Anh giáo trường làng và hành trình khai mở hội họa

- Một hiện tượng của làng hội họa Việt Nam trong suốt thời gian qua đó là họa sỹ Lê Vinh (Hà Nội). Phong cách nghệ thuật anh mang đến với dấu ấn khác biệt, độc lạ, như anh đã khai mở một lối hội họa độc đáo. Với đôi bàn tay tài hoa, anh đã tạo ra hàng trăm tác phẩm, trong đó có những hình ảnh thiếu nữ miền sơn cước mang vẻ đẹp nên thơ, tươi sáng.

Nghệ thuật là sự khác biệt

Họa sỹ Lê Vinh sinh năm 1979, tại Ba Vì (Hà Nội). Anh đến với hội họa với niềm đam mê từ thuở nhỏ. Ngay từ khi 12 tuổi, chàng trai đã xin gia đình theo lớp vẽ của cố họa sĩ Nguyễn Sỹ Tốt. Đó là môi trường đầu tiên khai mở tài năng hội họa của chàng trai nhỏ bé. Anh được đào tạo vẽ các chất liệu quen thuộc như chì, màu bột, màu nước, sơn dầu, lụa, khắc gỗ… Thế nhưng anh vẫn ấp ủ một niềm đam mê riêng mình, đó là ký họa bằng bút bi.

Tốt nghiệp trường cao đẳng, anh trở về quê dạy học tại Trường THCS Phú Sơn, huyện Ba Vì. Ngoài công việc dạy học, anh còn có sở thích là vẽ tranh bằng bút bi. Anh chia sẻ rằng, tranh vẽ bằng bút bi đòi hỏi độ chỉn chu, tập trung cao của người họa sĩ vì bút bi không thể tẩy xóa. Với anh, vẽ tranh bằng bút bi còn là cơ hội để anh “thiền”, anh rèn luyện đức tính tỉ mỉ, tĩnh tâm.

Trong suốt hành trình đó, anh ấp ủ một con đường hội họa riêng, khác biệt để tạo được phong cách, sức hút riêng của cá nhân. Trong khi đó, chất liệu bút bi là một chất liệu mới mẻ, gần gũi, giản đơn, ai cũng có thể có được. Thời điểm ban đầu, anh gặp không ít khó khăn bởi đây là một chất liệu mới, cũng như chưa một cơ sở đào tạo nào dạy vẽ tranh bằng bút bi. Anh lý giải, tranh vẽ bằng bút bi không như vẽ bằng bút chì, mà nó đòi hỏi độ chỉn chu, tập trung cao vì bút bi không thể tẩy xóa. Nếu vẽ hỏng hoặc bị dính mực thì sẽ phải vẽ lại từ đầu.

Họa sỹ Lê Vinh.

Họa sĩ cũng không thể đứng giá vẽ vì mực bút bi sẽ không thể chảy xuống ngòi mà buộc phải cúi nghiêng trên mặt phẳng khi vẽ... Hơn nữa, màu bút bi cũng không đa dạng như các chất liệu khác, chủ yếu chỉ có các màu đơn sắc như đỏ, xanh, đen... Do đó, người họa sĩ phải có sự tập trung, tư duy sáng tạo độc đáo mới tạo ra được một tác phẩm thực sự ấn tượng.

Bức tranh bút bi đầu tiên của anh đã tạo được hiệu ứng trong lòng công chúng. Đó là tác phẩm anh vẽ bố mình - một thương binh hạng 1/4 với chòm râu dài để tặng ông nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ 27-7. Bức vẽ đơn sắc bằng mực bi xanh nhưng mang đến thần thái đặc biệt, toát lên một niềm tự hào, sự khảng khái, bản lĩnh của người lính cụ Hồ. Tác phẩm được trưng bày ở nhiều cuộc triển lãm khác nhau và được giới hội họa đánh giá rất cao về chất liệu cũng như cách thể hiện. Như được tiếp thêm động lực, các tác phẩm được anh vẽ bằng bút bi xanh, sau anh vẽ thêm bằng bút bi đen và rồi bằng bút bi màu... xuất hiện ngày càng nhiều.

Tỏa sáng những sơn nữ miền núi

10 năm qua, họa sĩ Lê Vinh đã sáng tác được hơn 300 bức tranh bằng bút bi với nhiều chủ đề khác nhau phản ánh cuộc sống đương đại. Điều đặc biệt tranh của anh thường gắn với chủ đề cao nguyên vùng cao. Hình ảnh những người phụ nữ, bé gái miền núi qua tranh của anh với nét vẽ mềm mại, dịu dàng. Tranh mang đặc trưng vẽ rất kiệm màu, đề tài giản dị, gần gũi. Xuyên suốt nhiều sáng tác là hàng chục tác phẩm phản ánh đời sống sinh hoạt hàng ngày, phong tục tập quán của người phụ nữ dân tộc thiểu số. Đó dường như là nguồn sáng tạo bất tận của họa sĩ tài hoa.

