Các bạn trẻ đến tham quan Triển lãm ảnh Tuyên Quang xưa và nay được tổ chức tại thành phố Tuyên Quang.
Ảnh: Quang Hòa
Nhiếp ảnh nghệ thuật và sự thỏa mãn đam mê
Trong những năm qua, nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam được đánh giá có bước tiến mới khi gần đây nhiều nhiếp ảnh gia đã được xướng tên ở những cuộc thi nhiếp ảnh tầm quốc tế. Với nhiều giải thưởng cao, chất lượng nghệ thuật, kỹ thuật của tác giả Việt Nam cũng không thua kém gì tác phẩm của các nước. Tuy nhiên, điều các nhiếp ảnh gia nhận lại bên cạnh danh hiệu thì giá trị tác phẩm vẫn chưa thực sự tương xứng. Điều này thể hiện ở việc gần như không thể tìm được đầu ra cho tác phẩm, từ những bức đoạt giải thưởng quốc tế cho tới các giải thưởng trong nước.
Tại Tuyên Quang, nhiều tác giả lần lượt ghi danh trong các cuộc thi tầm Trung ương và quốc tế. Điển hình, tác phẩm Tấm thảm ngày mùa của tác giả Quang Minh đoạt Huy chương Đồng Cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế năm 2017; tác phẩm Được mùa của tác giả Lê Hồng Đức, trường Tiểu học Nhữ Hán (Yên Sơn) đoạt Huy chương Bạc cuộc thi Ảnh nghệ thuật quốc tế năm 2021... Với nhiều giải thưởng xuất sắc tại các cuộc thi ảnh quốc tế, nghệ sỹ nhiếp ảnh xứ Tuyên đang dần định vị thương hiệu trong làng nhiếp ảnh nước nhà.
Tuy nhiên, cũng nằm trong tình trạng chung, nhiều nghệ sỹ nhiếp ảnh chỉ theo nhu cầu thỏa mãn đam mê cá nhân, mang tính lãng mạn. Các tay máy bỏ tiền ra đầu tư thiết bị và bỏ nhiều công sức chụp ảnh nhưng “đứa con tinh thần” lại không có người mua. Hầu hết các nhiếp ảnh gia đang chơi ảnh hơn là quan tâm tới việc bán mua tác phẩm. Ảnh triển lãm nhóm, triển lãm cá nhân rồi đến các bức ảnh giành giải quốc tế và trong nước mới dừng lại trong khuôn khổ của sự kiện. Sau triển lãm là cất vào kho hoặc để đăng tải mạng xã hội.
Tác phẩm “Người Dao Cổng Đá” của Lê Đức.
Theo nghệ sỹ nhiếp ảnh Nguyễn Chính thì so sánh với một số loại hình nghệ thuật như mỹ thuật, thì đầu ra cho các tác phẩm nhiếp ảnh hiện nay rất hạn chế. Tác phẩm nhiếp ảnh ít khi được bán với giá trị cao, có chăng, các tác giả chỉ bán được tác phẩm qua những mối quan hệ cá nhân để trang trí, làm quà tặng, đăng báo, tạp chí... nhưng không thường xuyên.
Có một thực tế, nhiều cá nhân sử dụng, hay thậm chí tự ý lấy trên mạng rồi vô tư dùng cho công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch, hay trang trí ở gia đình... vẫn diễn ra thường xuyên. Thực trạng này làm ảnh hưởng rất lớn đến tâm huyết nghề nghiệp của các tác giả, khiến họ chỉ xem đây là một sân chơi và cũng không dám chọn nhiếp ảnh là nghề chính để mưu sinh và nuôi sống gia đình.
Thị trường nhiếp ảnh
Trên thực tế, việc buôn bán các tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật ở Việt Nam không hề mới, nhưng hiện nay chỉ có rất ít các nhiếp ảnh gia, gallery (nhà trưng bày nghệ thuật) hay triển lãm đang thực sự thúc đẩy việc này một cách chuyên nghiệp.
Nghệ sỹ nhiếp ảnh Quang Minh chia sẻ, khác với nhiều loại hình nghệ thuật có thể định giá thực tế một cách tương đối, nhiếp ảnh cho đến nay vẫn thật khó “cân đong đo đếm”, cho nên ở Tuyên Quang nói riêng hay cả nước nói chung thì vẫn chưa hề có thị trường nhiếp ảnh rõ ràng. Với những nghệ sỹ, ngoài việc sáng tác thỏa mãn đam mê thì việc bán tác phẩm vẫn còn rất hạn chế, còn công chúng thì lại đang thiếu những “kênh” thông tin để tiếp cận các giá trị nghệ thuật nhiếp ảnh. Tiềm năng rất lớn nhưng chúng ta đang thiếu một thị trường ảnh phát triển, minh bạch và chưa có đủ không gian để kích thích tiềm năng ấy.
Tác phẩm "Trong nắng" của Hà Ngọc Hà.
Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... hiện nay có một vài gallery ảnh. Tuy nhiên, ảnh nghệ thuật được bán kèm với mặt hàng lưu niệm cho du khách. Nhiều nhiếp ảnh gia cho rằng, cách làm này giúp đơn giản hóa quy trình giao dịch và tạo nguồn thu cho tác giả nhưng về lâu dài sẽ làm giảm giá trị của tác phẩm.
Nhìn nhận về thực trạng này, nhiếp ảnh gia trẻ Lê Đức bày tỏ, hiện tại nhiếp ảnh chưa đưa đủ thông tin cho người chơi hiểu được giá trị thực sự của một tác phẩm in. Vậy nên rất khó để thuyết phục một người bình thường không biết gì về nhiếp ảnh bỏ tiền mua một tác phẩm nhiếp ảnh. Hiện nay, tại Tuyên Quang cũng như ở các địa phương khác chúng ta chưa hề có thị trường rõ ràng cho nhiếp ảnh. Hầu hết tác phẩm do nghệ sỹ yêu thích rồi tự chụp, tự in ấn mang đi tặng hoặc bán một cách tự do cá nhân chứ chưa có môi trường vận hành chuyên nghiệp, vạch rõ hướng đi cho tác phẩm.
Chụp ảnh đẹp là một chuyện, bán được ảnh là câu chuyện khác. Một bên là sáng tác nghệ thuật, một bên là thương mại. Rõ ràng, tiềm năng nhiếp ảnh rất lớn nhưng chúng ta đang thiếu một thị trường ảnh, chưa tạo được không gian để tạo đà phát triển. Việc từng bước hình thành được thị trường ảnh chuyên nghiệp sẽ góp phần nâng cao giá trị tác phẩm. Từ đó giúp nghệ sỹ sống được với nghề, hết mình “cháy” cho đam mê nghệ thuật.
Gửi phản hồi
In bài viết