Không chỉ là danh xưng

- Thời điểm này, các địa phương đang lấy ý kiến Nhân dân đối với việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, phường, trong đó có nội dung đặt tên mới sau sắp xếp.

Phương án được một số địa phương đưa ra là lấy tên huyện, quận rồi đánh số thứ tự 1, 2, 3… để đặt cho xã, phường mới. Song, nhiều ý kiến cho rằng, phương án này mang tính cơ học, cứng nhắc, không thể hiện được chiều sâu bản sắc lịch sử, văn hóa, truyền thống. Người dân mong muốn chọn những địa danh giàu bản sắc, đặc tính địa phương để đặt tên cho xã, phường mới nhằm kế thừa và phát huy được giá trị của các địa danh lịch sử, văn hóa, giữ gìn hồn cốt quê hương.

Có thể thấy cha ông ta xưa không tùy tiện, áp đặt trong việc đặt tên đất, tên làng. Mỗi tên đất tên làng tồn tại cho đến ngày nay đều có nguồn gốc của nó, gắn liền với lịch sử, văn hóa. Rất nhiều tên đất, tên làng cũ đã đi vào lịch sử và đi vào đời sống của bao thế hệ người con đất Việt. 

Mỗi ngôi làng đều có đặc trưng văn hóa riêng, ở đó, tên làng giống như lịch sử cuốn sách, lịch sử đời người. Nhắc đến tên làng là nhắc đến một đặc điểm nào đó về địa lý, nghề nghiệp, văn hóa mà con người của các làng quê đó luôn nhớ đến và mang theo, mỗi khi họ tới nơi khác sinh sống và làm việc.

Việc sắp xếp lại các xã, phường sẽ tạo ra nhiều thay đổi, trong đó có việc những địa danh làng xã - một nét đẹp văn hóa lâu đời biến mất. Do vậy, cần hết sức thận trọng và cân nhắc kỹ lưỡng. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, giải pháp cho việc đặt tên làng xã khi thực hiện chủ trương sáp nhập, các địa phương có thể tham khảo, cân nhắc, đó là: Đặt tên gắn với truyền thống, lịch sử, văn hóa địa phương; gắn với lịch sử truyền thống cách mạng nổi bật; hoặc lấy tên của tổng cũ đặt tên cho xã mới và phương án vẫn giữ tên của thôn, xóm cũ hiện nay. 

Tên gọi không đơn giản chỉ là một ký hiệu hành chính để xác lập ranh giới quản lý, mà còn là biểu tượng của ký ức, là nơi neo đậu cảm xúc, là hồn cốt của mỗi vùng đất. Một cái tên có thể gợi nhắc cả một chiều dài lịch sử, một dòng chảy văn hóa, hay đơn giản là tuổi thơ, là mái nhà, là nơi chôn nhau cắt rốn của biết bao thế hệ. 

Đặt tên đất, tên làng có địa danh gắn liền với chiều sâu văn hóa sẽ khơi gợi lòng tự hào và tạo ra sự gắn kết tự nhiên, khơi dậy khát vọng phát triển của cả cộng đồng.

Phương Đông

Tin cùng chuyên mục