Nhiều tên gọi độc đáo
Tuyên Quang mảnh đất không chỉ nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp mà còn khắc sâu dấu ấn lịch sử, văn hóa qua từng tên đất, tên làng. Những địa danh nơi đây mang trong mình bản sắc riêng có, lắng đọng bao câu chuyện, bao ký ức, trở thành sợi dây vô hình kết nối mỗi người con Tuyên Quang với cội nguồn. Từ những tên gọi mộc mạc, giản dị đến những địa danh mang đậm dấu ấn lịch sử, tất cả đã tạo nên một bức tranh văn hóa đa màu, độc đáo, đi sâu vào tâm thức bao thế hệ.
Quang cảnh xã Ninh Lai (Sơn Dương), dự kiến sáp nhập với xã Thiện Kế, Sơn Nam với tên mới xã Sơn Thủy.
Bước chân trên khắp nẻo đường của tỉnh, ta dễ dàng nhận thấy sự phong phú và độc đáo trong cách đặt tên cho các địa danh. Mỗi tên gọi dường như ẩn chứa một câu chuyện, một dấu tích của thời gian. Có những tên gọi địa danh gợi nhớ về đặc điểm tự nhiên của vùng đất như Nà Tông (Cánh đồng), Thổ Sơn (Núi đất), Thụt (Họng Thụt). Lại có những địa danh thôn mang đậm chất dân tộc Tày như Nà Liềm, Nà Đứa, Nà Pục, Nà Mỏ…
Theo ông Ma Văn Đức, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, xưa kia mọi người di cư đến vùng đất mới lập nghiệp, đều suy nghĩ đặt tên đất, tên làng có nhiều ý nghĩa, sự kỳ vọng như Phù Lưu (Hàm Yên), Hòa An (Chiêm Hóa), Bình An (Lâm Bình) chẳng hạn. Tên xã, tên làng rất quan trọng nên các cụ học cao, biết rộng, người uy tín trong cộng đồng được đều được mời tham mưu đặt tên. Cái tên phải được sự đồng thuận cao của cả dân làng.
Thời kỳ cách mạng nhiều tên địa danh mới được hình thành như Tân Trào (Sơn Dương); Hồng Thái (Na Hang), Phan Thiết (TP Tuyên Quang). Cùng với đó là thời kỳ thanh niên các tỉnh dưới xuôi đi xây dựng vùng kinh tế mới ở Tuyên Quang, một số cái tên mới được hình thành như ở xã Tân Trào có thôn Vĩnh Tân chuyên làm nghề chè, hầu hết thôn là người Vĩnh Bảo (Hải Phòng) lên xây dựng vùng kinh tế mới. Nhớ quê, các cụ đặt tên thôn là Vĩnh (Vĩnh Bảo) cộng với chữ Tân (Tân Trào), thành chữ Vĩnh Tân ngày nay. Ngoài các tên cổ như Côn Lôn (Na Hang), Tràng Đà, Ỷ La (TP Tuyên Quang) thì về sau một loạt tên xã, thị trấn được hình thành: Tân Yên, Tân Thành (Hàm Yên), Tân Tiến, Tân Long (Yên Sơn), Tân Thịnh, Tân An, Tân Mỹ (Chiêm Hóa)… thể hiện là một làn gió “mới”.
Người dân xóm 2, xã Tràng Đà, TP Tuyên Quang họp, biểu quyết sáp nhập với phường Nông Tiến.
Có thể nói, những tên gọi ấy không chỉ đơn thuần là “ký hiệu” trên bản đồ mà còn là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân. Chúng được nhắc đến trong những câu ca dao, tục ngữ, trong những lời ru ngọt ngào của bà, của mẹ, thấm sâu vào tâm hồn mỗi người từ khi còn thơ bé. Tên đất, tên làng đã trở thành một phần ký ức, một niềm tự hào, một sợi dây tình cảm thiêng liêng gắn bó mỗi người con Tuyên Quang với quê hương.
Giữ hồn quê trong sự đổi thay
Trong quá trình thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, việc lựa chọn tên gọi mới cho các xã, phường sau sáp nhập đã trở thành một vấn đề được đặc biệt quan tâm. Bên cạnh những thuận lợi về mặt quản lý hành chính, không ít người dân đã bày tỏ những băn khoăn, trăn trở về việc “xóa tên” những địa danh đã gắn bó sâu sắc với cuộc sống của họ.
Việc đặt tên đất, tên làng để thỏa mãn các yêu cầu không phải là dễ, đòi hỏi các cấp, ngành có liên quan lắng nghe ý kiến Nhân dân, tham mưu các ý kiến của các chuyên gia. Bà Phan Phượng, xã Hòa Phú chia sẻ, nếu là ở các phường ở thành phố thì có thể dùng tổ 1, tổ 2, tổ 3 cho gắn gọn, súc tích, dễ tìm; thì ở nông thôn lại không nên lựa chọn phương án thôn 1, thôn 2, thôn 3 vì mất hết bản sắc, làng nọ không thấy khác biệt nhiều với làng kia, nhất là các làng có dân tộc thiểu số khác nhau.
