Dưới miệng Hùm

- Nhà văn Lan Khai (1906 - 1945) sinh tại Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) là tác giả tiêu biểu của văn học hiện đại Tuyên Quang đầu thế kỷ XX. Sau khi Báo Tuyên Quang Cuối tuần Xuân Nhâm Dần 2022 phát hành ngày 14-1-2022 đăng bài viết: "Lan Khai - Tác gia sừng sững"; nhiều bạn đọc mới biết ông là người Tuyên Quang. Để giúp bạn đọc hiểu thêm về văn tài của Lan Khai, Báo Tuyên Quang sẽ lần lượt giới thiệu tác phẩm của ông. truyện ngắn "Dưới miệng hùm" đăng trên báo Đông Phương, số 2 và 3, thứ hai ngày 12/12/1934) là một trong những tác phẩm như thế.

Hơn nửa tháng trời nay, dân Đèo Hoa - một động Mán chìm khuất giữa rừng - đã mất ăn mất ngủ vì nạn cọp. Tình thế ấy nếu như thế mãi, có lẽ xóm con nọ, chẳng bao lâu sẽ bị tàn phá hẳn vì không những con hùm yêu nghiệt đã bắt dê, bắt lợn, ngay đến người nó cũng không từ.

Theo lời các già lão thì cổ lai chưa từng thấy con hùm nào ranh mãnh, táo tợn như thế bao giờ. Dễ thường nó là tay sai của Sơn Thần, vì dân có điều chi lầm lỗi, cho ra để nó trừng phạt. Người ta tin như vậy nên đã mời thầy mo thầy bụt về cúng vái. Khốn thay! Những cuộc lễ tốn kém ấy chỉ thêm nhiều tốn kém mà thôi.

Lắm kẻ bị thiệt thòi quá tức mình, nhất quyết trừ cho được con hùm tinh nọ. Cạm bẫy đặt thật nhiều, nỏ máy giương thật lắm, những cái phồng đào la liệt trên các lối có dấu chân nó đi. Mà lạ quá, con hùm như đoán rõ ý người hiểm độc, chẳng chịu vướng víu nơi nào. Bảo rằng đem súng bắn chết nó là tiện việc hơn hết nhưng, ngoài mấy khẩu hỏa mai, chẳng một người dân động nào có súng tốt cả. Huống hồ, trong động, những tay thiện xạ đã hiếm thì những kẻ gan góc lại càng thiếu hẳn.

Giữa lúc ấy, tôi tình cờ đến săn ở Đèo Hoa. Dân làng vì nghe tiếng tôi đã lâu, nay thấy mặt họ mừng rỡ đón rước tôi như một vị phúc tinh.

Nghe họ kể những thủ đoạn của con hùm quái ác, tôi lập tức khởi cuộc săn. Ban ngày, tôi đem súng đi vào khắp các nơi rậm rạp, hẻo lánh chung quanh động. Đêm đến, tôi phục ở những lối mà thổ dân bảo nó thường lai vãng. Nhưng, bực lạ, mình hễ chờ đợi ở nơi này là y như có tin báo nó ở nơi khác: gặp nhau kể thực khó lòng.

Tôi đã tốn công sắp đặt, tốn mưu thần chước quỷ để như nó, hết thảy đều vô ích. Như thế bảy đêm liền. Bảy đêm tài nghệ của tôi đã cạn, cạn nốt cả sự kiên quyết của tôi bấy lâu ai cũng chịu thua. Đã thế, trời lại đâm mưa lạnh, tôi đành bỏ cuộc, định mai về. Thì, chập tối hôm ấy, đang lúc dở bữa cơm, tôi bỗng thấy một anh trai Thổ chạy vào. Anh ta cho tôi hay rằng vừa lúc chiều, con hổ đã bắt mất một nái lợn của nhà ông chánh bá và tha ngược về lối Rừng Danh. Tôi căm tức con hùm ấy đã nhiều nên vừa nghe anh trai Thổ nói, tôi và vội bát cơm xong, lấy súng đạn đi ngay.

