Những gian khổ nghề báo

- Cuốn sách “Làm báo - Mực mài nước mắt” của Nhà báo Lê Khắc Hoan, được Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh phát hành năm 2016 đã tái hiện nửa thế kỷ báo chí giáo dục. Trong đó, mỗi nhà báo cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh của mình khi lăn lộn với nghề, những khó khăn, gian khổ phải vượt qua để phản ánh chân thực cuộc sống, đem đến những tác phẩm hay được độc giả đón nhận.

Cố Nhà báo - Nhà giáo Lê Khắc Hoan, sinh năm 1937, mất năm 2021. Sinh ra ở Thừa Thiên Huế, ông từng dạy học từ năm 1954 đến năm 1966. Ông nguyên là Phó Tổng Biên tập báo Giáo dục và Thời đại, báo Dân Trí, Tạp chí Thế giới mới, tạp chí Trí tuệ. Tác phẩm “Làm báo - Mực mài nước mắt” được tác giả viết bằng thể tài ký sự phi hư cấu kể về nhân vật Văn Trí, cũng chính là tác giả với 50 năm làm nghề báo.

Bằng bút pháp tự nhiên, tả thực, tác giả đã khắc họa chân dung nhân vật Văn Trí, từ một nhà giáo trở thành một nhà báo viết về ngành giáo dục trong những năm gian khó của đất nước. Với ngòi bút sắc sảo, không ngại dấn thân, gian khổ, nhà báo Văn Trí đã đến với tất cả các vùng quê trong cả nước để khai thác những tấm gương tập thể, cá nhân tiêu biểu của ngành giáo dục để phản ánh, tuyên truyền, góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt, Học tốt” theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong ký sự, người đọc dễ dàng bắt gặp những câu chuyện xúc động khi nhà báo tuyên truyền về điển hình giáo dục ở rẻo cao Mù

Cả (Lai Châu); những khó khăn, nguy hiểm của nghề báo khi phải đạp xe, vượt lũ suýt mất mạng bởi nước lũ cuốn trôi tại Phú Thọ... Nhưng vượt qua tất cả, nhà báo đã không ngại dấn thân, cùng ăn, cùng ở với đồng bào, với giáo viên tại các trường để cho ra đời những tác phẩm thấm đẫm hơi thở cuộc sống, không chỉ được bạn đọc mà cả ngành giáo dục ghi nhận.

Đặc biệt, trong tác phẩm, tác giả đã kể lại quá trình phát triển đầy khó khăn của Báo Người giáo viên nhân dân (tiền thân của Báo Giáo dục và Thời đại ngày nay). Những câu chuyện bếp núc tại tòa soạn được kể lại một cách chân thực, sinh động, giúp bạn đọc thấy được một thời làm báo thiếu thốn, gian khổ nhưng đầy vinh quang. Đặc biệt là kể về “sự hình thành và phát triển của tờ báo trong trong cơ chế thị trường mới mẻ; tích cực, tiêu cực đan xen, giành giật giằng co, đấu tranh quyết liệt...” Để qua đó rút ra những bài học sâu sắc về nghề “Làm báo mà không cẩn thận từng li từng tí, chỉ sơ sẩy một chi tiết thôi cũng đủ mất niềm tin...”, “đừng bao giờ cầm bút vào lúc lòng nguội lạnh”.

50 năm làm báo, nhưng tác giả cũng là một nhà văn với nhiều tác phẩm được trao giải thưởng cao tại các cuộc thi. Đặc biệt là giải Nhất cuộc thi viết về Thầy giáo và nhà trường năm 1961 với tác phẩm nổi tiếng “Mái trường thân yêu”, đến nay vẫn để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng nhiều thế hệ bạn đọc.

Nhà báo Văn Trí trong tác phẩm hay cũng chính là nhà báo Lê Khắc Hoan trong đời thường, tuy hai mà một, qua ký sự đã đem đến cho bạn đọc những trải nghiệm sâu sắc về nghề báo - nghề nguy hiểm, nhưng cũng đầy vinh quang và tự hào. Bởi như cố Nhà báo Hữu Thọ đã đúc kết “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc”, người làm báo có thấm nhuần được những phẩm chất ấy mới đem đến cho độc giả những tác phẩm chất lượng nhất.

Huyền Linh

Tin cùng chuyên mục