Nhà sàn trong Phủ Chủ tịch, nơi Bác Hồ từng sống và làm việc.
Tôi sinh ra ở một vùng bán sơn địa. Đất cằn đến nỗi rễ cây cũng phải ngoi lên khỏi mặt đất. Bố tôi cõng nước lên tưới rau, mẹ tôi tranh thủ lúc trăng lên, sương sa để cấy thêm luống khoai lang. Cây với người dựa vào nhau mà sinh tồn, bám đất, tựa đá.
Ngày ấy, tôi hay nghe chị Huệ nhà bên thường ngâm nga: “Tiếng suối trong như tiếng hát xa/Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa…”. Suối nguồn trong trẻo ấy từ đâu vọng về, rừng cây nguyên thủy vằng vặc dưới trăng, những bóng hoa im phăng phắc, tịnh không có dấu chân người…
Tôi hỏi, chị Huệ cười bảo xa lắm, chịu khó hay ăn, chóng lớn, chân cứng như cành nghiến mà leo dốc lên núi rừng Việt Bắc ngắm cảnh đẹp như trong tranh. Tôi yêu thích những vần thơ đó, chỉ có điều chưa biết núi rừng là gì. Có lần, lại thấy chị Huệ ngâm: “Rằm xuân lồng lộng trăng soi/Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân/Giữa dòng bàn bạc việc quân/Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”. Tôi nằm lòng những câu lục bát ấy từ lúc nào chẳng rõ. Chỉ thấy trong tâm hồn mình xốn xang mà chưa diễn đạt thành lời.
Một ngày, chị Huệ sang chào bố mẹ tôi. Nghe nói chị thi đậu đại học, về tận Hà Nội. Bác Hành, bố chị mang buồng chuối chín sang tận nhà tôi cảm ơn: “Gớm, bác chu đáo quá, nhờ cả ở sự sáng dạ của cháu”. Bố tôi vừa rót nước chè tươi ra chén vừa cảm ơn. Bác Hành bảo: “Chú nói thế, bố con tôi đâu dám nhận. Tất cả là nhờ ở cái giá sách của cô chú. Cháu nó chỉ được cái cần cù bù thông minh…”.
Tôi sực nhớ ra nhà mình có một cái giá được đóng bằng gỗ, trong đó sách vở được bố xếp ngăn nắp. Mái cũ, tường xiêu nhưng chỗ nào khô ráo là bố tôi đặt giá sách ở đó. Có nhiều đêm tôi thấy bố tôi không ngủ, ông lẳng lặng dậy thắp đèn. Ngọn lửa bé hạt đỗ gieo vào đêm sâu, chỉ có tiếng trang giấy cựa mình khe khẽ dưới bàn tay của ông.
Bố tôi học hết lớp 7 rồi lên đường nhập ngũ. Tính ông lầm lì, ít nói nhưng sâu sắc. Thứ quý giá nhất bố tôi đem về từ chiến trường là cuốn sổ tay của một người bạn đã hy sinh. Nghe ông kể, chú ấy là sinh viên khoa Văn nên cuốn sổ chép nhiều bài thơ và bài hát hay. Có lần xoa đầu tôi bố bảo: “Con có biết vì sao những người lính như bố lại sẵn sàng lao vào mưa bom, bão đạn không?”.
Tôi còn quá nhỏ trước một câu hỏi lớn như thế nên ngu ngơ lắc đầu. Câu trả lời của bố tôi có lẽ đã được nung nấu cả cuộc đời: “Để các con được sống, được học những tinh hoa của dân tộc này và thế giới”. Trong cái đầu bé nhỏ chứa đầy những trò tinh nghịch tuổi thơ của tôi mơ hồ có một thứ mật ngọt như được lắng kết từ cuộc sống này. Những đêm gió mát, trăng thanh, tôi ngồi ngoài hiên nghe bố tôi kể về cuộc kháng chiến. Bộ đội ta từ thuở súng đạn thô sơ, áo nâu nhưng tấm lòng chung kiên son sắt.
