“Điểm danh” truyện tranh lịch sử Việt
Phổ cập lịch sử bằng những hình thức kể hấp dẫn mang lại hiệu quả lớn không ngờ. Nắm bắt điều này, khoảng chục năm qua, một số đơn vị làm sách tung ra thị trường những bộ truyện tranh lịch sử dễ nhớ, khó quên dành cho độc giả nhỏ.
Nhận thấy sức hút từ những câu chuyện kể về danh nhân nước Việt qua những truyện dài, tiểu thuyết đã ra mắt độc giả, Nhà xuất bản Kim Đồng xây dựng tủ sách Tranh truyện lịch sử Việt Nam với gần 30 đầu sách, gửi tới bạn đọc nhỏ tuổi câu chuyện về các tên tuổi lịch sử như Đinh Bộ Lĩnh, Mai Thúc Loan, Phùng Hưng, Ngô Quyền, Ỷ Lan... Không đặt nặng tính tư liệu nhưng sách luôn bảo đảm tôn trọng tính xác thực của lịch sử, góp phần bồi đắp tình yêu của thiếu nhi với lịch sử dân tộc.
Bộ sách Lịch sử Việt Nam bằng tranh của Nhà xuất bản Trẻ tuy “sinh sau đẻ muộn” nhưng rõ tính bao quát khi phản ánh đất nước và con người Việt Nam theo tiến trình lịch sử. Bộ sách được phát hành với hai hình thức: Bộ dày gồm 8 tập, chia theo từng giai đoạn phát triển đất nước; bộ mỏng gồm 50 tập - “dựng” theo nhân vật, sự kiện hoặc vấn đề tiêu biểu. Cuối các cuốn sách thường có phần phụ lục giới thiệu hiện vật, dấu tích hay tài liệu tham khảo có liên quan. Nhiều tập sách đã được tái bản đến 25 lần, cho thấy sự quan tâm của độc giả đến dòng truyện tranh lịch sử.
Với quan niệm lịch sử Việt Nam không chỉ có các danh tướng mà còn có nhiều vị danh hiền, văn tài góp phần bảo vệ giang sơn xã tắc, bình trị thiên hạ, giữ gìn chính khí quốc gia, Đông A Books xây dựng bộ sách Hiền tài nước Việt gồm 10 cuốn truyện tranh về các danh nhân nước Việt xưa với phần lời của nhà báo, nhà văn Lê Minh Quốc và phần tranh của Phạm Ngọc Tuấn. Là đơn vị chú trọng đầu tư cho dòng sách lịch sử, trong đó có truyện tranh lịch sử, ngoài bộ sách Hiền tài nước Việt, Đông A Books còn cho ra mắt bộ truyện tranh Hào khí Đông A với tranh của Kim Duẩn và lời của nhà báo, nhà văn Lê Minh Quốc.
Một số đơn vị làm sách khác cũng tham gia vào thị trường truyện tranh lịch sử, tuy nhiên, ít để lại được dấu ấn, chưa kể một số đầu sách bị sạn như chi tiết gây phản cảm, thiếu độ tin cậy về mặt lịch sử...
Mong đợi những bộ sách được đầu tư công phu
Truyện tranh lịch sử Việt Nam thu được thành công nhất định. Tuy nhiên, khi yêu cầu của bạn đọc ngày càng nâng cao, khi thị trường sách ngày càng sôi động với nhiều bản sách hay, sách đẹp xuất hiện thì dòng truyện tranh lịch sử cũng cần được đầu tư kỹ lưỡng hơn.
Truyện tranh lịch sử chỉ thực sự hấp dẫn khi yếu tố lời thật súc tích, yếu tố tranh phải khiến người đọc cảm thấy “mãn nhãn”. Hiện nay, nhiều sách có lời kể dài, thoại gượng ép, nhiều đoạn thơ chưa đủ sức lôi cuốn trẻ em. Một số bộ truyện chưa có sự nhất quán về phong cách vẽ chung; cỡ chữ còn nhỏ so với đối tượng bạn đọc là trẻ em, có truyện dùng phông chữ in hoa toàn bộ, làm rối mắt, khó đọc...
So sánh với một số bộ liên hoàn họa của Trung Quốc được xuất bản ở Việt Nam như Tam quốc diễn nghĩa, Thủy hử, Hán Sở diễn nghĩa, thấy rõ sự nhất quán trong lối vẽ nhân vật của các bộ truyện này - dù được các họa sĩ khác nhau thể hiện. Chính điều đó tạo nên phong cách riêng cho bộ truyện. Hơn nữa, mỗi trang truyện khá “kiệm lời”, những câu từ xuất hiện đều “đắt”, giúp phần nội dung cô đọng nhưng vẫn đủ mạch lạc, hấp dẫn. Nhiều bộ sách có hộp đựng, bản đồ tặng kèm, chữ ký tác giả - dịch giả - họa sĩ; có các phiên bản bìa cứng, bìa mềm để đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng độc giả.
Vẫn biết mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng cũng cần nhìn ra xa để thấy rằng, nếu được lưu tâm đầu tư công phu hơn ở tất cả các khâu, từ biên tập, thiết kế đến quảng cáo, giới thiệu thì truyện tranh lịch sử Việt Nam là mảnh đất còn rất nhiều tiềm năng để các nhà làm sách khai phá. Một cuốn truyện tranh mỏng, nhẹ, đẹp, không quá đắt tiền, dễ đọc lại bổ ích chắc chắn sẽ được nhiều phụ huynh lựa chọn cho con em mình.
Đầu tư phát triển dòng truyện tranh lịch sử một cách nghiêm cẩn là góp thêm một hướng đi đúng đắn hướng tới mục tiêu “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.
Gửi phản hồi
In bài viết