Ông kể: Cuốn tiểu thuyết ban đầu dài khoảng 500 trang, dài hơn gấp đôi cuốn tiểu thuyết bây giờ, nó là nhật ký ông ghi lại những ngày tham gia đội quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu ở Xiêng Khoảng (Lào). Với cuốn tiểu thuyết được xuất bản, ông đã cố gắng rút gọn lại sao cho vẫn đầy đủ mà cô đúc, lắng đọng nhất để người đọc không cảm thấy “mệt” với những trang viết về thời chiến.
Mảnh đất cánh đồng Chum được miêu tả trong tiểu thuyết là một chiến trường khốc liệt, nơi cái chết và sự sống chỉ trong gang tấc, con số thương vong bao giờ cũng chiếm phần nhiều: “Lính đường dây là những tay đi trước, về sau. Có trận tao lụt giữa bãi xác, cả địch và ta nằm ngổn ngang, sấp ngửa, máu me bê bết...”. “Tiểu đội mình có 12 người, mùa mưa này xanh 7, bị thương 1, còn 4 người”. “Mùa khô này ta vào đánh Buôn Lọng, cái căn cứ trên mây trời ấy, thắng cũng chết, thua cũng chết... Trung đoàn 148 còn bao nhiêu anh em của ta phơi xương, phơi cốt trên ấy!”. Ấy thế mà ở giữa làn mưa bom pháo dội vẫn nảy nở một tình yêu tuyệt đẹp và trong sáng giữa Cần (anh bộ đội tình nguyện Việt Nam) và cô gái Bua Văn của nước bạn Lào. Mối tình này không chỉ là tình yêu đôi lứa đơn thuần, mà còn là mối tình hữu nghị sâu nặng giữa hai dân tộc, hai đất nước Việt - Lào: “Bàn tay chạm vào bàn tay, ánh mắt chạm vào ánh mắt, hư mà thật.
Cần và Bua Văn cùng lẫn trong vòng Lăm Vông ấy, họ như đang chơi cùng nhau được bay trong sương, trong trăng giữa đất nước Lào. Mỗi khi bàn tay xòe nở chạm vào nhau, Cần và Bua Văn lại thấy khắp người bỏng rực, rộn ràng. Trong lòng họ như cùng tụ về núi sông, đồng ruộng của hai nước Lào - Việt”. Qua lời kể của nhân vật Cần, hình ảnh bi hùng về cuộc chiến hiện ra thật rõ nét. Mỗi lần nhớ nhà, nhớ quê hương, Cần lại áp mình vào đất để cảm nhận được sự ấm áp, chở che của đất mẹ, nhờ đó nỗi nhớ mẹ, nhớ quê cũng nguôi ngoai phần nào. Những mất mát, hy sinh, tình đồng đội, tình quân dân, sự hóm hỉnh đầy chất lính… đều được thể hiện qua các trang viết.
Từ những đêm luồn rừng trong mưa, trong làn đạn địch đến những giây phút thư giãn hiếm hoi trong cảnh rừng lãng mạn với đôi công rất đẹp đang múa; từ những trận chiến đấu căng thẳng khốc liệt, chỉ toàn khói lửa và máu đến những đêm Lăm Vông chan chứa tình hữu nghị giữa bộ đội Việt Nam với người dân Lào... tất cả đều được khắc họa rõ nét như vừa mới xảy ra hôm qua. Tác giả khẳng định: “Chiến tranh chỉ gây ra chết chóc và thù địch. Nhưng chiến tranh cũng làm cho con người gắn quyện với nhau. Từ trong chết chóc của chiến tranh, người Lào đã nhận ra được bạn và thù...”.
Nhà văn cho biết, các nhân vật Bua Văn, Bun Thon, A Ni hay Pho Đum đều có thật. Cô Bua Văn trước học ở trường sư phạm tại tỉnh Phú Thọ, nói tiếng Việt rất sõi, là người đã giúp đỡ ông và những người lính tình nguyện Việt Nam hòa đồng với nhân dân Lào một cách nhanh nhất.
Nhà văn Trịnh Thanh Phong trò chuyện với sinh viên Lào học tại Trường Đại học Tân Trào.
Qua tiểu thuyết, người đọc còn hiểu thêm về phong tục tập quán, tiếng nói của người Lào. Người đọc sẽ biết đến lễ buộc chỉ cổ tay, được tiến hành vào dịp Tết Bunpimay (Tết truyền thống của Lào), vào dịp cưới xin, mừng tân gia, dịp tiễn người đi xa hoặc trở lại nhà sau thời gian xa cách… Phong tục này đặc biệt còn dành cho bạn bè thân thiết với gia chủ.
Tục lệ buộc chỉ cổ tay là một nét văn hóa độc đáo, nó thể hiện lòng mến khách của người Lào. Qua tác phẩm, độc giả cũng hiểu thêm về ngôn ngữ Lào, trong đó có những từ ngữ rất gần gũi với tiếng Tày của Việt Nam, như “tu cáy” (gà), “nà” (ruộng), “kin” (ăn), “khẩu niêu” (cơm nếp), “ải” (anh), “lục” (con)...
