Thông điệp về văn chương cho thiếu nhi

- Cuốn sách “Con mèo của Foujita” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng do Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành tháng 1-2020 là tuyển tập những tác phẩm văn học chọn lọc của nhà văn viết cho lứa tuổi 12+. Với bút pháp chân thực, cách nhìn mới lạ, mỗi tác phẩm của ông đã để lại ấn tượng sâu sắc cho độc giả, nhất là độc giả nhỏ tuổi.

Cố nhà văn Nguyễn Quang Sáng là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1957, Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam khóa 4, Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh khóa 1, 2, 3. Trong cuốn sách, bạn đọc được thưởng thức 20 truyện ngắn, chia làm 2 phần: Bài học tuổi thơ và Thế võ. Đặc biệt, người đọc được gặp lại cô con gái nhỏ không nhận ba sau nhiều năm người cha đi kháng chiến với vết thẹo dài trên mặt trong truyện ngắn nổi tiếng “Chiếc lược ngà”. Nhưng khi nghe ngoại kể, cô bé đã hiểu ra và nhận ba. Tuy nhiên, cũng chính là lúc ba cô phải lên đường tiếp tục nhận nhiệm vụ mới. Để rồi, người cha đã phải gạt nước mắt tạm xa đứa con nhỏ và tin ngày thống nhất sẽ về... Sau đó, người cha hy sinh, cô con gái tên Thu lớn lên và trở thành cô giao liên dũng cảm. Trong một lần đưa các chiến sỹ qua sông, cô gặp được người bạn thân của ba và nhận được quà tặng là chiếc lược ngà do chính tay ba cô làm.

Các bạn đọc nhỏ tuổi còn được lạc vào thế giới của những câu chuyện ngộ nghĩnh như: Con mèo và chú bé lười, Bài học tuổi thơ, Thằng bé bị đi xa… Mỗi câu chuyện là những bài học nhỏ, giúp người lớn hiểu hơn về những suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của trẻ thơ, còn trẻ thơ tự ngẫm lại để rút kinh nghiệm, tự tin và trưởng thành hơn. Truyện ngắn “Con mèo và chú bé lười” nói lên sự hoán đổi thú vị giữa chú bé lười tên Hùng và con mèo. Con mèo được trở thành người làm chú bé lười nhưng lại rất chăm chỉ học hành, biết giúp đỡ bố mẹ, thầy cô, được bạn bè yêu quý. Còn chú bé lười cứ nghĩ làm mèo suốt ngày được ngủ, được cho ăn thì thật sướng, nhưng khi trở thành mèo rồi mới cảm thấy buồn chán, lo sợ và nhớ trường, nhớ lớp. Cuối cùng, cái kết thật bất ngờ, chú bé lười và cả con mèo đều được ông Táo biến trở lại “thành hai đứa bé bằng nhau, đứa trai đứa gái” cùng tung tăng hát ca trên đường đến trường.

Qua những truyện ngắn của nhà văn viết cho thiếu nhi, người đọc còn cảm nhận được tình yêu thương, sự gắn bó và thấu hiểu của ông đối với các em nhỏ. Đúng như thông điệp nhà văn đã gửi gắm trong một truyện ngắn của mình: “Có người nói với tôi, khi mình viết về trẻ em, cho trẻ em, mình phải hạ xuống bằng trẻ em. Tôi lại nghĩ khác, khi viết về trẻ em, cho trẻ em, không phải hạ mà là nâng mình làm sao cho bằng các em, nhất là tâm hồn…”.

Huyền Linh

Tin cùng chuyên mục