Cho đến nay, ông Đinh Công Vỹ đã có vài chục đầu sách vừa khảo cứu vừa sáng tác, trong đó một số đầu sách được tái bản nhiều lần. Theo nhà văn Hoàng Quốc Hải, Thảm án các bậc khai quốc công thần thời Lê, Bí sử một vương triều cùng nhiều bài khảo cứu văn, triết, sử... của Tiến sĩ Đinh Công Vỹ có nhiều tư liệu khả tín, không chỉ giúp người đọc hiểu thêm về lịch sử mà còn cung cấp tư liệu giúp ích cho giới sáng tác khá nhiều.
Đến nay, dù đã bước sang tuổi 75 nhưng ông vẫn hăng say viết sách khảo cứu các nhân vật lịch sử, văn hóa của nước nhà với các tác phẩm như Bên lề chính sử, Chuyện tình vua chúa hoàng tộc Việt Nam, Chuyện tình Kẻ sĩ Việt Nam, Nguyễn Du đời và tình… Gần đây, độc giả Thủ đô và cả nước đón nhận tác phẩm mới của Tiến sĩ Đinh Công Vỹ - cuốn Tìm ngọc trong di sản văn chương dày hơn 900 trang do NXB Thanh niên ấn hành. Đây có thể xem là tập đại thành cả một đời cầm bút của ông bao gồm nhiều thể loại, từ biên khảo, sáng tác đến phê bình văn học.
Tìm ngọc trong di sản văn chương được bố cục khoa học với 5 mục lớn: Tìm trong các thể loại thơ văn truyền thống; Tìm trong các tác gia văn học tầm vóc; Tìm trong bè bạn bốn phương: Tựa đề, phẩm bình, giới thiệu; Tìm trong trung tâm thơ, các CLB thơ văn, nói chuyện, báo cáo; và cuối cùng là Các bài chúc văn tụng đọc trong các ngày lễ trọng thể.
Ngay ở phần đầu tiên, Đinh Công Vỹ đã đi sâu vào khảo sát và nghiên cứu khá kỹ các thể loại câu đối, sắc phong, thơ Đường, ký, truyện, tiểu thuyết và kịch lịch sử. Đề cập đến giá trị lịch sử đồng thời nhìn nhận giá trị văn chương của các tác phẩm là thế mạnh của tác giả, bởi trước khi bảo vệ luận án tiến sĩ sử học, ông là cử nhân văn chương. Ông đặc biệt quan tâm đến các tiểu thuyết lịch sử, đọc kỹ và có quan điểm rõ ràng, thấu đáo vừa bằng nhãn quan của nhà sử học, vừa bằng tâm thức của một người sáng tác văn chương.
Ở phần Tìm trong các tác gia văn học có tầm vóc, tác giả đi sâu nghiên cứu để làm bật lên chân dung các vị vua, các danh nhân văn hóa của đất nước như vua Trần Nhân Tông, Lê Thánh Tông, ba vị Đại vương (Nguyễn Quý Đức, Nguyễn Quý Ân, Nguyễn Quý Kính), Lê Quý Đôn, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát... Mỗi bài viết là một công trình nghiên cứu, một tiểu luận đã được trình bày tại các hội thảo khoa học nhằm làm rõ thân thế sự nghiệp, những đóng góp của các nhân vật này cho đất nước.
Nếu hai phần đầu của cuốn sách là kiến thức bác học, hàn lâm, chuyên sâu nghiên cứu những vấn đề văn hóa cổ, danh nhân cổ, cận đại, thì phần 3 là những bài viết giản dị, mộc mạc, gần gũi, giới thiệu các tập thơ của bạn bè trong Câu lạc bộ Di sản - Thơ Văn truyền thống và Hán Nôm Việt Nam mà ông là Chủ nhiệm. Ở phần 4, ông “tìm ngọc” trong các trung tâm thơ, các câu lạc bộ thơ khác qua các bài nói chuyện, các báo cáo, các dịp sinh hoạt, kỷ niệm danh nhân, các sự kiện văn hóa của câu lạc bộ và đất nước.
Riêng ở phần cuối cùng, Các bài chúc văn tụng đọc trong các ngày lễ trọng thể mang tính bác học, chuyên sâu. Đó là các bài như chúc văn viết về Bố Cái Đại Vương - Phùng Hưng, đọc vào ngày mùng 8 tháng Giêng hằng năm tại đền thờ Phùng Hưng ở làng Cam Lâm, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây; chúc văn tưởng niệm Đức Thánh Trần; chúc văn tưởng niệm liệt vị tiên tổ họ Đinh; chúc văn tưởng niệm 200 năm Văn miếu xứ Đoài ở Đường Lâm - Sơn Tây...
Cuốn sách Tìm ngọc trong di sản văn chương cũng như nhiều tác phẩm khác của ông đều cho thấy một tác giả Đinh Công Vỹ dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng vẫn miệt mài, cần mẫn nghiên cứu, chăm chỉ viết và in những cuốn sách có giá trị cho nền văn hóa nước nhà. Được biết, sắp tới ông sẽ cho ra mắt cuốn sách Việt sử nói gì qua truyền thuyết, phả học, dòng họ? do NXB Phụ nữ ấn hành.
Gửi phản hồi
In bài viết