Hạnh phúc trở về

Bước vào hè những cơn mưa bất chợt bắt đầu xuất hiện. Mưa thất thường, có lúc mây đen giăng kín bầu trời, gió mạnh luồn qua kẽ lá phát ra âm thanh xào xạc. Người người bước chân vội vã trốn chạy cơn mưa, mưa như trêu đùa người, mưa to nhưng lại nhanh tạnh. Có hôm trời trong xanh nắng trong veo lại có cơn mưa rào kéo đến, dai dẳng chẳng chịu ngừng.

Chị liếc nhìn lên trời, trời bắt đầu kéo mây, gió rít lên từng cơn làm chi lạnh sống lưng. Chị đẩy chiếc xe tự chế chở đầy ve chai bước chân vội vã như những người trên đường đang tìm cách trốn mưa. Rồi từng giọt mưa bắt đầu rơi xuống, một hạt nước mưa rơi bộp lên trán chị, chị chỉnh lại chiếc nón lá rách tơi tả bị gió thổi làm bật về phía sau. Mưa bắt đầu nặng hạt hơn, chỉ một lúc chị đã ướt sũng nhưng vẫn cố đẩy cho chiếc xe về phía con hẻm.

Nhà chị nằm sâu trong con hẻm nhỏ giữa thành phố đèn đuốc xa hoa. Căn nhà lợp mái tôn cũ kỹ không chịu nổi mưa to, vài chỗ được che chắn bằng miếng vải bao thức ăn được may lại với nhau. Người đàn ông đã say khướt nhưng vẫn cầm chặt chai rượu trong tay, tuôn ừng ực giữa mưa giông gió lớn. Vừa nhìn thấy bóng dáng người phụ nữ xuất hiện, gã đặt chai rượu xuống đất rồi chửi bới um xùm.

“Con câm, giờ mày mới lết xác về đấy à! Có biết ông mày đói sắp chết rồi không?”.

Chị đẩy xe ve chai vào sân, luồn tay vào phía dưới gầm xe lấy ra mớ rau và vài con cá khô, hai chiếc bánh mì. Dưới cơn mưa chị ném chiếc bánh mì về phía gã. Gã tức giận lao đến đánh chị, chị gồng mình gánh chịu trận đòn của gã. Gã đánh một lúc thì dừng lại. Gã phun nước bọt trước mặt chị chửi thề rồi với tay lấy chai rượu tuôn ừng ực.

Chị lảo đảo đi vào nhà, đứa nhỏ đang nằm trên chiếc nôi ngủ say sưa, kể ra gã nghiện rượu nhưng lại chăm con rất kỹ. Mưa dột nát ngôi nhà, chỗ nào cũng có những giọt nước rơi xuống, gió lạnh phả vào nhưng chỉ mỗi chỗ chiếc nôi là không có mưa gió lùa. Chị bước đến gần lặng yên ngắm nhìn đứa trẻ, mắt chị đỏ hoe đưa tay lau vội vệt nước trên mặt, không biết là nước mưa hay nước mắt. Chị luôn tin rồi sẽ có ngày hạnh phúc sẽ đến với chị nhưng không biết ngày đó còn bao lâu?

Minh họa: Bích Ngọc

Chị là người đàn bà lỡ thì, quê chị ở tận Cà Mau, cha mẹ mất sớm vì bạo bệnh, nhà cửa ruộng vườn đã bán lấy tiền để chạy chữa cho họ nên không còn mảnh đất trú chân, chị bỏ quê lên thành phố thuê trọ. Không được ăn học tử tế để đi xin việc làm lại không có nhiều tiền làm vốn để mua bán làm ăn, chị bắt đầu đi lượm nhặt ve chai để bán kiếm tiền. Đói không dám ăn, bệnh không dám uống thuốc để chắt chiu tiền đóng tiền nhà nhưng đến tháng chị cũng không đủ tiền đóng.

Chủ trọ thương tình chị cho chậm trễ mấy lần nhưng được vài tháng chị cũng phải dọn ra ngoài vì chủ trọ không thể cho chị thiếu nữa. Chị bắt đầu lang thang sống như một kẻ bụi đời. Chị có làn da đen nhẻm xấu xí, răng hô ố vàng, đôi mắt lé kim. Dù không có nhan sắc nhưng chị cũng là đàn bà, mấy tên nghiện để ý chị. Một đêm vắng ít người, bọn chúng bắt cóc chị lôi đến khu nhà hoang nhưng chưa kịp làm chuyện sằng bậy thì bọn chúng đụng phải người đàn ông mình đầy xăm trổ, người đàn ông tay cầm dao găm chỉ về phía đám con nghiện hù dọa.

