Như tằm nhả tơ

- Bước chân vào thế giới văn chương khá muộn, nhưng điều ấy không làm ông Đinh Minh Sơn, tổ 5, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) phiền lòng. Cần mẫn, chắt chiu từng câu chữ, ở cái tuổi lục tuần, ông vẫn như con tằm, rút ruột nhả những sợi tơ óng ả, làm thành những tác phẩm thơ, truyện, bút ký nhiều người ưa thích.

Cây bút rẽ ngang

Ông Đinh Minh Sơn vốn là thợ cơ khí. Ông bảo, cả cuộc đời mình tay kìm tay búa là thợ bậc 7/7 khi nghỉ chế độ từ  Nhà máy cơ khí Z113. Ông thích thơ văn từ thời còn trẻ. Ngày còn trẻ, anh công nhân Đinh Minh Sơn cũng là Bí thư chi đoàn. Mỗi dịp lễ tết, nhà máy tổ chức làm báo tường, vận động công nhân trong nhà máy không được, mình anh công nhân trẻ này “cân” đủ mọi việc: Từ thiết kế, họa sĩ đến sáng tác thơ, văn.

Sau này, khi nghỉ chế độ, có nhiều thời gian, ông Sơn tìm đọc lại các tác phẩm nổi tiếng một thời như “Góc sân và khoảng trời” của Trần Đăng Khoa, Mẫn và tôi, Nhãn đầu mùa, Thép đã tôi thế đấy... Từ yêu thích, ông mê chữ nghĩa lúc nào không hay.

Căn gác xép trở thành nơi sáng tác của ông Đinh Minh Sơn.

Căn gác xép trên tầng 2 trở thành “căn cứ địa” của người đàn ông này. Những cuốn sổ tay dầy dần những vần thơ, trong đó chủ yếu là thơ cho thiếu nhi. Ông bảo, nhiều người nghĩ sáng tác thơ cho thiếu nhi đơn giản, nhưng thật ra không phải thế. Thơ cho thiếu nhi, nghĩa là người viết phải đặt mình vào vị trí của trẻ, để nói lên tiếng nói của chúng. Ngôn ngữ giản dị, câu từ ngắn gọn nhưng phải có âm thanh, vần điệu trong đó. Sau mỗi vần thơ, là một bài học nhẹ nhàng, nắn nót, để con trẻ hiểu được tiếng lòng của mình mà ngâm nga theo.

“Khoảng rừng xanh bao la
Ông trồng ở vườn nhà
Nay xum xuê anh khế
Bốn mùa quả la đà
 
Ông si già sung sức
Uốn mình qua hòn non
Chị sung cõng đàn con
Lom khom soi đáy nước...”.

Ông Sơn đọc cho khách nghe mấy đoạn thơ trong bài thơ “Vườn cảnh” - tác phẩm đạt giải Khuyến khích cuộc thi sáng tác thơ cho thiếu nhi do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức năm 2018. Ông khoe, đây là một trong những tác phẩm đầu đời và may mắn, được ghi nhận. Nó như một món quà, là động lực để ông tiếp tục với sự nghiệp cầm bút của mình.

Bông hoa nở muộn

Năm 2017, ông Đinh Minh Sơn được kết nạp vào Hội Văn học nghệ thuật tỉnh. Ông được tham gia các trại sáng tác, được gặp gỡ các nhà văn, nhà thơ lớn của trung ương và của tỉnh. Vì là cây bút rẽ ngang, nên ông trân trọng những cơ hội này lắm. Chuyến thực tế trại sáng tác nào, ông cũng viết, cũng sáng tác, rồi nhờ những nhà thơ, nhà văn kỳ cựu như nhà văn Đinh Công Thủy, Tạ Bá Hương... đọc, góp ý và sửa lại. Những từ, những câu được góp ý, được sửa lại, ông nhớ như in, và vô cùng biết ơn người dụng công trau chuốt lại cho mình.

Cứ thế, vừa viết, vừa học, vừa trau dồi, 2 năm nay, ông Sơn tự nhận là thời điểm bút lực mình dồi dào nhất. Và đây cũng là thời điểm, các tác phẩm thơ, truyện ngắn, bút ký... được ghi nhận bằng chính những giải thưởng mà Hội Văn học nghệ thuật trao tặng.
Đinh Minh Sơn viết cũng giống như sống cuộc đời của mình. Từng là trưởng thôn, Bí thư chi bộ 15 năm, là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ của phường... mỗi chuyến đi, mỗi cảnh đời, đều là mảnh đất màu mỡ để ông sáng tác.

Như tác phẩm bút ký “Dòng nước mắt” được Hội Văn học nghệ thuật trao giải Ba cuộc thi bút ký với chủ đề về “Đất và người Tuyên Quang trong công cuộc đổi mới” năm 2020, ông viết khi cùng với Hội Chữ thập đỏ của tỉnh về trao tặng xe lăn cho một người phụ nữ không may bị hoại tử chân ở xã Nhân Lý (Chiêm Hóa). Giấc mơ được ngồi xe lăn, chạy trên đường làng trước khi rời cõi tạm của người phụ nữ này cũng là nguồn cảm hứng để ông viết bài thơ Ân tình nhỏ bé:

“Ngược Chiêm Hóa anh đến quê em
Bên dòng sông một màu xanh biếc
Giữa sườn non ngôi nhà thân thiết
Khói lam chiều phủ kín bản nương
 
Cuộc sống em chỉ tính tháng ngày
Ước mơ cuối cùng xe lăn nhỏ bé
Để sớm chiều ra hè ngắm núi
Ngắm dòng sông, vạt lúa, nương khoai...”

Từ thơ, bút ký, Đinh Minh Sơn dần lấn sân sang truyện ngắn. Những truyện ngắn như Bến đỗ bình yên, Trưởng thôn được ông chắt chiu từ chính cuộc đời của mình, từ chính những thân phận người mà ông gặp...

“Hắn vui lắm. Không vui làm sao được, vì hôm nay trong buổi giao ban ở xã, thôn Cây Quýt của hắn được biểu dương trước toàn hội nghị, mà trong đó có cả đại biểu của huyện về dự, thế mới oai chứ (...). Bao con mắt đổ dồn về phía hắn tỏ vẻ khâm phục làm hai cánh mũi của hắn tự nhiên cứ phập phồng. Hắn phải lấy tay vuốt từ trán xuống, ra vẻ rất bình thường, nhưng mục đích là để trấn an cái mũi”. (Truyện ngắn Trưởng thôn đăng trên Tạp chí Văn học nghệ thuật năm 2022).

Đinh Minh Sơn giờ sở hữu gần 100 bài thơ và nhiều truyện ngắn. Dự định của ông là năm 2023, sẽ in tập thơ đầu tay Quê mẹ và tập truyện ngắn Bến đỗ bình yên, như một món quà dành tặng chính mình.

Ông bảo, giờ mình cũng như con tằm nhả tơ. Không cần phải lên gân hay cầu kỳ kiểu cách, nhưng đằng sau mỗi con chữ là cả một con tim dạt dào tình yêu cuộc sống, sự khắc khoải đau đáu với đời. Viết như một cách để bày tỏ lòng biết ơn của ông với con người, với cuộc đời này vậy!.

Trần Liên

Tin cùng chuyên mục