Kỷ niệm đáng nhớ nhất của nhà văn là khi ông được người Lào đặt cho cái tên Khăm Xúc, cũng như những người lính tình nguyện khác đều được đặt một cái tên Lào. Mỗi lần vào làng của người Lào, ông như thấy hình ảnh thân thuộc của quê hương hiện về khi mọi người reo to “Khăm Xúc kìa” rồi mang cho đủ thứ, lúc thì bó rau, lúc con gà, nắm xôi, gạo... Có lần đánh trận xong đi qua một ngôi làng, thấy các bà mẹ Lào ngồi ở bên đường chờ bộ đội Việt Nam, bộ đội thương vong nhiều, các mẹ khóc nức nở. “Tình cảm của người dân Lào dành cho bộ đội Việt Nam giúp anh em trong đơn vị luôn vững vàng về tâm lý và tin tưởng ở chiến thắng phía trước. Tuy vậy, vẫn có vài kẻ đào ngũ vì không chịu được gian khổ. Cũng có những người hôm trước là dũng sĩ, hôm sau đã trở thành kẻ đào ngũ vì sợ chết. Có lẽ những kẻ ấy được sống toàn thây nhưng sẽ mang trong mình cảm giác tội lỗi suốt đời”...
Theo tác giả, bị thương là chuyện bình thường của lính tráng. Tuy nhiên có một lần ông bị thương rất nặng, do sức ép của bom, hai tai chảy máu, đầu óc quay cuồng, phải nằm viện cả tháng trời mới đỡ. Ông bảo “Lúc chiến đấu vất vả thì mong có một phút nghỉ ngơi, ấy vậy mà khi nằm viện lại chỉ mong chóng khỏi để lao vào chiến đấu”. Sau lần bị thương ấy ông mất 19% sức khỏe, nhưng khi chuyển ngành thấy mình vẫn khỏe, lao động được ông đã làm thất lạc giấy chứng nhận thương tật thành ra không được hưởng chế độ thương binh. Ông chép miệng: “Được thương binh cũng tốt, nhưng thôi, còn được sống lành lặn trở về là may mắn lắm rồi”.
Thông thường, sau những trang tiểu thuyết dài hơi, phần kết sẽ khiến người đọc có cảm giác “đuối” và không được thỏa mãn. Tuy nhiên đối với Đất cánh đồng Chum, nhà văn đã tạo ra một cái kết không thể hợp lý hơn. Lần đầu ông đặt tên cho bản thảo là "Nắm đất hồn người", bởi xuyên suốt cuốn tiểu thuyết, hình ảnh đất được tác giả nhắc đến rất nhiều: “Đất nước Lào cũng giống như đất nước Việt, cũng ấm áp như hơi ấm của người mẹ”…
Khi Cần (nhân vật chính) hy sinh, người đồng đội là Tôn gỉ đã gói một nắm đất trên mộ Cần mang về quê, đợi đến khi tìm được hài cốt Cần chuyển về Tôn gỉ đã lấy nắm đất ấy rắc lên mộ Cần và trồng trên đó một cây đào. Cây đào ấy lớn rất nhanh, nở hoa, kết trái đẹp kỳ lạ, và là cơ duyên để cậu sinh viên Khăm Xúc (con của Bua Văn và Bun Thon. Vì tình cảm sâu nặng đối với Cần, nên hai vợ chồng đã đặt tên con là Khăm Xúc) sang du học tại Việt Nam tìm đến. Khăm Xúc đã mang trái đào về nước mình trồng và cây đào mọc lên tươi tốt rất nhanh, nở hoa đỏ thắm, đẹp như mối tình của Cần với Bua Văn và kỳ diệu như tình cảm keo sơn của hai dân tộc Việt - Lào. Dường như hồn phách Cần vẫn phảng phất trên mỗi cánh hoa đào, hiển hiện ở đất nước bạn.
Mảnh đất cánh đồng Chum, nơi nhà văn Trịnh Thanh Phong cùng đồng đội từng chiến đấu và để lại một phần xương máu đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 2019. Cuốn tiểu thuyết "Đất Cánh đồng Chum" đã được chuyển ngữ sang tiếng Lào và được tái bản khá nhiều lần. Năm tháng qua đi nhưng tình yêu, nỗi nhớ của nhà văn với miền đất ấy chưa bao giờ nguôi ngoai. “Mình mong, rất mong có dịp được trở lại chiến trường xưa để gặp lại những người dân Lào đã từng gắn bó, để kiếm tìm những người đồng đội đã yên nghỉ. Mình tin khi gặp lại, những ông bố, bà mẹ hay người chị, người em, bộ đội Pa Thét Lào sẽ vẫn nhớ mình, nhớ như in những tháng ngày máu lửa mà đầy ắp tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc” - nhà văn trải lòng.
Gửi phản hồi
In bài viết