“Bọn mày thử chạm vào người cô ta xem, tao cho tụi bay đi đời nhà ma hết. Thằng từng đi tù vì tội giết người như tao thì đéo sợ cái gì nữa”.

Một tên nghiện trong nhóm nhận ra người đàn ông kia không nói dối nên bọn chúng sợ hãi bỏ đi mà chưa kịp làm gì chị.

Chị sợ hãi co người lại ánh mắt dè chừng nhìn người đàn ông.

Gã bước đến gần giọng ồ ồ hỏi.

“Nhà mày ở đâu?”.

Chị lắc đầu rồi chỉ tay vào họng mình lắc tay. Hóa ra chị bị câm không nói được.

Đó là lần đầu tiên chị và gã gặp nhau.

Không biết giữa chị và gã có sợi dây duyên nợ mà người đời hay bảo không. Chỉ vài ngày sau chị lại gặp hắn lần nữa.
Chị đang nhặt mớ rau củ mà sau buổi họp chợ các tiểu thương vứt bỏ vì có phần hư hỏng. Chị nhặt về lựa lại rồi nấu ăn cho qua bữa. Chị đang loay hoay nhặt nhạnh thì bên tai nghe tiếng người ta la oai oái phía cửa chợ.
“Con cái nhà ai mà vứt ở đây vậy nè. Con của ai lại nhận dùm đi, thằng nhỏ khóc quá”.

Tiếng bàn tán ngày càng lan rộng chị nghe tiếng được tiếng không, nhưng cũng không quan tâm mấy. Cho đến khi chị đi gần đến chỗ mọi người đang xúm tụm, chị dừng bước chân bởi tiếng khóc trẻ con nghe đứt ruột mà không người nào chịu dỗ được đứa nhỏ. Chị bước đi được hai bước rồi vòng lại len vào bên trong, chùi tay vào áo rồi bế đứa bé lên mỉm cười nhìn nó âu yếm. Chị không nói được nên chỉ có thể vừa cười vừa đung đưa đứa nhỏ trên tay. Vậy mà đứa nhỏ lại nín khóc hẳn, nó nhìn chị lơm lơm.

“Bà câm mà dỗ được đứa nhỏ không khóc nữa kìa. Có khi nào là con của bà không?”.

Chị nghe người ta bảo đứa nhỏ là con chị thì thảng thốt đặt đứa nhỏ lại lên mặt đất, lắc đầu nguầy nguậy với mọi người.

“Tránh ra coi, mấy bà làm gì con tao. Tao chém chết hết bây giờ”.

Người đàn ông dùng chai rượu xua đuổi đám người rồi bước đến gần đứa nhỏ, gã đút bình sữa vào miệng đứa nhỏ như một việc quen thuộc.

Hóa ra đứa nhỏ là con của người đàn ông. Gã vừa đặt tạm đứa nhỏ ở trước cửa hàng tạp hóa rồi đi tìm nơi pha nhờ bình sữa.
Chị bán tạp hóa từ nhà vệ sinh bước ra cũng khẳng định với mọi người đứa nhỏ thật sự là con của người đàn ông. Thỉnh thoảng cha con họ có ghé qua cửa hàng tạp hóa của chị để mua tã và sữa, bởi vì chỉ thường đến vào tối muộn nên người ở chợ, ngoài chị thì không ai biết.

Đứa nhỏ uống xong bình sữa lại khóc nức nở cũng không biết vì lý do gì. Người đàn ông dỗ mãi cũng không được. Chị câm cũng xót đứa nhỏ dù vừa gặp mặt chưa được bao lâu. Chị vỗ vai gã rồi chỉ vào mình. Gã bất ngờ khi gặp chị ở chỗ này nhưng tiếng khóc của đứa nhỏ làm gã cũng bắt đầu lo lắng rối rắm. Gã đưa đứa bé cho chị, kỳ lạ thay nằm trong tay chị đứa nhỏ im bặt, dừng hẳn tiếng khóc còn thiu thiu ngủ.

Gã nhìn chị rồi bảo nếu chị không chê bai thì về sống cùng cha con gã. Vợ gã vì không chịu được cực khổ nữa nên đã vứt đứa nhỏ cho gã rồi bỏ đi biệt tăm mấy tháng chưa từng trở lại thăm cha con gã. Chị thương đứa nhỏ nên cũng gật đầu đồng ý.