Muốn cho mau tới, Noọng Eng - Tên người trai Thổ - dẫn tôi theo con đường mạch qua rừng. Trời tối đen, lại thêm lối đi nhiều gai góc, chúng tôi lần mò hết đỗi khó khăn. Con dao săn tôi đeo bên cạnh mình cứ đập ngang vào chân tôi, có khi vướng cả vào bụi rậm, tôi phải thắt gọn lại sau lưng.

Tới Đèo Hoa, tôi đã thấy bọn thổ dân chờ sẵn với một con dê non. Họ dẫn tôi ra cạnh bờ một cái giộc khá sâu và bảo tôi rằng:

“ Nó ở trong này, ông nên phục giữa bụi rậm con kia”.

Tôi ngạc nhiên vì địa thế họ chọn rất khéo. Bờ giộc hơi thoai thoải sườn bò. Tôi nấp ngay trên bờ quay lưng xuống lòng sâu. Con dê thì buộc vào một gốc cây trên mô cao, xa chỗ tôi ẩn chừng sáu thước. Tiếng dê vừa bắt đầu kêu, bọn thổ vội chào tôi rồi lủi hết.

Minh họa: Hồng Kiều

Mặt trăng mọc đã khá cao, ẩn hiện sau lớp mây đen loang loáng. Cảnh vật khi mờ khi tỏ, bí mật hãi hùng. Từ xa xa đưa lại tiếng suối đổ sườn non, tiếng thông reo kẽ đá, tiếng gió thở dài trên ngọn cây, tiếng hoẵng âm thầm trong quãng tối, trăm nghìn thanh âm gở lạ cùng xôn xao và cùng hòa hợp thành cái lặng lẽ ghê gớm của đêm rừng.

Tôi nín hơi chờ; tính xưa nay rất bạo mà, lúc đó, không hiểu sao, tôi bắt đầu rùng mình dữ dội. Cớ thứ nhất có lẽ là kẻ thù của tôi chắc chỉ quanh đâu đấy chưa biết xồ tới. Cớ thứ hai là phát súng tôi bắn ra có lợi không? Nếu hụt thì sẽ ra sao? Chỗ con dê mồi đến chỗ tôi phục chỉ cách xa có sáu thước! Những điều tỉ mỉ ấy xô xát nhau trong trí tôi, khiến cho linh hồn tôi náo loạn, trái tim tôi đập mạnh, hai bàn tay tôi ẩm ướt cả báng súng.

Tôi tự ngờ mình nhát sợ, cáu lắm, đang tìm những ý nghĩ mạnh bạo để gợi lòng can đảm thì, nhanh hơn chớp, một khối đen rơi bịch xuống con dê mồi rền rĩ.

Tái người, tôi chưa kịp bắn, con hổ đã lướt qua trước mặt tôi; tôi chẳng trông rõ đầu rõ đuôi nó, chỉ biết nó sắp biến mất mà thôi.

Cái công phu bảy tám đêm rình mò thoáng qua óc tôi như làn chớp, sự căm giận làm cho tôi xung tiết, quên cả nguy hiểm, bấm mạnh lưỡi gà. Một tiếng nổ tan cái tịch mịch đêm trường… ánh trăng như rùng mình trên ngọn cỏ…

Con hùm cúi xuống gầm lên. Tôi đã bắn gãy cả hai chân trước nó. Nó chưa hiểu phát súng từ đâu lại và, có lẽ nó ngỡ rằng chính con dê đã bất thần nổ bung ra.

Lúc ấy, nếu tôi hơi cử động thì nguy ngay, lẽ phải bảo tôi như thế, nhưng sự việc bất ngờ, tôi bỗng đứng phắt dậy, định bắn luôn phát nữa. Cái mũ áo tơi mắc phải cành cây, giựt tôi ngồi xuống.

