Kể chuyện con người qua ảnh chân dung

- Chụp ảnh chân dung không chỉ đơn thuần là ghi lại hình ảnh của một người mà còn là cách truyền tải cá tính, cảm xúc và câu chuyện của họ thông qua ống kính. Từ những bức ảnh chân dung cổ điển đến các phong cách hiện đại, nghệ thuật chụp ảnh chân dung đã trải qua nhiều biến đổi và luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho các nhiếp ảnh gia.

Nghệ sỹ nhiếp ảnh Vũ Anh Tuấn (thứ 7, từ phải sang), Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật, Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam trao đổi với các hội viên Chi hội Nhiếp ảnh về kinh nghiệm chụp ảnh chân dung.

Đam mê

Người ta thường chia nghệ thuật nhiếp ảnh ra 3 chủ đề chính là ảnh phong cảnh, ảnh đời thường và ảnh chân dung. Đối với các nhiếp ảnh gia chuyên và không chuyên nói chung đã theo nghề đều có thể chụp ở cả 3 mảng này. Tuy nhiên có những nghệ sỹ chỉ chuyên tâm sáng tác sâu ở một thể loại và mang lại dấu ấn riêng.

Tại Chi hội Nhiếp ảnh, Hội Văn học -  Nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang, có một người khá thành công trong chụp ảnh chân dung đó là tác giả Ma Tuyên. Anh làm việc trong ngành Công an tỉnh khá bận rộn, chỉ dành thời gian sáng tác vào những ngày cuối tuần. Một chiếc xe máy, với ba lô là anh có thể lên đường đến các bản làng dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa. Nơi đó có những con người giản dị, hồn nhiên mà anh yêu quý đến lạ.

Theo tác giả Ma Tuyên, chụp ảnh chân dung nó có cái khó riêng. Muốn chụp được bức ảnh chân thật, khoảnh khắc đẹp mình phải đi nhiều. Bản thân tác giả phải hòa đồng với bà con dân làng, để người già, trẻ con đều thấy gần gũi. Anh bảo có những đứa trẻ gặp người lạ tỏ ra sợ sệt, xấu hổ, khó để tạo ra bức ảnh ấn tượng. Như vậy người nghệ sỹ phải thật sự kiên trì, có màn làm quen, thân thiện, lúc đó mới có cơ hội bấm máy.

Tác phẩm Ông và cháu của Ma Tuyên.

Ma Tuyên rất thích dùng ống fix cho chụp ảnh chân dung, đó là loại ống kính 1 khẩu độ. Đây là loại ống kính không có “zoom tê lê” mà phải “zoom bằng chân”. Tuy hơi bất tiện là phải di chuyển đứng xa gần để chụp, song ống fix có chất lượng quang học rất tốt. Ảnh sắc nét, màu đẹp, đặc biệt chụp ảnh tốt trong điều kiện thiếu sáng. 

Anh Ma Tuyên cho rằng, ánh sáng là yếu tố rất quan trọng trong chụp ảnh chân dung. Ánh sáng tự nhiên, chẳng hạn như ánh sáng mặt trời vào buổi sáng sớm hoặc chiều muộn, thường tạo ra hiệu ứng mềm mại và dễ chịu. Đèn flash và ánh sáng nhân tạo cũng có thể được sử dụng để tạo ra các hiệu ứng đặc biệt hoặc làm nổi bật các chi tiết nhất định trên khuôn mặt. Bố cục trong chụp ảnh chân dung không chỉ bao gồm vị trí của người mẫu mà còn cả môi trường xung quanh. Quy tắc một phần ba là một nguyên tắc cơ bản giúp tạo ra các bức ảnh cân đối và thu hút. Tuy nhiên, người chụp cũng cần linh hoạt và sáng tạo để phá vỡ các quy tắc này khi cần thiết.

