Viết văn bằng trái tim trắc ẩn

- Văn chương giúp ta trải nghiệm cuộc sống ở tầng bậc và chiều sâu đáng kinh ngạc, đó là điều mà tác giả Hồng Hà (ảnh bên) luôn muốn gửi gắm. Đọc những tác phẩm của nhà giáo về hưu này, người đọc chìm đắm trong cảm xúc dâu bể của biết bao cuộc đời. Để rồi giữa mênh mông, khi số phận nhân vật dần chạm được bến bờ bình yên, tác giả lại khéo léo gửi đến những thông điệp, bài học về cuộc sống, cách đối nhân xử thế, đỗi đãi ở đời.

Hơn 30 năm truyền cảm hứng

Trước khi là một cây viết văn cần mẫn, tâm huyết thì tác giả Hồng Hà (tên thật là Nguyễn Thị Hồng) là một giáo viên dạy văn với hơn 30 năm trọn vẹn cống hiến với nghề. Dù đã nghỉ hưu 10 năm thế nhưng khi nói về bục giảng và những thế hệ học trò, ánh mắt cô giáo Hồng rạng rỡ, tươi vui.

Cô giáo Hồng bảo: “Dạy văn quan trọng nhất là truyền cảm hứng. Giáo viên say mê môn văn thì bằng mọi cách làm cho học sinh cũng cảm thấy hay, rung động như mình. Văn là người, dạy văn chính là dạy người, vậy nên, phương pháp của tôi là làm cho học trò thấy đây là môn học gần gũi nhất, dễ hiểu nhất, tạo cho các em những suy nghĩ tích cực và xây dựng tình yêu đối với văn học”.

Tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Việt Bắc, cô giáo Hồng được công tác tại trường THPT Kim Xuyên rồi trường THPT Sơn Dương và có 18 năm giảng dạy tại trường THPT Chuyên Tuyên Quang.

Ngày đó, đứng trên bục giảng, mỗi trang giáo án của cô giáo Hồng không chỉ đơn thuần là việc truyền tải kiến thức, ở đó còn là sự gửi gắm niềm đam mê văn học cho mỗi thế hệ học trò của mình. Với mỗi tác phẩm văn học là thơ hay truyện, trong quá trình giảng bài, cô giáo luôn liên hệ với thực tiễn cuộc sống, khéo léo gửi gắm những thông điệp, tình yêu thương, những bài học làm người, tư tưởng sống tích cực tới học sinh, hướng cho học trò của mình biết cách sống đúng, sống đẹp.

Lớp lớp thế hệ học trò trưởng thành và luôn nhớ đến người cô giáo tâm huyết với nghề, sống tình cảm và luôn yêu thương học trò như con. Cô giáo Hồng chia sẻ: điều tuyệt vời nhất trong hành trình “đưa đò qua sông” chính là được nhìn thấy học trò của mình khôn lớn, thành đạt và sống ân nghĩa trước sau. Văn học là nhân học, những bài học từ sách vở bước ra cuộc đời dẫu có khoảng cách nhưng khoảng cách đó sẽ thật gần nếu học trò cảm thấu được những ý nghĩa, lời răn dạy, nhân cách sống để vào đời tự tin và thành công.

Khát vọng từ “Miền mơ tưởng”

Tiếp xúc với tác giả Hồng Hà, người đọc cảm nhận ở sự khiêm nhường, giản đơn giống như cách mà bà đã thể hiện tỉ mỉ qua từng câu chữ.

“Miền mơ tưởng” là tiểu thuyết đầu tay của bà với hơn 30 năm - quãng thời gian dài ấp ủ, thai nghén đến quý II năm 2022 đã “ra mắt”. Tác phẩm do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam ấn hành. 

Tiểu thuyết là một mạch nối xuyên suốt kể về cuộc đời của người phụ nữ tên là Minh. Đó là những biến cố trong cuộc đời từ khi Minh còn nhỏ đến khi đi học, biết yêu, lấy chồng, gặp những trắc trở trong hôn nhân. Tác giả khắc họa nỗi đau, sự tuyệt vọng và những nỗ lực, đấu tranh của nhân vật Minh vượt nghịch cảnh để chạm đến bến bờ hạnh phúc.

