Cuốn truyện dài gồm 4 phần: Quán chợ, Sâm, Anh và em và một phần viết thêm, lần lượt là lời tự sự của 2 nhân vật chính Khuê và Sâm.
Ở phần một, người đọc được gặp nhân vật chính là Khuê, một sinh viên mới tốt nghiệp đại học. Khuê vốn là một cô gái có tính tình bộc trực, hay hờn, nhưng cũng là điển hình cho những người con gái trẻ với tâm hồn đa sầu đa cảm. Vì chưa tìm được việc làm đúng với năng lực, cô tạm làm việc cho một quán ăn của người chủ trẻ tên là Sâm. Trái ngược hoàn toàn với Khuê, Sâm lại là một người chủ quán có phần kỹ tính, thậm chí có thể nói là nguyên tắc thái quá. Không ít lần chủ và người làm thuê phát sinh mâu thuẫn vì sự trái ngược trong tính cách. Dẫu vậy, qua một số chi tiết, chúng ta vẫn cảm nhận được sự quan tâm âm thầm mà cả hai dành cho nhau.
Sang đến phần 2, đã có sự đổi vai đột ngột từ Khuê sang Sâm. Qua lời kể của chính Sâm, người đọc phát hiện ra những nét cứng nhắc trong tính cách của anh, âu cũng bởi Sâm đã trải qua những biến cố và mất mát trong quá khứ. Người đàn ông khó tính và nguyên tắc ấy đã từng là đứa trẻ phải trải qua những tháng ngày tuổi thơ đau đớn và buồn tủi, là “một đứa trẻ được sinh ra cho cuộc đời bắt nạt”, khi ngay từ khi sinh ra, anh và cậu bé tên Quyền đã bị “hoán đổi vị trí”, tạo nên những bi kịch đau đớn và buồn tủi suốt một thời trẻ dại.
Phần cuối, tác giả đẩy người đọc vào những tình huống bất ngờ, đó là những ngã rẽ của số phận, nhưng phần nào được thành hình do những quyết định của con người. Cái kết này chắc chắn sẽ khiến độc giả khép lại cuốn sách với sự hài lòng. Cho dù độ tuổi hay bối cảnh có ít nhiều thay đổi, ta vẫn cảm nhận được “từ trường” của Nguyễn Nhật Ánh tỏa ra qua từng trang viết, qua cách ông khai thác tâm lý của nhân vật.
Và với “Con chim xanh biếc bay về”, Nguyễn Nhật Ánh vẫn tiếp tục chinh phục chúng ta bằng một câu chuyện cổ tích thời hiện đại. Chuyện cổ tích đó vẫn còn tiếp diễn, sau khi những nhân vật như Sâm, như Khuê, như Quyền... đứng lên sửa sai và bước tiếp sau những mất mát, hiểu lầm mà họ phải trả giá, cho dù đó là những lỗi lầm không phải do chính họ gây ra.
Và cuối cùng, giống như những câu chuyện khác, dù cổ điển hay hiện đại, tình yêu trong truyện dài của Nguyễn Nhật Ánh vẫn sẽ chiến thắng. “Trái tim trong lồng ngực mỗi người giống như chiếc đồng hồ đỏng đảnh, thỉnh thoảng tỏ ra mệt mỏi biếng lười, nhưng bạn yên tâm đi, rồi nó sẽ tích tắc chạy lại một khi thần tình yêu đã lên dây”.
Gửi phản hồi
In bài viết