho sáng tác trước cách mạng Tháng Tám năm 1945 là tập Nhật ký trong tù.
Thơ Hồ Chí Minh thể hiện rõ phong cách nghệ thuật độc đáo: giản dị mà sâu sắc, hàm súc mà tinh tế. Đặc biệt trong “Nhật ký trong tù”, tập thơ chữ Hán được viết trong thời gian bị giam cầm ở Trung Quốc (1942 - 1943), ta thấy rõ tâm hồn ung dung, ý chí sắt đá và thái độ lạc quan cách mạng của Người. Một điểm nổi bật nữa trong thơ văn Hồ Chí Minh, theo nhà giáo Nguyễn Thị Hồng Chuyên, là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại, giữa dân tộc và quốc tế.
Người sử dụng linh hoạt nhiều thể loại, từ thơ Đường luật cổ điển đến văn chính luận hiện đại, từ lời kêu gọi hô hào chiến đấu đến các bài viết ngắn gọn, súc tích trên báo chí cách mạng. Dù viết ở thể loại nào, phong cách nào, Người cũng vẫn giữ được giọng điệu gần gũi, chân thành, ngôn ngữ trong sáng, dễ hiểu, giàu hình ảnh và cảm xúc. Từng câu chữ đều chứa đựng một trí tuệ lớn nhưng luôn mang dáng vẻ của một người bạn thân thiết đang trò chuyện cùng nhân dân.
Nhà thơ cũng phải biết xung phong
Nhật ký trong tù là tập thơ nổi tiếng nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tập thơ được sáng tác từ tháng 8/1942 - 9/1943, khi Người bị bắt giam trong nhiều nhà tù của Tưởng Giới Thạch ở Quảng Tây (Trung Quốc). Dù bị giải qua gần 30 nhà lao của 13 huyện mà không hề được xét xử; trải qua biết bao gian khổ của cuộc sống tù nhân, Bác vẫn làm thơ và sáng tác được hơn 130 bài thơ chữ Hán đậm nét Đường thi.
Nhật ký trong tù là cuốn nhật ký bằng thơ được viết theo nhiều bút pháp: khi tả thực, khi trữ tình, khi hướng ngoại khi hướng nội, lúc hiện thực, lúc lãng mạn, khi hài hước, lúc mỉa mai châm biếm; nhưng đã ghi lại tâm tư tình cảm của Người trong suốt “mười bốn trăng tê tái gông cùm”.
Ngoài Nhật ký trong tù, theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Chuyên, Giảng viên khoa Sư phạm, Trường Đại học Tân Trào, phải kể đến chùm tác phẩm bao gồm những bài ca tuyên truyền vận động cách mạng của những năm 40 của thế kỷ XX và cả thời kỳ hoạt động bí mật như Du kích ca, Ca sợi chỉ, Ca dân cày, Ca binh lính, Ca công nhân, Ca thiếu nhi,... với đặc điểm chung là rất giản dị, mộc mạc, dễ hiểu, mang phong vị thơ ca dân gian, nhưng lại có tác dụng tuyên truyền, cổ vũ nhân dân hiệu quả và thiết thực.
Ngoài ra, những bài thơ chữ Hán và tiếng Việt mang tính chất tức cảnh, thể hiện tinh thần lạc quan, tình yêu thiên nhiên, đất nước như Thượng sơn, Đăng Sơn, Nguyên tiêu, Báo tiệp, Tặng Bùi Công, Tức cảnh Pác Bó, Cảnh khuya, Đi thuyền trên sông Đáy,... và những chùm thơ tặng đồng bào thi đua sản xuất và chiến đấu; chùm bài thơ chúc Tết đồng chí đồng bào, thơ thù tiếp và những bài ứng khẩu trong các bài nói chuyện với chiến sĩ, đồng bào…
Nhà giáo Nguyễn Thanh Hải, giáo viên dạy môn Ngữ văn, Trường Chuyên Tuyên Quang chia sẻ: Khi dạy về tác giả Hồ Chí Minh và một số văn bản trong “Nhật ký trong tù” SGK lớp 12 chương trình GDPT 2018 chị luôn cố gắng định hướng rõ cho học sinh biết nhận xét, đánh giá được đầy đủ vẻ đẹp chân dung tinh thần của người chiến sĩ cách mạng, nhà văn, nhà thơ lớn Hồ Chí Minh. Bởi theo chị, ngay từ trong thơ văn, Người luôn tỏa sáng một trí tuệ, một nhân cách cao cả, một tầm tư tưởng lớn trong cách nhìn nhận về hiện thực cuộc đời và con người, thời đại. Đó là tầm nhìn rộng mở theo hướng vận động, đi lên của cuộc sống.
Bởi vậy, trong hầu hết các sáng tác của Người, đặc biệt là thơ trữ tình hình tượng thơ luôn có sự vận động hướng về sự sống, ánh sáng và tương lai. “Sự vật vần xoay đà định sẵn/Hết mưa là nắng hửng lên thôi/…/Hết khổ là vui vốn lẽ đời”. (Bản dịch của Nam Trân). Đặc biệt, ở Hồ Chí Minh còn thể hiện một trí tuệ lớn. Người đã đưa ra quan niệm về thơ ca sứ mệnh của người cầm bút: “Hiện đại thi trung ưng hữu thiết/ Thi gia dã yếu hội xung phong” được dịch là: “Nay ở trong thơ nên có thép/ Nhà thơ cũng phải biết xung phong”. Việc định hướng này nhằm làm nổi bật vẻ đẹp độc đáo mà thống nhất trong phong cách nghệ thuật của Hồ Chí Minh đồng thời học sinh sẽ có một cái nhìn bao quát đầy đủ về tài năng, nhân cách cao đẹp của Người: Đại Nhân, đại Trí, đại Dũng.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Chuyên: “Di sản thơ văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một bộ phận đặc sắc và có giá trị to lớn trong kho tàng văn học dân tộc Việt Nam hiện đại. Với tư cách là một nhà cách mạng vĩ đại, một nhà văn hóa kiệt xuất, Hồ Chí Minh đã để lại một di sản tư tưởng - nghệ thuật phong phú, phản ánh sâu sắc tâm hồn, trí tuệ và hoài bão của một con người suốt đời chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân. Thơ văn của Người không chỉ thể hiện tài năng nghệ thuật mà còn là kết tinh của lý tưởng cộng sản và truyền thống văn hóa dân tộc. Cá nhân tôi khi đọc thơ văn của Bác, luôn cảm nhận được một nguồn năng lượng tinh thần mãnh liệt, sự gần gũi giản dị mà sâu sắc đến lạ thường”.
Di sản thơ văn của Hồ Chí Minh là một giá trị tinh thần quý báu, góp phần làm phong phú thêm diện mạo văn học Việt Nam hiện đại. Nó không chỉ là những tư liệu lịch sử có giá trị mà còn là biểu tượng nghệ thuật mang tầm vóc nhân văn và quốc tế sâu sắc. “Việc nghiên cứu, học tập và phát huy giá trị của di sản này không chỉ giúp hiểu rõ hơn tư tưởng Hồ Chí Minh mà còn góp phần nuôi dưỡng tình yêu nước, lý tưởng cách mạng và ý thức trách nhiệm công dân cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Đó là hành trình không chỉ để học làm người, mà còn để tiếp bước Người - sống xứng đáng với những hy sinh vĩ đại của cha ông” - Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Chuyên khẳng địnhn
Gửi phản hồi
In bài viết