Để có chất liệu thực tế, anh đã tới các bản làng ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Anh nhiều lần đi công tác, đi du lịch trải nghiệm đến với mảnh đất núi rừng xứ Tuyên. Cảm nhận của anh về xứ Tuyên là phong cảnh bình yên, con người thân thiện. Anh chia sẻ, mỗi dân tộc như Mông, Dao Đỏ, Tày… ở đây có phong tục tập quán riêng, thiết kế trang phục, đường nét hoa văn riêng nhưng có điểm chung là phụ nữ miền sơn cước mang vẻ đẹp hồn nhiên, tươi tắn, thân thiện.

Tác phẩm Giấc mơ trưa của họa sỹ Lê Vinh lấy cảm hứng từ cô gái dân tộc xứ Tuyên.

Những bức tranh như Giấc mơ trưa, Khu vườn vui nhộn, Cô gái Mông, Em bé hồn nhiên…là nguồn cảm hứng gom lại từ những chuyến đi ở Tuyên Quang cũng như các vùng quê miền núi khác. Các tác phẩm luôn có gam màu thanh nhẹ, dịu dàng. Trong không gian thoáng đãng bình yên của đất trời vùng cao, hình ảnh bé gái, cô thiếu nữ, người đàn bà Dao, Mông được khắc họa tỉ mỉ. Khuôn mặt xinh xắn,  thần thái đẹp, ấn tượng.

Người xem cảm nhận được trong đôi mắt ấy là sự hồn hậu, chất phác, nguyên sơ, nhẹ nhàng của con người miền núi. Có gì thật dịu dàng, mê hoặc khi ta ngắm nhìn những bức tranh của Lê Vinh. Sự chuyển động bình yên từ mỗi khuôn mặt; vẻ đẹp thanh tú từ dáng hình em bé gái, thiếu nữ đôi mươi; nét hồn hậu, nguyên sơ trong nụ cười đàn ông, đàn bà Mông… Từ họ tỏa ra một sự ấm áp lạ lùng.

Anh thừa nhận, càng đi đến nhiều nơi miền non cao, anh càng thấy mình có nhiều “khoảng trống” trong sáng tạo nghệ thuật. Bởi có những hình ảnh, khoảnh khắc chỉ có bút bi mới tái hiện đủ đầy, khắc họa đậm nét, phản ánh hồn cốt của vẻ đẹp con người miền núi. Đó là nụ cười trong trẻo tựa ban mai của cô nàng đôi mươi, ánh mắt đượm buồn của em bé vùng cao hay vẻ hồn nhiên, căng đầy sức sống của những thiếu nữ xinh đẹp nơi núi rừng...

Nhiều tác phẩm của anh đã làm cho công chúng yêu hội họa chìm đắm trong những nét vẽ tinh tế. Trong mỗi bức tranh, các nhân vật, đồ vật, không gian... tất cả đồng nhất trong một sự trong sáng thuần khiết, tách biệt khỏi xã hội hiện đại. Các nhà phê bình hội họa trong nước đã hết sức ngạc nhiên, trầm trồ trước từng tác phẩm của anh. Họa sĩ Bùi Trọng Dư (Hà Nội) cho rằng, mặc dù chủ đề không thực sự mới nhưng chất liệu đã làm cho tranh của Lê Vinh đặc biệt, khác lạ, một thương hiệu riêng có. Bút bi xưa nay chỉ để viết nhưng giờ đây đã trở thành chất liệu phục vụ hội họa. Điều này cho thấy sự sáng tạo không ngừng của giới họa sĩ.

Liên tiếp từ năm 2020 đến nay, khi anh tham gia Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, các bức họa của anh đã để lại nhiều ấn tượng, được giới chuyên môn đánh giá cao. Qua đó khẳng định được tài năng đặc biệt của con người Việt Nam. Ở bất cứ tác phẩm nào, người xem cũng dễ dàng nhận ra bút pháp cô đọng về ý, nét tinh giản về hình, vẻ đẹp dịu dàng nên thơ, trong trẻo như một cuộc dạo chơi lãng đãng giữa thiên nhiên.

Giang Lam

Tin cùng chuyên mục