Liều thuốc tinh thần
Những năm gần đây, sự lan tỏa mạnh mẽ của khái niệm văn học “chữa lành” và những tác phẩm viết theo đề tài này có xu hướng phát triển trên khắp thế giới. Xu hướng văn học “chữa lành” ở Việt Nam phát triển ở các thể loại có dung lượng ngắn như thơ, tản văn.
Đa phần thơ chữa lành đều có hình thức đơn giản, dễ đọc, dễ hiểu, dễ tiếp cận. Một trong những gương mặt tiêu biểu của thơ chữa lành Việt Nam đương đại được người trẻ yêu mến, đó là nhà thơ Nguyễn Phong Việt, hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Thơ anh, với ngôn ngữ giản dị, đời thường nhưng thấm đẫm cảm xúc, đã chạm đến trái tim của hàng ngàn độc giả, đặc biệt là giới trẻ. “Rồi một ngày ta cũng sẽ quên thôi/Những vết xước tưởng chừng không thể lành/ Cuộc đời mà, đâu chỉ toàn màu xanh/Sau cơn mưa, trời lại trong veo nắng”. Câu thơ của Nguyễn Phong Việt như một lời thủ thỉ, một cái ôm nhẹ nhàng tinh tế, giúp người đọc cảm thấy được thấu hiểu và vơi đi phần nào gánh nặng trong lòng.
Độc giả trẻ xứ Tuyên yêu thích những trang văn chữa lành.
Một giọng thơ nữ tính, dịu dàng khác cũng góp phần làm phong phú vườn thơ chữa lành Việt Nam là Đỗ Thu Hằng, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội. Thơ chị nhẹ nhàng như một lời ru, khai thác những cung bậc cảm xúc tinh tế trong tình yêu, cuộc sống và mối quan hệ. Trong bài “Thả”, chị viết: “Thả những muộn phiền theo gió bay đi/Để lòng nhẹ nhàng đón ngày mới tới/Không giữ lại những điều không thuộc về/Chỉ giữ nụ cười trên môi thôi nhé”.
Sự phát triển của internet và mạng xã hội đã tạo ra một không gian rộng mở cho những giọng thơ mới, đặc biệt là từ thế hệ Z. Chủ nhân của hàng trăm bài thơ được đăng tải trên trang Xanh Lam tên thật là Hồ Dương Mộng Tuyền, bút danh là Lam. Nhiều tập sách của Lam được trang Web: Sachchualanh.com lựa chọn để review, giới thiệu đến người đọc trẻ như: “Đi vòng thế giới vẫn quanh một người” “Trốn lên mái nhà để khóc”, “Hiên nhà chắn hết mưa giông”. Hành trình thơ của Lam (Mộng Tuyền) là một minh chứng cho thấy, đôi khi, những lời thì thầm chân thật lại có sức mạnh chữa lành lớn lao nhất: “Nhớ phải ăn đủ bữa/Hoa trước cửa nhớ chăm/ Những chuyện xưa mục rữa/ Đừng mang ra khóc thầm”…
Vỗ về trong những câu văn nhẹ nhàng
Ranh giới giữa tản văn và thơ trở nên thật gần gũi trong văn học chữa lành. Tản văn chữa lành nổi lên như một dòng chảy ấm áp, xoa dịu những tổn thương, vỗ về những tâm hồn mệt mỏi và gieo vào lòng người đọc những mầm hy vọng. Nhiều độc giả trẻ cả nước tìm đến tản văn của Hoàng Anh Tú (Hà Nội).
Một trong những đặc điểm nổi bật trong tản văn của anh là khả năng “gọi tên” những cảm xúc phức tạp mà nhiều người trẻ đang trải qua. Dù đề cập đến những vấn đề không mấy vui vẻ, Hoàng Anh Tú vẫn luôn giữ được sự lạc quan trong giọng văn: “Cuộc sống vốn dĩ không hoàn hảo, luôn có những khó khăn và thử thách. Nhưng quan trọng là cách chúng ta đối diện với nó. Hãy học cách tìm thấy niềm vui trong những điều nhỏ nhặt nhất, một tách cà phê sáng, một nụ cười của người lạ hay một bản nhạc yêu thích”.