Cử tri thôn Thia, xã Tân Trào, Sơn Dương rất quan tâm tới việc sáp nhập xã, thôn.
Nêu quan điểm về vấn đề này Nhà nghiên cứu văn hóa Tống Đại Hồng cho biết, việc lựa chọn tên gọi sao cho vừa đảm bảo tính khoa học, vừa giữ gìn được bản sắc, lại có khả năng tạo sự đồng thuận rộng rãi trong Nhân dân là một bài toán cần được giải với tất cả sự trân trọng, tinh tế và tầm nhìn. Hiện nay tỉnh Tuyên Quang đang xây dựng hình ảnh, thu hút đầu tư, quảng bá, phát triển du lịch, thì một cái tên hay, gợi cảm và giàu bản sắc chính là một lợi thế không thể xem nhẹ. Ông nhấn mạnh, chọn đặt tên mới phải trên tinh thần định hướng của Đảng, phải được địa phương nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, cân nhắc thận trọng các yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa.
Hiện nay tên gọi các xã, phường mới của tỉnh đã có. Chính quyền địa phương đã thể hiện sự cầu thị, tạo điều kiện để người dân được bày tỏ nguyện vọng, tham gia vào quá trình lựa chọn tên gọi mới, đảm bảo những tên gọi mới vẫn mang trong mình những yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa đáng trân trọng. Các cuộc họp thôn, xóm, tổ dân phố đã diễn ra để xin ý kiến Nhân dân, cơ bản các ý kiến đều đồng thuận. Bên cạnh đó cũng có những ý kiến còn băn khoăn.
Ông Nguyễn Phi Khanh, Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian khẳng định, những băn khoăn đó là có. Bởi một số xã, phường, thị trấn, thôn, xóm, tổ dân phố sẽ mất đi tên gọi thân quen của mình. Giờ hình thành nên một cái tên mới phải thật sự “có chiều sâu” và “tầm nhìn lâu dài”. Đơn cử phường Minh Xuân nơi ông ở, nhiều người lại thích cái tên cổ Ỷ La…
Nhiều cử tri cho rằng, ngoài xin ý kiến của Nhân dân, thì cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia am hiểu về lịch sử, văn hóa của Tuyên Quang. Sáp nhập địa danh cũng có thể đặt các tên mới như xã, phường Bình Ca, Vị Long, Trần Nhật Duật chẳng hạn.
Qua đợt sáp nhập lớn này, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh hiểu rằng việc sắp xếp đơn vị hành chính là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, hướng tới mục tiêu xây dựng một bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ người dân tốt hơn. Trong tâm thức của mỗi người, dù tên gọi có thay đổi, “đất nước vẫn là quê hương”, tình yêu với mảnh đất Tuyên Quang vẫn luôn vẹn nguyên. Họ tin rằng, dù mang tên gọi mới, những giá trị văn hóa, lịch sử tốt đẹp của quê hương vẫn sẽ được tiếp nối và phát triển trong tương lai. Những tên gọi mới sẽ mang theo kỳ vọng về một sự khởi đầu mới, một tương lai tươi sáng hơn, nhưng trong sâu thẳm tâm hồn mỗi người, những tên đất, tên làng xưa vẫn mãi là một phần không thể thiếu của hồn quê Tuyên Quang.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, khi sáp nhập có những tâm lý, đây là điều dễ hiểu. Bởi mỗi con người Việt Nam đều ăn sâu trong ký ức về hình ảnh quê hương, nơi chôn nhau, cắt rốn của mình. Bởi vậy khi thực hiện sáp nhập cần vượt qua những tâm lý, tâm trạng vùng miền để hướng tới tư duy, tầm nhìn rộng lớn hơn đất nước là quê hương.
Tổng Bí thư yêu cầu triển khai các công việc trên tinh thần “vừa chạy, vừa xếp hàng” nhưng phải thận trọng, chắc chắn, bài bản, không nóng vội chủ quan, có thứ tự ưu tiên, làm việc nào chắc việc đó, làm việc này phải tính đến việc khác liên quan. Đồng thời phải thực hiện đúng quy trình thủ tục theo quy định, không làm tắt, làm ẩu, không qua loa, đại khái bất cứ công việc nào. Bám sát các mốc thời gian trong kế hoạch để đảm bảo các công việc được thực hiện đúng tiến độ, nhất là các mốc thời gian quan trọng. Tăng cường thông tin tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xã hội, phát huy đầy đủ quyền dân chủ Nhân dân, tôn trọng lắng nghe ý kiến của Nhân dân, các quy trình thủ tục lấy ý kiến Nhân dân phải được thực hiện đúng quy định.
Gửi phản hồi
In bài viết