***

Chị theo gã về căn nhà lụp xụp cuối con hẻm này cũng đã hơn nửa năm. Đứa nhỏ con gã từ chưa biết nói nay đã biết bập bẹ kêu chị là mẹ. Lúc đầu về sống chung, gã cũng chưa dở thói vũ phu với chị, nhìn gã là đàn ông nhưng chăm sóc đứa nhỏ chu đáo không thua phụ nữ nên chị dần cảm động rồi nảy sinh tình cảm với gã. Chị ăn nằm với gã như vợ chồng. Gã chạy xe ôm còn chị ở nhà giữ con. Tiết kiệm dành dụm cũng sống được qua ngày.

Những tưởng hạnh phúc đã đến với chị, nào ngờ một đêm giông gió, gã bị tai nạn giao thông. Tai nạn làm gã mất đi khả năng lao động, vì một chân của gã đã bị tàn phế. Kể từ đó, để có tiền nuôi gia đình, chị đi làm lại nghề cũ còn việc trông con giao lại cho gã. Từ ngày bi kịch xảy ra, gã uống rượu nhiều hơn trước, cũng thường xuyên la mắng và đánh đập chị. Mấy người bạn ve chai nhìn thấy những vết bầm tím trên người chị thì khuyên chị đừng về ngôi nhà đó nữa. Chị chịu khó chịu khổ đi kiếm tiền về nuôi con riêng của gã và nuôi cả gã. Gã không biết mang ơn, biết thương chị còn hành hạ chị. Vậy thì còn trở về ngôi nhà đó để làm gì.

Mọi người không biết rằng, chị có nỗi khổ riêng của chị. Chị có thể bỏ gã nhưng chị lại không nỡ vứt bỏ đứa nhỏ. Dù không phải núm ruột của chị nhưng ở cạnh chăm sóc bao lâu, mùi của đứa nhỏ đã in sâu vào tiềm thức của chị. Chị không buông bỏ được. Gã từng cho chị một gia đình hạnh phúc, dù bây giờ chỉ còn là những mảnh vỡ nhưng chị cũng không muốn buông bỏ. Vì những lúc tỉnh táo không say gã đối xử với chị cũng còn tử tế lắm. Có lẽ cái chân què đã đánh thức con người thô bạo trong gã, đàn ông lại phải ở nhà chăm con chờ vợ về nuôi thì mấy thằng không nổi điên với số phận. Nhưng không biết vì sao chị vẫn có niềm tin rồi chị sẽ tìm lại hạnh phúc lần nữa với gã.

***

Hôm nay chị nhặt được nhiều ve chai, bán được kha khá tiền nên mua ít thịt về làm bữa cơm ngon cho hắn. Thế nhưng từ đầu ngõ chị đã ngửi được mùi thơm của thức ăn, bụng chị đang đói càng cồn cào thêm. Đi đến gần nhà chị mới rõ là mùi lan ra từ nhà của chị “Vào rửa tay rồi ra ăn cơm, hôm nay tao sửa xe cho chị tám, bà trả công cho tao con gà”.

Gã vừa đút từng muỗng cháo cho đứa nhỏ đang ngồi chơi vừa nói với chị.

Sáng nay khi gã đang ngồi uống rượu trước cửa nhà thì chị tám dắt xe đi ngang, chị lườm gã rồi nói bóng gió bảo phước đức tám đời mới được người phụ nữ chấp nhận chịu khổ vì gã, nếu là chị ta thì đã bỏ đi từ lâu. Mấy lời của chị tám đột nhiên thức tỉnh gã.
Chị khẽ cười rồi đi nhanh vào trong nhà. Đối với chị hôm nay là bữa cơm ngon nhất từng ăn và chị có cảm giác hạnh phúc trở về với chị rồi.

Kể từ hôm ấy, gã mở tiệm sửa xe chồm hổm trước ngõ hẻm. Nhiều người thương đưa xe đạp đến cho gã sửa chữa nên cũng kiếm được chút tiền. Và cũng từ lúc đó gã cũng không còn đánh đập chị như trước nữa.

Trong căn nhà lụp xụp cuối con hẻm nay đã có tiếng cười của trẻ con hòa cùng tiếng cười của đôi vợ chồng.

Truyện ngắn: Võ Thị Tuyết Luôn

Tin cùng chuyên mục