Kinh nghiệm

Trong giới nhiếp ảnh Tuyên Quang nhiều người biết tên tuổi Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Quang Minh, hội viên Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam, Phó Chi hội trưởng Chi hội Nhiếp ảnh, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang. Anh rất thành công với chụp ảnh chân dung. Trước kia một thời anh chuyên nhận chụp ảnh cưới, việc chụp chân dung cô dâu chú rể đẹp nổi bật đòi hỏi phải có phương tiện, kỹ thuật, kinh nghiệm tốt. Sau này tay nghề của anh được phát huy cao khi chuyển sang chụp ảnh sáng tác chân dung nghệ thuật. Anh cho biết, chụp ảnh chân dung trước tiên bức ảnh phải có hồn, điểm nhấn là đôi mắt, nụ cười.

Theo anh Quang Minh, lựa chọn tiêu cự phù hợp giúp tạo ra những bức chân dung đẹp. Ống kính với tiêu cự từ 50 mm đến 135mm thường được ưa chuộng vì chúng không làm biến dạng khuôn mặt và tạo ra độ sâu trường ảnh vừa đủ để làm mờ hậu cảnh, làm nổi bật người mẫu. Một bức chân dung thành công không chỉ phụ thuộc vào kỹ thuật mà còn vào khả năng của nhiếp ảnh gia trong việc tạo dựng mối quan hệ với người mẫu. Giao tiếp tốt giúp người mẫu cảm thấy thoải mái, tự nhiên và thể hiện được cảm xúc thật sự của mình. Người chụp cần khéo léo trong việc hướng dẫn và khuyến khích người mẫu, giúp họ tự tin trước ống kính.

Tác phẩm chân dung của Nghệ sỹ Quang Minh.

Ngoài ra, phong cách cổ điển tập trung vào sự đơn giản và trang trọng. Các bức ảnh thường có ánh sáng dịu nhẹ, bố cục chặt chẽ và không có quá nhiều chi tiết phụ xung quanh, tạo cảm giác thanh lịch và truyền thống. Chân dung nghệ thuật cho phép nhiếp ảnh gia sáng tạo hơn với ánh sáng, màu sắc và bố cục. Các bức ảnh thường mang tính chất thử nghiệm, với mục tiêu truyền tải cảm xúc và câu chuyện thông qua sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố nghệ thuật. Chân dung đời thường tập trung vào việc ghi lại những khoảnh khắc tự nhiên và chân thực trong cuộc sống hàng ngày. Đây là phong cách phổ biến trong nhiếp ảnh báo chí và tài liệu, giúp truyền tải chân thực nhất tính cách và cuộc sống của nhân vật.

Nghệ sỹ nhiếp ảnh Vũ Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật, Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam mới đây lên Tuyên Quang bồi dưỡng kiến thức nhiếp ảnh cho các hội viên Chi hội Nhiếp ảnh, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh cho rằng, chụp ảnh chân dung cần theo tinh thần “đẹp - độc - lạ”. Bức ảnh tốt cần có chiều sâu và chuyển tải một thông điệp cho cuộc sống. Chụp ảnh chân dung tránh chụp hời hợt, bức ảnh không có ý nghĩa. Như vậy khi đi sáng tác, tác giả cần có ý đồ rõ ràng, tìm mẫu, trang phục, đạo cụ, bối cảnh phù hợp. Sau đó canh thời tiết, chụp sáng hay chiều. Và cuối cùng chọn góc và khoảnh khắc bấm máy và lựa chọn, thẩm định chính xác các bức ảnh ưng ý nhất để công bố.

Các nghệ sỹ, nhiếp ảnh gia đều khẳng định, chụp ảnh chân dung là một nghệ thuật phức tạp, đòi hỏi sự kết hợp giữa kỹ thuật và cảm xúc. Từ việc chọn ánh sáng, bố cục, tiêu cự đến việc giao tiếp với người mẫu, mỗi yếu tố đều đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên một bức chân dung đẹp và ý nghĩa. Đối với những ai đam mê nhiếp ảnh, chụp ảnh chân dung không chỉ là việc bấm máy mà còn là cách kết nối, khám phá và kể câu chuyện của con người thông qua ống kính.

Quang Hoà

Tin cùng chuyên mục