Nhiếp ảnh mang hơi thở xuân

- Ở Tuyên Quang mỗi mùa mang một vẻ đẹp riêng. Tuy nhiên mùa xuân với giới nhiếp ảnh có một ấn tượng đặc biệt. Bởi đây là mùa gắn với Tết cổ truyền của dân tộc. Tết của lễ hội. Tết của mùa trồng cây, bung hoa và nhú lộc. Đây cũng là thời điểm khởi đầu một năm mới với những kỳ vọng mới. Trước những khung cảnh xuân như vậy, lòng người ai cũng xốn xang.

Đang lau chùi chiếc máy ảnh kỹ thuật số Nikon D600 gắn bó bao năm, nhiếp ảnh gia Hà Thế Đô, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh tâm sự: “Tớ là người rất thích và ngưỡng mộ mùa xuân. Chỉ cần Tết đến mình cầm máy ảnh đi lang thang phố phường “chụp dạo” đã thấy khoái. Nào là cảnh luộc bánh chưng trước cửa nhà trên góc phố. Hay người ta bầy bán quất cảnh, lá dong. Đi ngang qua gian hàng ông đồ viết chữ thì không thể không lôi máy ra chụp mấy kiểu. Tôi thấy mùa xuân vô vàn cái để chụp. Mọi năm đêm giao thừa tôi luôn chuẩn bị kỹ máy ảnh và tâm thế để chụp khoảnh khắc bắn pháo hoa. Không khí xuân trong từng bức ảnh cứ dồn dập, náo nhiệt, cảm giác lâng lâng khó tả trong thời khắc chuyển giao đất trời. Mỗi Tết mình lại ghi được một sự thay đổi. Lưu giữ được ký ức xuân của Tuyên Quang xưa và nay”.

Giáp Tết những con đường hoa ở thành phố Tuyên Quang lại rộn ràng sắc xuân.

Đối với Nghệ sỹ nhiếp ảnh Quang Minh, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, hội viên Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam, mùa xuân cũng đầy cảm xúc và chứa chan nhiều điều muốn nói. Anh bộc bạch: “Tôi rất mê làng hoa đào Nông Tiến vào dịp giáp Tết. Dù bận thế nào, mấy anh em nhiếp ảnh vẫn bố trí ngày đẹp trời để chụp hoa đào xuân. Cảnh người ta bán, mua đào rồi người ta vãn cảnh, chụp ảnh nhộn nhịp cả một vùng. Chỉ cần đưa máy lên, chớp được những khoảnh khắc là có một tác phẩm “Xuân” sinh động. Không chỉ có làng đào Nông Tiến mà “phố hoa đào” trên trục đường xung quanh Quảng trường Nguyễn Tất Thành tôi thấy cũng rất thú vị. Những tác phẩm ra đời ở đây phải nói rực khí xuân của Thành Tuyên. Xuân đến đúng là có nhiều cái tự nhiên đến để chụp. Như việc du khách đi lễ đền chùa đầu năm hay vào chiều mồng 4 Tết, tôi phải giành ra một buổi để chụp Lễ hội đua thuyền trên sông Lô. Thật ra hầu như năm nào mình cũng chụp lễ hội này, nhưng mỗi năm lại có một nét riêng thú vị. Đi chụp ảnh cũng là lúc bản thân đi du xuân”.

Làng đào Nông Tiến bung sắc xuân khi mỗi dịp Tết về.

Qua một mùa đông giá rét, trời liên tục âm u không phải lúc nào người nghệ sỹ muốn là vác máy ảnh đi được. Sự “tích tụ” được dồn nén qua mùa xuân ấm áp, lúc cánh én bắt đầu chao liệng trên bầu trời trong xanh. Mấy năm trước khi chưa có đại dịch Covid - 19, hàng loạt lễ hội truyền thống được các huyện tổ chức nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, phục vụ phát triển du lịch. Nhiếp ảnh gia Việt Trường, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh khẳng định, ít có tỉnh miền núi nào có một hệ thống lễ hội truyền thống đặc sắc, ấn tượng như ở Tuyên Quang. Anh thường đi chụp ảnh ở Lễ hội Động Tiên, Chợ quê Hàm Yên; Lễ hội chợ Thụt, xã Phù Lưu (Hàm Yên); Lễ hội Lồng tông huyện Chiêm Hóa; Lễ hội Cầu mùa đình Tân Trào, Lễ hội đình Thọ Vực (Sơn Dương); Lễ hội đình làng Giếng Tanh, Lễ hội chùa Hang (TP Tuyên Quang); Lễ hội Đầm Mây, lễ hội chùa Phật Lâm (Yên Sơn); Lễ hội Lồng tông và Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Lâm Bình. Anh bảo, nhiều tay máy của Tuyên Quang đã thành công trong việc chụp lễ hội xuân, như nhiếp ảnh gia Mạnh Cường đã từng giành Huy chương Vàng Liên hoan Ảnh Nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc năm 2019 với tác phẩm “Quyết đấu”. Đây là ảnh tác giả chụp cảnh hai con dê chọi nhau trong Lễ hội Lồng tông và Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Lâm Bình tổ chức. Nếu biết khai thác thì mùa xuân là một đề tài hay, phong phú với nghệ thuật nhiếp ảnh.

Là người thích “đi phượt” vùng cao trong những ngày xuân năm mới, nhiếp ảnh gia Phạm Khánh Dương, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh chia sẻ: “Mùa xuân cho tôi bao cảm xúc, cái gì đẹp cũng muốn chụp. Chụp để thỏa mãn lòng đam mê nhiếp ảnh. Chụp cũng là cách thể hiện tình yêu quê hương. Lan tỏa những điều tốt đẹp của mảnh đất con người xứ Tuyên đến với cộng đồng nhiều hơn. Tôi ấn tượng mạnh với vẻ đẹp tinh khôi, lãng mạn của những vườn lê trắng muốt ở xã vùng cao Hồng Thái (Na Hang) trong những ngày xuân. Ai cũng muốn nhờ nhiếp ảnh gia ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ này. Ngoài chụp du khách ăn vận trang phục dân tộc Dao tiền, tôi luôn tìm tòi góc sáng tác mới, như hoa lê với sương sớm, hoa lê với nhà ngói âm dương để làm sao toát lên được khí xuân của đất trời”.

Trò chơi dân gian trong Tết cổ truyền.

Tác phẩm nhiếp ảnh mang hơi thở xuân của tác giả thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội đã chuyển tải đến công chúng về một Tuyên Quang thật gần gũi, giản dị, chân thành, mộc mạc mà lãng mạn, bay bổng và bình yên. Đến Tuyên Quang vào mùa xuân, ngoài khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp, bản sắc văn hóa phong phú, thì du khách luôn thấy lòng người Tuyên Quang rộng mở, hiếu khách. Họ luôn cầu chúc nhau một năm mới mưa thuận, gió hòa, an lành, hạnh phúc, nhiều niềm vui trong cuộc sống.

Quang Hòa

Tin cùng chuyên mục