Có nhà văn từng nói rằng: “Đàn ông có thể coi văn chương như một thứ say mê, tạo kỳ đài. Còn đàn bà viết văn xưa nay phần nhiều là để trải lòng, viết cho mình. Viết bằng thứ bản năng mách bảo thần thánh nhiều hơn là viết bằng trí khôn. Thế nên, đàn ông viết văn nhiều khi viết bằng cái thông minh lồng lộng, còn đàn bà thường viết bằng tình yêu, bằng trái tim giàu trắc ẩn”. Quả đúng như vậy, Hồng Hà đến với văn chương là sự trải lòng, sẻ chia những cảm xúc những xót xa, những đau đớn trong cuộc đời của người phụ nữ truân chuyên.

Tác phẩm có chương hồi khúc chiết rõ ràng, được kể theo tuần tự thời gian bằng một giọng văn giản dị, tự nhiên, mộc mạc, gần gũi khiến người đọc bị lôi cuốn theo từng trang viết.

Độc giả ngưỡng mộ cái cách sống bản lĩnh của bà Thái (mẹ Minh), nỗ lực và sự ham học của cô bé Minh ngay từ khi còn nhỏ. Tình cảm mẫu tử thiêng liêng của mẹ và con gái bao bọc nhau khi sống với người bố có tư tưởng “trọng nam khinh nữ” trong những năm tháng chiến tranh gian khó. Minh thương mẹ lúc nào cũng khát khao được lớn khôn để bảo vệ, che chở mẹ, lúc nào cũng nỗ lực học tập để mẹ vui lòng.

Những tưởng từ kinh nghiệm của mẹ, Minh tin tưởng vào lựa chọn người yêu, người bạn đời của mình. Tuổi trẻ của tháng năm sinh viên với mối tình đầu và nhanh chóng kết hôn ngay khi còn trên ghế nhà trường, Minh đã rơi vào bi kịch với người chồng vũ phu, cộc cằn. Những đứa con lần lượt ra đời và biết bao biến cố bất ngờ ập đến mà người vợ trẻ khó lòng chống đỡ và chấp nhận.

Đó là những thiếu thốn cơm áo gạo tiền; một người chồng cộc cằn, ích kỷ, vũ phu, lười biếng; những người con tuột khỏi tầm tay với những cái chết tức tưởi... Bi kịch cuộc đời khiến người Minh từ một cô gái vui tươi, năng động trở thành người phụ nữ bất lực, đau khổ, bế tắc 2 lần tìm đến cái chết. Và để rồi cái ý chí mạnh mẽ, bản lĩnh người đàn bà khát khao hạnh phúc trỗi dậy Minh đã đấu tranh để có được tự do, có được hạnh phúc. Ly hôn chồng, giải thoát được bế tắc cô giáo Minh như được sống lại, năng nổ, nhiệt huyết, trở thành tấm gương điển hình trong chuyên môn.

Tác phẩm giàu chất tự truyện, đi sâu vào nội tâm nhân vật tạo được sự hấp dẫn riêng. Tác giả Hồng Hà trải lòng, tác phẩm muốn gửi đến bạn đọc về cuộc sống. Đó là con người cần có sự chín chắn khi bước đến một sự lựa chọn có tính bước ngoặt trong cuộc sống. Đặc biệt là người phụ nữ luôn phải bản lĩnh, làm chủ cuộc sống của chính mình, biết đấu tranh, tự tin hướng tạo dựng hạnh phúc của mình. Ở đời sống thiện lương, tử tế thì mọi điều tốt đẹp cuối cùng sẽ đến.

“Miền mơ tưởng” đó là miền hạnh phúc, an yên mà mỗi người phụ nữ luôn khát khao vươn tới. Tiểu thuyết có độ dày gần 200 trang đã giúp người đọc bước chân đến thế giới cuộc đời những người phụ nữ đa đoan như nhân vật Minh, bà Thái. Người đọc ít nhiều sẽ tìm thấy mình trong những trang viết đó, từ suy nghĩ, tính cách, hoàn cảnh, cách đối diện biến cố và cách để bảo vệ mình, người thân. Đây xứng đáng là một tác phẩm mà mỗi chúng ta nên đọc một lần, đặc biệt là những cô gái trẻ mới chập chững vào đời.

Ghi chép: Giang Lam

Tin cùng chuyên mục