Thoáng thấy động con hùm ranh mãnh thốt im bặt tiếng rên, trừng hai mắt xanh lè nhìn chằm chặp về phía tôi ẩn và lắng tai nghe. Một phút qua; nghe, không thấy gì nữa, tôi tưởng nó đã chết rồi.

Khom lưng tôi rón rén ra ngoài bụi rậm, ngọn súng chĩa về phía trước, ngón tay trỏ tỳ sẵn vào cò súng. Tôi chưa kịp đứng hẳn lên, con hùm đã nhìn thấy tôi, nhón mạnh một cái. Tôi vội phóng phát đạn vào đầu nó; nhưng nó đến rất nhanh lại thêm bóng tối rất dày vì mặt trăng vừa khuất; tôi bắn trượt, lửa đạn cháy xém lông cổ con hùm.

Hăng máu, nó đè rập tôi xuống, nặng như cả một toa xe điện. Tôi ngã ngửa, hai vai mắc vào bụi rậm, chỗ tôi vừa nấp. Con hùm cắn vào cổ tôi một cách dữ dội. Nhờ có chiếc phu-la bằng len dày và cái mũ áo tơi, nếu không, tôi chắc hẳn đã hết đời.

Tôi giơ tay trái, cố sức chống đỡ, cố sức đẩy nó ra, còn tay phải, tôi lần rút dao săn. Con hùm cắn vào cánh tay tôi nhàu nát, tuy hai ba lần áo rất dày của tôi đã đỡ nhiều. Nó cắn sây sát cả mặt tôi: Một nanh cày mạnh ngang trán, một nanh cắn ngập vào đuôi mắt trái tôi, làm vỡ nát xương gò má.

Một tay không chống đỡ nổi, tôi đành bỏ dao săn và dùng cả hai tay hết sức bóp chặt lấy cổ hùm. Nó càng hăng cắn vào mặt tôi, làm cho xương hàm tôi gãy răng rắc. Tiếng xương giập gãy vang vào trí não tôi một cách đau đớn, tôi có cái cảm giác như cả mảnh hình hài tôi đều tan nát như vỏ trứng nghiền. Mặt tôi gần nửa bị ngập vào trong miệng hùm, hơi nó thở ra nóng như luồng lửa.

Tôi vẫn nằm ngửa, sát ngay miệng giộc, đầu quay xuống dưới. Con hùm vẫn úp chụp lấy tôi như cái nhà táng, ra sức cắn tôi đến chết mới thôi. Giữa lúc đó, không rõ tại sao tôi lại co được chân lại, đạp thúc mạnh vào bụng hùm. Hai chân trước bị gãy nó lộn nhào một cái, rồi cứ thế tuột xuống lòng khe.

Được tự do, tôi vùng đứng dậy, nhổ hấp máu trong mồm. Bốn chiếc răng cũng theo máu rơi xuống đất. Tôi không nghĩ gì đến sự đau đớn, chỉ căm hờn con ác thú đã làm cho tôi thành một kẻ tật nguyền ghê gớm, nên vội tuốt dao săn, nhất định xuống khe liều mạng với kẻ thù.

Nhưng, giữa lúc ấy, bọn thổ dân xúm đông lại kéo bừa tôi về động.

Đấy, bước phiêu lưu của tôi trong cái đêm hãi hùng, thảm đạm cách nay vừa một năm tròn. Những thương tích còn ghi dấu vết lại ở trên mặt tôi có thể gọi là những chứng cớ đẫm máu về sự lẻ loi, hèn yếu của loài người giữa đám đông toàn kẻ tử thù. Phải, quanh mình ta, rặt những thù địch cả. Từ con ong cái kiến, từ hùm beo rắn rết, đến gió mưa bão chớp, nước tràn, đất động, hết thảy đều là kẻ thù ta đáng sợ… Sống trong cái tình thế gieo neo ấy, loài người, nếu chẳng biết yêu thương, đùm bọc lấy nhau, tránh sao thoát khỏi cái chết nó rình đợi mình luôn?...

(Trích từ tuyển tập Lan Khai, NXB Văn học 2010)

Tin cùng chuyên mục