Những dòng văn lay động về tình mẫu tử

- “Hãy chăm sóc mẹ” được nhà văn Hàn Quốc Shin Kyung Sook viết bằng giọng văn chậm rãi, nhẹ nhàng nhưng lay động trái tim người, thức tỉnh mỗi người - nhất là những người làm con - nhìn nhận lại tầm quan trọng của tình yêu thương gia đình đang dần mai một.

Tác phẩm mở đầu bằng tình huống không thể nào trớ trêu hơn, khi người mẹ Park So Nyo - một người mẹ Á Châu điển hình - đã gần 70 tuổi từ quê ra thăm con trai ở thủ đô Seuol và bị lạc trong dòng người tấp nập ở ga tàu điện ngầm. Khi các thành viên trong gia đình nháo nhào tìm kiếm bức hình chân dung của mẹ để báo mất tích, mới chợt nhận ra, người mẹ ấy chẳng có lấy một bức ảnh nào. Cuối cùng, hình ảnh người mẹ được khắc họa bằng những dòng miêu tả: “Tóc ngắn đã muối tiêu, xương gò má cao, khi đi lạc đang mặc áo sơ mi xanh da trời, áo khoác trắng, váy xếp nếp màu be”.

Từ đây, hình ảnh người mẹ được khắc họa rõ nét hơn qua giọng tự sự của từng nhân vật, từ người con trai cả, hai người con gái đến người chồng. Mỗi người có một câu chuyện khác nhau, nhưng đều chứa những nỗi ân hận, thấm thía và thường nhật đến độ, khiến người đọc như đang đọc chính câu chuyện của mình, với nỗi tự vấn không hề nhẹ nhõm.

Cuốn tiểu thuyết dày hơn 500 trang, là quá trình tìm kiếm của từng thành viên trong suốt 9 tháng trời người mẹ mất tích. Càng đi tìm, họ càng thấy những ký ức đẹp đẽ về mẹ, rực rỡ nhưng mờ ảo như ráng chiều, càng đi sâu lại càng đau lòng. Cảm giác chống chếnh, lo sợ, hoang hoải trong từng lớp ký ức đa chiều, cứ thế dẫn người đọc qua từng tháng năm ngược xuôi - hiện tại để chạm tới sâu thẳm trái tim mỗi người con phần cảm xúc giấu kín dành cho mẹ: “Trong nỗi hoảng loạn, như thể tất cả mọi người đều bị tổn thương ở vùng não”.

Từng chi tiết về mẹ được nhà văn Shin Kyung Sook miêu tả bằng những hình ảnh giản dị, đời thường nhất. Từ những bữa cơm, trong từng câu nói, từng  nụ cười và cả những ý nghĩ vẩn vơ… Những mảnh ghép nhỏ ấy gom góp suốt cuộc đời để tạc ra hình tượng một người mẹ vĩ đại, can trường, mạnh mẽ, bất chấp những xô đẩy cuộc đời, hoàn thành trách nhiệm tự nhiên trao cho.

Tác phẩm với kết thúc mở, khi không để cái kết rõ ràng người mẹ còn sống hay đã chết, nhưng là tiếng vỡ trong lòng từng thành viên và mỗi người đọc. Lạc mất mẹ, không chỉ là mất đi chỗ dựa, mà còn là mất đi nơi quay về, mất đi cái rễ gắn mình vào mạch sống. Phải chăng người mẹ nào cũng có một tấm lòng, một khả năng chở che như thế, và như câu kết trong cuốn sách, cũng là câu mà mỗi người con nên tự nhắc nhở bản thân mình: “Hãy chăm sóc mẹ!”.

Trần Liên

Tin cùng chuyên mục