Cuốn sách Tết xưa thơ bé.
16 câu chuyện nhỏ được tác giả kể lại là những ký ức đẹp đẽ của tuổi thơ khi được đón Tết bên gia đình. Trong đó có hình ảnh của bà, của mẹ tất bật lo toan cho ngày Tết được tươm tất, đủ đầy; những người bạn hàng xóm với niềm vui, sự háo hức khi ngày Tết đang cận kề; rồi niềm vui khi được mẹ mua quần áo mới, giày dép mới để diện Tết; tâm trạng hồi hộp khi trông nồi bánh chưng cùng các anh, chị… Tất cả được miêu tả tỉ mỉ, chi tiết với giọng văn nhẹ nhàng, giúp người đọc lớn tuổi sẽ cảm thấy ít nhiều có tuổi thơ của mình trong đó, còn đối với bạn đọc nhỏ tuổi sẽ hiểu hơn về Tết xưa, những phong tục, tập quán tốt đẹp của Tết cổ truyền vẫn còn mãi đến ngày nay.
Trong “Tết xưa thơ bé”, bạn đọc sẽ cảm nhận được những khó khăn của một thời. Ai cũng biết Tết là lo toan, nhưng ngày xưa thiếu thốn, sự lo toan càng rõ ràng hơn trong mỗi gia đình. Việc để sắm một tấm áo mới cho con cũng phải cân nhắc, tiết kiệm chỗ này, chỗ kia. Và kết quả là chị có áo mới thì em có quần mới, chẳng mấy khi được đủ bộ. Nhưng niềm vui của con trẻ cũng chính là niềm vui của người lớn nên “Nhiều lúc mẹ thầm cảm ơn trời vì nếu như không có niềm vui sắm Tết cho con thì có lẽ Tết với người lớn chỉ còn những lo toan” và “niềm vui của trẻ con mới là thứ quý giá nhất trên đời”.
Tác giả còn kể lại những phiên chợ Tết quê, khi mà mỗi người, mỗi nhà chỉ cần có gì có thể bán được đều đem đến chợ để trao đổi, mong kiếm được thêm đồng nào sắm Tết cho cả nhà. Bởi “người lớn đi chợ Tết để bán mua, để buồn vui lo lắng về giá cả leo thang hay những món cần sắm không được ưng ý”. Còn ngược lại, trẻ con lại háo hức và cảm nhận rõ nét hơn không khí Tết từ những món quà bánh quen thuộc nhưng ít khi ngày thường có được như: Táo chua chấm muối ớt, bóng bay hình con thỏ, con tò he…
Đặc biệt, trong con mắt trẻ thơ, những cánh đào phai ngày Tết thật đẹp, đó là loại hoa đặc trưng ngày Tết miền Bắc, bởi trước đây chưa có nhiều loại cây chơi Tết như bây giờ, mỗi nhà cố gắng ít nhất có được cành đào phai là đã mang Tết về nhà “vẻ đẹp của cành đào toát ra từ thế rất tự nhiên, toát ra từ những bông hoa màu hồng nhạt như một người thợ pha màu rất khéo để cánh hoa như được trộn giữa sắc trắng và sắc hồng, đẹp mê man”… Và có lẽ, điều trẻ em mong nhất là được “phát vốn” - lì xì đầu năm và nhận được những lời chúc may mắn, mạnh khỏe, học tốt hơn trong năm mới, để mỗi mùa Xuân đến được hưởng niềm vui trọn vẹn hơn.
Gửi phản hồi
In bài viết