Những ấn phẩm văn học chữa lành được xuất bản.
Iris Cao và Hamlet Trương là những tác giả trưởng thành từ văn học mạng và có lượng độc giả đông đảo. Tản văn của họ thường tập trung vào những cung bậc cảm xúc trong tình yêu và các mối quan hệ, những nỗi cô đơn và sự hoang mang của tuổi trẻ. Với ngôn ngữ gần gũi, dễ đồng cảm, những trang viết của họ như những lời thủ thỉ, vỗ về những trái tim đang tổn thương. Các tác phẩm như “Ai rồi cũng khác” (Iris Cao) hay “Thương nhau để đó” (Hamlet Trương) đã trở thành “cẩm nang” tinh thần cho nhiều bạn trẻ đang chật vật trong hành trình yêu và trưởng thành.
Nhiều bạn trẻ đã tận dụng các nền tảng như Instagram, Facebook và các blog cá nhân để chia sẻ những tản văn ngắn gọn, những suy tư chân thật về cuộc sống, tình yêu và những áp lực mà họ đang đối diện. Tản văn của Gào (Vũ Phương Thanh) mang một màu sắc độc đáo, thẳng thắn và không ngại chạm đến những khía cạnh “không hoàn hảo” của cuộc sống và tình yêu. Chính sự chân thật đến trần trụi và dám thể hiện quan điểm cá nhân đã giúp cô trở thành một tác giả được nhiều bạn đọc trẻ yêu thích, những người tìm thấy sự đồng cảm và đôi khi là cả sự “giải tỏa” trong những trang viết đầy cá tính của cô.
Tại Tuyên Quang, nhiều tác giả trẻ có nhiều tác phẩm mang màu sắc chữa lành. Nổi bật là tác giả trẻ Lê Ngọc với những trang tản văn chữa lành, được bạn đọc trẻ cả nước yêu thích. Cuốn sách tản văn “Tôi Tìm Mình Giữa Những Tháng Năm” có lối viết nhẹ nhàng, độc giả được tắm mát trong câu chữ thật an yên, thanh thản: “Tháng mười hư hao đón gió mùa Đông Bắc, giường chềnh ềnh chăn bông phủ nặng nề. Tôi khó nhọc, ngộp thở nên loi choi đạp chăn. Giá lạnh thẹn thùng bỗng dừng sau cánh cửa, ông Ù gật gù xô cành nhãn lao xao, bố mẹ ủ ôm thấy yên lòng, say giấc, miệng mỉm cười treo suốt năm canh”. (Giường lúc rộng, lúc chật).
Trong sự vội vã của phố phường, đọc thơ Trịnh Thứ ta như lòng chậm lại. Những câu thơ nhẹ nhàng, an yên của “người con của núi” dần xoa dịu tâm hồn độc giả trong những khoảng lặng chông chênh: “Mái khói lan trong chiều se lạnh/Bếp ngóng bàn tay quen/Lửa vừa nhen lại tắt/ Bóng nắng nhỏ dần trên bậu cửa/Muộn rồi mẹ chưa trở về nhà” (Khói chiều quê hương).
Quan niệm về văn học “chữa lành” có thể chỉ mới được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây nhưng thực tế, bản chất xoa dịu, an ủi và nuôi dưỡng tâm hồn của văn học đã tồn tại từ bao đời nay. Với sự biến chuyển, biến động hàng ngày cuộc sống hiện đại, dòng văn học “chữa lành” được các tác giả trẻ phát triển, sáng tạo từng bước nhận được sự đón đợi của độc giả trẻ trong cả nước. Dòng văn này khẳng định văn chương luôn là “món ăn tinh thần” không thể thiếu, một “liều thuốc” diệu kỳ có khả năng vỗ về những trái tim tổn thương và khơi dậy niềm tin vào cuộc sống.
Gửi phản hồi
In bài viết