Một ngày, tôi chạy ào vào sân hét tướng lên tìm bố.
- Chuyện gì mà khiến con trai của bố vui thế?
- Bố ơi, con sẽ được về thăm Làng Sen quê Bác…
Ánh mắt bố tôi lóe lên một niềm xúc động:
- Bố cũng chưa một lần được đến Làng Sen.
Đoàn xe đưa chúng tôi đến với Nam Đàn trong một ngày tháng Năm nắng ửng vàng. Từ xa, tôi đã thấy ngôi nhà tranh năm gian, chợt nhớ những câu thơ đầy xúc động trong bài Theo chân Bác của nhà thơ Tố Hữu: “Thăm lại vườn xưa mái cỏ tranh/Thương hàng râm bụt, luống rau xanh/Ba gian nhà trống, nồm đưa võng/Một chiếc giường tre, chiếu mỏng manh”. Tôi lặng nghe tiếng chim hót trong buổi sáng yên tĩnh, trời xanh và nắng vàng óng ả.
Minh họa: Bích Ngọc
Có lẽ từ hơn trăm năm trước, vẫn đất trời ấy, mảnh vườn, tiếng chim… đã gieo vào tâm trí của người một khát vọng bình yên hạnh phúc. Nhưng ở thời điểm ấy, ngoài kia đội quân viễn chinh của thực dân và chế độ phong kiến suy tàn vẫn như chiếc ách nặng nề đè lên vai người nông dân. Một khoảng trời bình yên trong vườn nhà càng nung nấu thêm khát vọng về một cuộc sống tự do trong tâm hồn thơ trẻ của Người…
Sau chuyến đi ấy, tôi bận bịu với bài vở cuối cấp. Mới ngày nào còn là cậu bé tóc vàng hoe vì nắng ê a đọc bài dưới tán phượng hồng giờ tôi đã thành cậu giáo sinh thực tập. Cả tuần nay tôi mải miết soạn bài, sửa sang lại các câu hỏi, tìm lời thuyết giảng phù hợp với đối tượng học sinh. Tuy nhiên, anh Khải, giáo viên hướng dẫn tôi cứ nhất quyết bảo tôi sửa lại câu hỏi dành cho học sinh sau khi đọc đoạn thơ trong bài Thăm cõi Bác xưa: “Có rào râm bụt đỏ hoa quê/Như cổng nhà xưa Bác trở về/Có bốn mùa rau tươi tốt lá/Như những ngày cháo bẹ măng tre”.
Anh Khải bảo: “Đây là câu thơ nói về ngôi nhà sàn của Bác ở Phủ Chủ tịch, vì thế phải giúp các em hiểu được cảnh vật, sự giản dị của Người”. Tôi không có ý phản đối nhưng cảm thấy như anh nói là chưa trọn nghĩa. Bởi, ngôi nhà ấy tuy mang dáng dấp kiến trúc của nhà sàn Việt Bắc nhưng còn toát lên cả sự thanh bình của miền quê, sự giản dị của một con người vĩ đại. Vì thế, nhà thơ Tố Hữu mới ví “như cổng nhà xưa” đó chứ. Anh Khải nghe xong thì trầm ngâm suy nghĩ nhưng lại thắc mắc: “Thế tại sao ngôi nhà của Bác lại không phải nhà nền đất như đồng bằng Bắc Bộ nhỉ?”.
Tôi bảo anh đọc lại câu thơ cuối của khổ thì sẽ hiểu: “như những ngày cháo bẹ măng tre”. Anh cười, khen tôi khá rồi hỏi sao tôi lại biết. Tôi kể là đã từng đọc được tư liệu là khi trao đổi với kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh năm 1948, Bác nói: “Nhà làm nhỏ, chỉ vừa đủ cho 1 người ở, gỗ làm nhà bằng gỗ thường, tầng dưới để thoáng, tầng trên có 2 phòng nhỏ, cầu thang làm rộng để hai người cùng lên một lúc, hành lang làm rộng để có thể ngồi đọc sách và tiện cho sinh hoạt”.
