Tính tự do trong sáng tạo nghệ thuật

- Có một văn hào phương Tây đã nói rằng: “Tôi sẽ chết, nếu ai đó cấm tôi viết/Tôi cũng sẽ chết, nếu ai đó bắt tôi viết”! Điều này đã khẳng định vai trò của yếu tố tự do trong sáng tạo nghệ thuật, đó là khát vọng mà nhiều nghệ sỹ mong muốn. Tuy nhiên, dù bất cứ ở thời đại nào thì nghệ thuật dù sáng tạo, phá cách cỡ nào thì cũng cần hướng tới giá trị chân, thiện, mỹ, tự do trong chuẩn mực của xã hội đương thời.

Tạo cảm hứng thăng hoa nghệ thuật

Trại sáng tác văn học Tuyên Quang năm 2021, nhà phê bình văn học Hoàng Đăng Khoa, Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã chia sẻ, bản chất của sáng tạo nghệ thuật là tự do, là điều kiện để thăng hoa cảm xúc. Giống như con chim muốn hót hay thì cần không gian trong lành, khí trời tươi mát; hoa nở thì cần nguồn dưỡng chất tự nhiên và ánh sáng ấm áp. Không ai có thể bắt buộc văn nghệ sỹ phải gồng mình lên để sáng tạo trong khi tâm hồn, suy nghĩ, tư tưởng của họ không được thoải mái, tự do. 

Suốt bao năm tháng hết mình cống hiến nghệ thuật và đạt được giải thưởng mang tầm quốc tế, nghệ sỹ nhiếp ảnh Quang Minh, hội viên Hội văn học - Nghệ thuật tỉnh cho rằng, cảm xúc sáng tạo đôi khi đến bất chợt và cứ thế thôi thúc ông đi và bấm máy. Để làm nên một tác phẩm nghệ thuật ưng ý là cả một quá trình từ thai nghén đến lúc thực hiện tác phẩm. Trong giai đoạn đó nếu bị một yếu tố ngoại cảnh tác động tiêu cực khiến người nghệ sỹ “mất hứng” thì khó mà có động lực để hoàn thiện tác phẩm đẹp. Do đó, người nghệ sỹ cần có không gian sáng tạo tự do để đắm mình và thể hiện tài năng.

Tác phẩm: Người Dao Kiên Đài của Lê Đức.

Còn cây viết văn trẻ Trịnh Thứ khẳng định rằng, người nghệ sỹ cần tự do, vì lao động nghệ thuật là một loại hoạt động vô tư và tự nguyện. Không ai bắt được nhà văn phải xúc cảm và cầm bút khi họ không rung động, không yêu thương và bức bối. Trong không gian sáng tạo tự do và không bị chi phối bất cứ điều gì thì nhà văn, nhà thơ sẽ được thoải mái tung tẩy cảm xúc, nói hết được tiếng lòng, khát vọng nội tâm. Có như thế thì tác phẩm mới có hồn, mới sinh động thu hút được độc giả.

Tự do trong chuẩn mực

Ngày nay, không khí xã hội cởi mở, môi trường sáng tạo thông thoáng, cơ chế khích lệ phát triển văn học, nghệ thuật lành mạnh chính là không gian tự do để tạo động lực và cảm hứng sáng tạo cho văn nghệ sỹ. Tuy nhiên, theo nhà văn Phù Ninh thì mỗi người nghệ sỹ nên nhận thức thấu đáo về mối quan hệ giữa tự do công dân và tự do nghệ sỹ. Tự do công dân là công dân có quyền làm bất cứ việc gì trong khuôn khổ pháp luật. Tự do của văn nghệ sỹ là tự do sáng tạo trong cảm xúc, tư tưởng lành mạnh, chuẩn mực. Từ đó sáng tạo những tác phẩm văn chương, nghệ thuật hướng đến giá trị chân, thiện, mỹ, hoàn thiện nhân cách con người, góp phần xây dựng xã hội phát triển văn minh tiến bộ.

Trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, chủ trương của Đảng về văn học nghệ thuật đã được thể hiện tập trung trong Nghị quyết 05 của Bộ chính trị khóa VI, được phát triển toàn diện và sâu sắc trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khóa X và Nghị quyết Trung ương 9, khóa XI. Tại các nghị quyết này, Đảng đã xác định: Văn học nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt nhạy cảm và tinh tế của văn hóa, là nhu cầu thiết yếu thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người, có tác dụng đặc biệt trong việc vun trồng, bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm nhân cách, đạo đức, trí tuệ bản lĩnh cho các thế hệ con người. Đảng và Nhà nước luôn chủ trương và nhất quán tạo mọi điều kiện thuận lợi để văn nghệ sỹ có môi trường tự do trong hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật.         

Nhà thơ Inrasara và các hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh bàn về sáng tác thi ca.

Nhà văn Đỗ Anh Mỹ, Phân hội trưởng Phân hội Văn học, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh chia sẻ, tự do sáng tạo nghệ thuật không phải là thích viết gì viết nấy. Viết không vì ai, không vì mục đích gì thì đó là thứ tự do lợi bất cập hại. Tự do cần trong khuôn khổ, phù hợp định hướng của Đảng, pháp luật Nhà nước, phù hợp với thuần phong mỹ tục, chuẩn mực xã hội ngày nay.

Trong xu thế phát triển công nghệ, thời đại 4.0, ưu thế của các nền tảng số, không gian mạng, âm thanh trực tuyến tạo điều kiện, không gian cho văn nghệ sỹ sáng tạo. Cùng với sự xuất hiện một số trào lưu, xu hướng nghệ thuật và sự nở rộ của hình thức “tự xuất bản” trên mạng xã hội, trang điện tử. Do không có sự kiểm soát, kiểm duyệt, nhiều tác phẩm ra đời đã vượt ra khỏi không gian của sự tự do khuôn khổ, trái với thuần phong mỹ tục, định hướng đúng đắn. Đó là những bài hát lời lẽ nhảm nhí, bức tranh dung tục, phản cảm, bài thơ “con cóc” nội dung sai lệch... Cơ quan chức năng đã có chế tài xử lý những tác giả cùng với những tác phẩm này.

Bởi đây là thứ nghệ thuật không thể tồn tại, đồng hành với xã hội vì nó cản trở, phương hại đến xu hướng phát triển xã hội.
Tự do trong sáng tạo nghệ thuật là động lực để các văn nghệ sỹ có được trọn vẹn cảm xúc thăng hoa cùng nghệ thuật. Tuy nhiên, ở bất cứ thời đại nào, sự tự do luôn cần có ranh giới và có một khuôn khổ nhất định, như thế mới tạo ra được những tác phẩm đúng định hướng, đúng chuẩn mực, hướng đến giá trị chân thiện mỹ.
 

Giang Lam

Tin cùng chuyên mục