Tranh hổ của họa sỹ Mai Hùng

- Trước một mùa xuân mới họa sỹ Mai Hùng, nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh có thói quen vẽ linh vật của năm để ghi dấu ấn và khởi tạo cho những tác phẩm mới. Đến nay, họa sỹ đã vẽ gần đủ bộ 12 con giáp. Bức tranh “Hổ Nhâm Dần” của họa sỹ Mai Hùng vẽ mới đây cho người xem nhiều cảm xúc.

Họa sỹ Mai Hùng.

Hổ trong tranh của họa sỹ Mai Hùng ở tư thế hổ ngồi. Thể hiện vị trí của người chủ. Hổ ngồi trên tán lá rừng thể hiện sự uy nghiêm của chúa sơn lâm. Người chủ thực sự của rừng theo nghĩa đen và chủ đất nước theo nghĩa rộng. Về phong thủy hổ mệnh hỏa, rừng là mộc, mộc dưỡng hỏa tạo sự sinh sôi phát triển. Sau lưng hổ là cờ hội thể hiện truyền thống văn hóa dân tộc. Sự an vui, phấn khởi, khắp nơi tưng bừng mở hội trong xuân mới.

Họa sỹ Mai Hùng cho biết, ở Việt Nam không có họa sỹ chuyên vẽ hổ. Mà thường vẽ hổ gắn với con giáp. Hổ xuất hiện nhiều nhất vẫn là ở dòng tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống với các biểu tượng nhất hổ, ngũ hổ. Các cụ xưa nghiên cứu đề tài đó rộng lắm liên quan đến thuyết ngũ hành “kim - mộc - thủy - hỏa -thổ”. Ông tự nhận cũng không phải là người vẽ nhiều về hổ. Năm qua, phải nói cả nước phải “gồng mình” vượt qua khó khăn, thử thách, chiến đấu với đại dịch Covid-19. Họa sỹ tin vào năm hổ sẽ có nhiều sức mạnh để đẩy lùi dịch bệnh.

Nhìn tranh hổ của họa sỹ Mai Hùng không quá hung dữ, nhe nanh, giơ vuốt, săn mồi mà vẫn thể hiện được sự uy lực, người làm chủ. Hổ của ông cười, thân thiện, không dọa nạt. Đó là thông điệp tranh “Hổ Nhâm Dần” muốn chuyển tải mình là chúa sơn lâm, cần bảo vệ và giữ rừng tốt. Tuyên Quang hiện nay đang là tỉnh tốp đầu về độ che phủ của rừng, chiếm trên 65% diện tích tự nhiên. Trong đó, hàng trăm nghìn ha rừng nguyên sinh đặc dụng có độ đa dạng sinh học cao về hệ động, thực vật cần được bảo tồn và phát huy. Phải gắn cảnh sắc thiên nhiên với bản sắc dân tộc, hổ thân thiện để chào đón bạn bè du lịch đến Tuyên Quang.

Tranh hổ Nhâm Dần của họa sỹ Mai Hùng.

Từ xưa đến nay tranh hổ thường được sử dụng ở nhiều nơi như công đường, võ đường, các gia đình quyền quý. Trong dân gian thì nhân dân treo tranh hổ vào dịp Tết để xua đuổi cái xấu, tà ma, tạo vượng khí cho gia chủ. Theo quan niệm, hổ là biểu tượng của phẩm giá, danh dự, sức mạnh, lòng nhiệt huyết và quả cảm. Nhắc đến hổ là chúng ta nghĩ ngay đến sức mạnh vượt trội, thủ lĩnh. Nhờ những đặc điểm, tranh hổ treo tường có nhiều ý nghĩa đặc biệt được nhiều gia đình ưu tiên lựa chọn.

Hổ là chúa sơn lâm, loài vật mạnh mẽ, thủ lĩnh của muôn loài. Hình ảnh con hổ tượng trưng cho sức mạnh và địa vị cá nhân và dòng tộc. Hổ còn được làm hình ảnh trong quân sự hay khoa cử, làm tượng trong các công trình kiến trúc, đình miếu hay trên áo vua chúa, quan lại. Chúa sơn lâm còn được dùng làm biểu tượng bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ cho gia đình, thậm chí còn thờ hổ như là thần hộ mệnh. Hổ còn được diễn tả ở người có tính cách kiên trì, kiên nhẫn ẩn náu và biết “vồ” lấy thời cơ để có được thành công. Theo quan niệm, tượng trưng cho sự thành công và thành đạt, người thành công thường được ví với hình ảnh “mãnh hổ”.

Hổ có nhiều tên gọi khác nhau như cọp, hùm, chúa sơn lâm, ông ba mươi. Trong tranh “Hổ Nhâm Dần” họa sỹ Mai Hùng đã dùng nhiều gam màu nổi bật để thể hiện “thần thái” của hổ của mùa xuân mới. Mùa xuân của an khang, thịnh vượng, sức khỏe, an lành và hạnh phúc.

Quang Hòa

Tin cùng chuyên mục