Lòng xe điếu

- Dần thuộc loại bình thường nhất trong những người nông dân bình thường. Tuổi ngoài bốn mươi, một vợ, hai con, đủ nếp đủ tẻ. Dần ngụ tại thôn Tiên Lủng, đường bê tông chạy trước cửa nhà, cách trung tâm thành phố chừng mười lăm phút xe máy.

Nhà bốn miệng ăn trông cả vào mấy sào ruộng ông bà để lại. Ki cóp mãi Dần mới cất được nếp nhà chừng bốn chục mét vuông, xây gạch vồ, lợp tấm lợp. Tài sản đáng giá nhất là cái xe máy tàu đã hở cổ bô, kêu cứ là pèn pẹt pèn pẹt, nghe chỉ muốn... nộp phạt.
Không ổn, rất không ổn. Tiền ăn đã đành, còn tiền chi phí học hành cho con cái cứ ngày một tăng theo giá xăng, giá điện. Mấy đận sấp ngửa đi vay, Dần thấy mình cứ hèn hèn. Nghĩ nhiều lắm.

Minh họa: Hồng kiều

Một hôm đẹp trời, Dần ngả cây keo to nhất vườn sau, nhờ mấy ông bạn hì hụi cưa cưa đục đục. Mất bốn ngày được năm cái bàn con, chục cái ghế dài như ghế học sinh thời Dần học tiểu học, đoạn mang miếng tôn cũ, nắn nót kẻ thẳng một hàng: DẦN - LÒNG XE ĐIẾU.

Quán lòng lợn của Dần cứ mỗi ngày mỗi đông. Khách cùng thôn, có cả khách ngoài thành phố đánh hẳn ô tô đỗ cửa. Giá cả rất bình dân, rượu có nguồn gốc, lại nữa, cái món lòng xe điếu của Dần thì phải nói là đặc sản. Nó trắng như ngó sen, giòn và ngọt cứ gọi là từ đầu lưỡi cho đến dạ dày. Nghe đâu cả trăm con lợn chỉ vài con mới có được cái đoạn lòng non dày dặn ấy. Không hiểu sao ngày nào Dần cũng tầm được. Thế mới tài. Hỏi, Dần chỉ cười, buông một câu: “Có thổ quen”. Rồi thì lại xởi lởi: “Ấy các bác cẩn thận kẻo chết bỏng, bát nhà em nó luộc đến nhừ cả vi trùng ra rồi đấy”.

Từ dạo mở quán, Dần khá lên trông thấy. Những vật dụng trong nhà cứ lần lượt được điểm danh. Mười giờ sáng hết hàng, Dần thong dong cái xe máy tàu, nổ pèm pẹp ra quán nhẩn nha mà nhâm nhi cốc bia hơi tươi rói. Chỉ hai cốc, vị chi là mười nghìn. Dần trả tiền trước, gặp bạn bè, Dần vẫn ngồi cùng bàn. Ra về, Dần chỉ việc đi thẳng, vẻ mặt vô tư như... người châu Âu. Ấy thế nên người ta bảo Dần là kiệt. Chẳng biết có đúng hay không, nhưng ở nhà, hễ mở ti vi thì Dần tắt điện. Lúc đi tắm, Dần đứng vào cái chậu to, từ tốn xối nước, nước tắm trong chậu dành để dội toa lét, cũng tiết kiệm được một khoản.

Ngày tháng cứ thế trôi đi.

Mấy năm trở lại đây, cứ đến rằm trung thu, thành phố lại rầm rộ tổ chức rước đèn. Không phải là những cái đèn ông sao thắp nến như ngày trước mà là những con khủng long, rồng, phượng nghễu nghện như tòa nhà, đèn hoa sáng rực. Cái nọ nối đuôi cái kia diễu hành trên khắp các trục đường trong thành phố. Trẻ con người lớn đều hăm hở, hân hoan vui sướng như nhau. Năm nào Dần cũng dẫn bọn trẻ trong thôn ra thành phố để mà cùng cổ vũ. Gớm, đông nghìn nghịt, tắc cả đường. Xểnh một cái, lạc nhau chứ chả bỡn. Cả tuần lễ, tối nào cũng đi bộ, hò hét. Mệt, nhưng mà vui. Lễ hội đường phố này được công nhận là Kỷ lục Ghi nét Việt Nam. Ai cũng phấn khởi. Dần cũng thấy tự hào.

Thế rồi Dần nghĩ, thôn Tiên Lủng mình ngay nách thành phố, sao không làm một cái mô hình cho trẻ con nó đi chơi, đỡ tội. Nghĩ mấy hôm, thấy bứt rứt khó chịu, Dần mò đến nhà trưởng thôn: 

- Bác.
- Định mở thêm bún chó à?- Ông trưởng thôn hỏi, sau khi thở ra một đụn khói thuốc lào ngào ngạt.
- Không, em định bàn với bác, xin bác cái chủ trương làm cái mô hình trung thu cho trẻ con rước đi chơi cho bằng bạn bằng bè. - Dần gãi gãi cái đầu bờm xờm.
- Tớ cũng nghĩ đến từ lâu, ngặt nỗi mình toàn người làm nông, lấy đâu kinh phí. Nghe đâu ngoài kia họ làm những mấy chục triệu.
- Em biết, dưng mà mình làm một cái be bé, chắc chả tốn. Bác cứ cho chủ trương, mọi việc để em.
- Nhất trí. Chú mà làm được, trẻ con nó chào chú từ xa. - Ông trưởng thôn cười hà hà, bụng nghĩ, kiệt như thằng Dần, có khối ra ấy.

Ấy thế mà Dần làm thật. Sẵn cái xe bò, mượn thêm bố vợ cái nữa, Dần hì hụi ghép ván, đấu hai cái vào nhau thành một cái bệ vững chãi. Dần ngả hẳn cây tre đan một cái rọ to bằng năm cái rọ lợn, tẩn mẩn đấu từng cái bóng điện bên trong. Mấy ông hàng xóm thấy vậy cũng xúm vào, mỗi người một tay quấy hồ, dán giấy. Chừng một tuần lễ, trước cửa quán lòng lợn nhà Dần xuất hiện một con cò trắng tinh, cao bằng nóc nhà Dần, hai cánh vươn ra vừa thanh thoát vừa ngạo nghễ. Cái xe bò có rèm vải phủ xung quanh, tiếng máy nổ rì rì, đèn hoa sáng rực. Dần lại nắn nót cầm bút kẻ một hàng: THIẾU NHI THÔN TIÊN LỦNG VUI TẾT TRUNG THU. Vợ Dần bảo: “Sao không viết chữ lòng lợn tiết canh, quảng cáo luôn thể”. Dần quắc mắt: “Ai lại đi bôi bẩn lên niềm vui của bọn trẻ con bao giờ”. Trẻ con cả thôn kéo đến, rộn ràng còn hơn cả tết. Người lớn bảo nhau: Nhất chú Dần.

Trung thu năm ấy, trẻ con thôn Tiên Lủng chính thức có danh sách trong đoàn diễu hành của thành phố. Không ai còn để ý đến cái tính keo kiệt của Dần. Ngày tháng lại trôi đi. Mỗi sáng, Dần lại thong thả thái những miếng lòng xe điếu, giòn, ngọt và trắng như một nghi ngờ* (*chữ của Thạch Lam)n    
 

Truyện ngắn: Đinh Công Thủy

Tin cùng chuyên mục