Vì miền Nam ruột thịt

- Năm 1964, hòa vào dòng chảy thơ ca cách mạng, tập thơ văn “Vì miền Nam ruột thịt” do các cây viết xứ Tuyên sáng tác đã góp phần “thắp lửa” cho tiền tuyến miền Nam.

Năm tháng đấu tranh giải phóng miền Nam, nhân dân miền Bắc đã tổ chức nhiều hoạt động để tiếp thêm sức mạnh cho tiền tuyến. Nổi bật là phong trào kết nghĩa Bắc – Nam, trong đó tỉnh Tuyên Quang kết nghĩa với tỉnh Bình Thuận vào năm 1963. Người dân xứ Tuyên có nhiều việc làm thiết thực “Vì miền Nam ruột thịt, vì Bình Thuận thân yêu” như làm đường, các trường học, tổ đội sản xuất, cửa hàng… mang tên Bình Thuận, Phan Thiết. Và đặc biệt, nhiều tác phẩm thơ ca do tác giả xứ Tuyên sáng tác đã góp phần cổ vũ tinh thần chiến đấu, lòng yêu nước và phơi phới niềm lạc quan cách mạng.

Tập thơ văn “Vì miền Nam ruột thịt” ra đời trong tuần đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai, đẩy mạnh sản xuất, ủng hộ đồng bào Miền Nam và đồng bào Bình Thuận từ 15-12-1963 đến 25-12-1963. Trong đó có 7 bài thơ và 4 đoạn văn trích của các cây viết xứ Tuyên gạo cội thời đó, in từ giấy cũ năm 1963, thiết kế bìa đơn giản chỉ có 2 màu đỏ, đen làm nổi bật tựa đề cũng như nội dung muốn gửi gắm.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Trần Hoài Quang là một nhà thơ, nhà hoạt động cách mạng. Thơ ông mang tính thời sự và tràn ngập lý tưởng, niềm tin vào chiến thắng. Trong tập “Vì miền Nam ruột thịt” ông có hai bài thơ “Vinh dự” và “Nếu anh hiểu có gì kinh khủng”, đều được thể hiện bằng thơ 7 chữ với ngôn ngữ hình ảnh mộc mạc, chân thực. Với cảm hứng lãng mạn, nhẹ nhàng, thơ của ông dễ đi vào lòng công chúng: “Vinh dự nào hơn vinh dự đây/Góp công lao động một đôi ngày/Gửi vào trong ấy, trong Nam ấy/Muôn triệu bàn tay, một nắm tay” (Vinh dự).

Bài thơ là lời tâm sự, cảm xúc của một người dân khi được góp một phần công sức nhỏ bé vào công cuộc xây dựng đất nước ở Miền Bắc, để sẵn sàng tiếp viện cho công cuộc giải phóng miền Nam. Bằng cảm xúc chân thực, tác giả tái hiện không khí đấu tranh sục sôi với giọng văn hào sảng: “Đứng lên! Theo nhịp của quê hương/Đứng lên!Nhiệm vụ đời đang hỏi/Tiếp ứng quân ta chốn trận tiền”.

Nhà thơ Gia Dũng được độc giả cả nước biết đến với vai trò là một nhà thơ và soạn giả. Gia Dũng là nhà thơ đa giọng điệu, luôn tìm tòi trăn trở với từng con chữ. “Tặng anh chiến sỹ quân giải phóng”, “Hai thằng chó chết”… là những trang thơ đanh thép, thể hiện sự uất ức, căm thù giặc Mỹ. Các tác phẩm được viết bằng thơ tự do để diễn tả đủ đầy những cung bậc cảm xúc. Đó là sự thấu hiểu và ngưỡng mộ trước những hy sinh, gian nan của người lính giải phóng: hành quân trong đêm tối, gió mưa rét mướt, súng nặng trên vai. Bài thơ được biến thể lúc 2 chữ, 3 chữ và cách ngắt câu, xuống dòng đột ngột chuyển tải tâm trạng của tác giả: “Đường anh đi/Hôm nay/Gian khổ/Chông gai/Nhưng, anh biết/Ngày mai/đời sẽ rạng” (Tặng anh chiến sỹ quân giải phóng).

Điều đặc biệt, trong cuốn sách còn có bài thơ tiếng Tày của tác giả Nông Ngọc Thuận với tựa đề: “Liệng ma hỏm” nghĩa là “Nuôi chó săn”. Với cách cảm, cách nghĩ gần gũi, chân thực, tác giả đã ví von hình ảnh lũ giặc như những tên chó săn. Và đưa ra những lời cảnh báo về sự hung tàn của chúng sẽ có ngày toi mạng khi gặp phải beo vằn: “Tép nạn đông khăm phúng thưa lài/Mì vằn bọp ngỏng teo mất đai” (Tìm hươu rừng thẳm, vấp beo vằn/Có ngày toi mạng đời chó săn).

Bên cạnh những bài thơ truyền lửa đầy khí thế, cuốn sách đăng tải những trích đoạn về phong trào thi đua lao động, chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Đó là không khí làm việc liên tục, khẩn trương của những công nhân nhà in Sao Vàng. Mỗi bộ phận, mỗi con người đảm nhận nhiệm vụ khác nhau, thể hiện sự chuyên nghiệp hóa: “Đêm nay, cảnh nhà máy rộn rã hẳn lên. Ánh điện tỏa sáng rực rỡ. Tiếng máy chuyển động đều đều nhưng khẩn trương, những tờ giấy trắng mang theo những dòng chữ còn ướt mực liên tiếp lao ra vun vút” (Trích: “Tất cả vì miền Nam ruột thịt của Ngọc Nguyên).

Đó là những hành động ý nghĩa của cô bé học trò nhỏ đã xung phong đi bán sách báo lấy tiền ủng hộ đồng bào Miền Nam trong đoạn trích “Các em thật rất đáng yêu” của Nguyễn Thị Thuần Phong. Giọng văn tươi sáng, cách viết của tác giả rất ngộ nghĩnh, phù hợp khi viết về những em nhỏ: “Hai em cố chạy theo đến gặp một cụ già mời cụ mua sách. Cụ già mắt lòa trả lời các em: “Cụ không đọc được sách cháu ạ!” Một em liền thỏ thẻ….”.

Tập thơ văn “Vì miền Nam ruột thịt” đã thể hiện phần nào tấm lòng người dân xứ Tuyên gửi đến đồng bào Bình Thuận. Đó là cảm xúc chân thành, ngưỡng mộ đối với người lính giải phóng; sự căm phẫn kẻ thù xâm lược; niềm lạc quan và đầy khí thế tin vào chiến thắng, sum họp Nam Bắc một nhà!

Bài, ảnh: Hoàng Niềm

Tin cùng chuyên mục