Những vần thơ ấm áp về tình thầy trò

- Tháng 11 đã về với bao cung bậc cảm xúc dạt dào về trường lớp, thầy cô, bè bạn, những vần thơ ăm ắp tình đời, tình người được khơi sâu trong mạch nguồn đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Năm tháng trôi xa, lớp lớp các thế hệ học trò như những con chim đã đủ lông, đủ cánh bay đi muôn phương, còn thầy cô, vẫn miệt mài nơi trường xưa, lớp cũ, làm người lái đò thầm lặng, kiên tâm với sự nghiệp trồng người cao quý.

Là người trọn cuộc đời gắn bó với nghề giáo, với sự nghiệp giáo dục, đào tạo của Tuyên Quang, sau khi nghỉ hưu, thầy giáo Lê Cảnh Thiện và gia đình đã chuyển về sinh sống tại Hà Nội. Thầy nguyên là giáo viên dạy Toán của trường THPT Tân Trào, nhưng thầy rất đam mê trải lòng với từng con chữ. Như người lái đò xao xuyến nhớ dòng sông, những vần thơ mộc mạc, dung dị của thầy như tiếng lòng ấm áp, ắp đầy kỷ niệm mà thầy muốn gửi về những năm tháng thanh xuân tươi đẹp, ý nghĩa của cuộc đời mình “Ngày ấy trường đi sơ tán/Lớp học dưới tán rừng cây/Nuôi dưỡng bao tâm hồn trẻ/Niềm tin khát vọng tràn đầy...”. (Mơ về Chiêm Hóa - thơ Lê Cảnh Thiện).

Một chặng đường đã qua với bao cảm xúc tươi xanh mà ở đó, học trò luôn là niềm tin, là hy vọng của thầy cô. Dẫu “ngày xưa” ấy chỉ là những đêm soạn bài dưới ngọn đèn dầu hiu hắt, là lớp học tranh tre nứa lá thời kỳ sơ tán… dẫu trong hoàn cảnh nào, thì mỗi bước trưởng thành, tiến bộ, dù nhỏ nhất của học sinh đều là nguồn vui, là động lực lớn lao để thầy cô vượt lên mọi khó khăn, vất vả, vun đắp những mầm xanh cho đời. Như một mạch nguồn tự nhiên, những vần thơ về nghề, về cuộc sống cứ thao thiết, dạt dào trên trang viết của thầy giáo Lê Cảnh Thiện “Nhớ sao những tối soạn bài/Dưới ngọn đèn dầu leo lét/Bên trang giáo án miệt mài/Quên đi cuộc đời khốn khó”…

Trong bài thơ “Gửi Yên Thuận”, nhà thơ Tạ Bá Hương, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, Tổng Biên tập Tạp chí Tân Trào cũng đưa người đọc về với ký ức nhiều gian khó, nhưng chứa chan hy vọng “Ngôi trường dựng lên bằng liếp nứa phên tre/Thương đám học trò đầu trần chân đất/Mùa sẽ xanh lên từ bàn tay chiu chắt/Và những nhọc nhằn của mỗi tháng năm qua…”  (Gửi Yên Thuận - thơ Tạ Bá Hương). Những năm tháng trên ghế nhà trường, thầy cô đâu chỉ trao truyền tri thức, lớn lao hơn, đó còn là những bài học về cách yêu thương con người, yêu thương cuộc sống. Nhờ có những “kỹ sư tâm hồn”, những “bàn tay chiu chắt” đó, biết bao thế hệ học trò đã luôn cảm thấy mình được lắng nghe, được thấu hiểu, được yêu thương… từ những mái trường “liếp nứa phên tre” ngày ấy, bao thế hệ học trò “đầu trần, chân đất” đã mạnh mẽ sải cánh tự tin bay cao, vươn xa, làm chủ bầu trời rộng lớn ngoài kia…

Thầy giáo, nhà thơ Nguyễn Bình là một người không còn xa lạ với những người yêu thơ thành Tuyên. Ông từng là giảng viên môn Triết học, trường Đại học Tân Trào, sau đó ông về công tác tại Sở Giáo dục và Đào tạo Tuyên Quang. Về nghỉ hưu tại phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang), nhà thơ Nguyễn Bình có nhiều thời gian hơn để chăm chút cho những đứa con tinh thần của mình. Thơ Nguyễn Bình trữ tình, giàu cảm xúc “Bàn tay thầy giáo chúng tôi/Tháng năm dày trang giáo án/Tháng năm ươm mầm cuộc sống/Mai thành rừng hoa cuộc đời” (Người trồng hoa cuộc đời - thơ Nguyễn Bình). Không chỉ dìu dắt, nâng đỡ mỗi bước chân học trò khôn lớn, nên người bằng tấm lòng độ lượng, bao dung của một người cha, người mẹ giành cho những đứa con đầy hiếu động của mình, mà thầy cô còn dày công khơi lên những mầm thiện, những hy vọng, niềm tin yêu mãnh liệt vào cuộc sống, giúp học trò tiến bộ, tự tin hơn mỗi ngày…

Ngày 20-11 đang đến thật gần, xin gửi lời kính chúc trân trọng nhất đến các thế hệ thầy giáo, cô giáo, những người lái đò thầm lặng. Xin khắc ghi công ơn thầy cô, những người đã soi sáng tâm hồn, nâng bước bao thế hệ học trò, cho chúng em niềm tin, sức mạnh để đến với những chân trời rộng mở, đầy ánh sáng…

Khánh Vân

Tin cùng chuyên mục