Tiết giảng của tôi được đánh giá cao bởi sự mới lạ và bất ngờ khi gợi cho học sinh những liên tưởng thú vị. Khi gần hết giờ, ngó xuống cuối lớp tôi thấy một em học sinh ngồi đang làm việc riêng. Tôi lại gần thì thấy em giấu vội tờ giấy vào ngăn bàn có vẻ ngần ngại. Đặt tay lên đôi vai gầy của cậu bé, tôi khẽ hỏi:
- Này em, sao trong giờ học em còn làm việc gì khác?
- Thưa thầy, em chỉ muốn vẽ lại những gì em tưởng tượng thôi ạ.
- Ồ, bất ngờ quá, em có thể cho thầy xem được không?
Cậu bé rụt rè lấy ra tờ giấy với những nét chì còn vụng về nhưng đã phác thảo khung cảnh mà tôi cũng luôn hình dung trong tâm hồn về ngôi nhà sàn của Bác. Trong tôi luôn thầm nghĩ, dù là ngôi nhà tranh năm gian ở miền Trung hay lán Nà Nưa ở Tuyên Quang, hay nhà sàn ở Hà Nội thì đều toát lên sự mộc mạc, giản dị nhưng chứa đựng hồn cốt của văn hóa Việt. Từ những bậc đại khoa, danh tướng đến lãnh tụ đều xuất thân từ dân gian, từ không gian văn hóa ấy.
Tôi đem câu chuyện ấy về kể với bố. Ông xúc động bảo: “Bố có thứ này”. Bố tôi cẩn thận bắc ghế, với lên giá sách trên tường để lấy cuốn sổ tay xuống đưa cho tôi.
- Lâu nay sở dĩ bố chưa đưa cho con bởi muốn khi con thực sự trưởng thành, lúc đó con sẽ hiểu hết những giá trị từ cuộc đời Bác Hồ.
Tôi cầm cuốn sổ lên, đem đến tặng cho cậu học trò, dặn em giữ thật cẩn thận. Tôi tin mình đã không trao lầm người.
Mấy chục năm trôi qua, một sáng mùa thu, khi tôi đang ngồi uống cà phê bên bờ hồ thì nghe thấy tiếng gọi: “Thầy Lâm phải không ạ?”. Tôi giật mình ngoảnh lại thì thấy một người ăn mặc phong cách nghệ sĩ, tay đang cầm một chiếc máy ảnh, nhưng đôi mắt toát lên vẻ gì quen thuộc lắm:
- Vâng, xin hỏi anh là ai?
- Em Quang lớp 5B đây thầy ơi, thầy còn nhớ em không?
- Ôi! Quang “họa sĩ” đó sao?
- Vâng, em chính là cậu bé được thầy “tha” cho cái tội làm việc riêng trong lớp. Bức phác họa đó của em sau này đã được thầy hiệu trưởng cho phép lưu giữ lại phòng truyền thống của trường.
- Vậy em đang làm gì ở đâu?
- Dạ. Em làm họa sĩ minh họa cho một tờ báo. Mấy hôm nữa em có một triển lãm nhỏ, mời thầy đến dự. À em sẽ dành tặng thầy một bất ngờ…
- Tuyệt vời quá, có thể bật mí cho thầy về chủ đề của triển lãm được không?
- Thưa thầy, các bức họa đều lấy cảm hứng từ các bài thơ viết về Bác Hồ kính yêu…
Tôi và Quang cùng bước trên con đường tháng Năm đầy nắng, con đường của hai thầy trò đi về phía kỷ niệm. Khi tôi đến phòng triển lãm đã bắt gặp cuốn sổ xưa được em lưu giữ cẩn thận trong chiếc tủ kính nhỏ. Tôi mở ra, vẫn những bài thơ chép tay của người liệt sĩ năm xưa, những câu thơ xúc động viết về Bác đã theo các thế hệ chúng tôi suốt những năm tháng cuộc đời…
Gửi phản hồi
In bài viết