Bản người Cao Lan ở Cao Ngỗi

- Trở lại thôn Cao Ngỗi, xã Đông Lợi (Sơn Dương) hôm nay, nhìn về xa là những nếp nhà ở lưng chừng núi với nhiều sắc màu của những căn nhà mới xây; những con đường thảm nhựa sạch đẹp, những cánh rừng xanh bạt ngàn trải rộng vút xa tầm mắt... Cái nghèo nàn, lạc hậu năm xưa đang dần lùi xa, vùng đất này đang từng ngày khởi sắc.

Hạt giống văn minh nảy mầm

Từ trung tâm xã Đông Lợi, vượt qua cung đường nhỏ, ngoằn ngoèo dốc cao, chúng tôi đã có mặt tại Cao Ngỗi, một trong những bản khó của người Cao Lan. Cách đây chưa lâu, Cao Ngỗi còn đang chìm  trong nghèo đói, hủ tục bủa vây.

Năm nay đã ngoài 70 tuổi,  ký ức của ông Vương Văn Hoa về đồng bào dân tộc Cao Lan ở Cao Ngỗi trước đây là những tập quán lạc hậu. Người dân không biết chữ, tỷ lệ hộ đói, nghèo cao.

Người dân Cao Ngỗi trồng rừng, nâng cao hiệu quả kinh tế gia đình.

Ông Hoa kể: người ốm để ở nhà, mời thầy Mo đến cúng, không đưa đến các cơ sở y tế để điều trị. Trẻ em sinh ra không được chăm sóc và không được đến trường học chữ. Các hủ tục như kết hôn cận huyết thống, tảo hôn, người chết để lâu ngày, ép gả cưới... thường xuyên xảy ra. Đặc biệt là tình trạng uống rượu triền miên trong đồng bào dẫn đến sức khỏe suy yếu, không có sức lao động...

Nhưng đó đã là chuyện của ngày trước, ông Hoa phấn khởi nói: Bà con đã có nhận thức mới, nhiều hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu được xóa bỏ. Nếp sống văn minh đã được đưa vào quy ước của thôn, ai cũng thực hiện nghiêm túc.

"Những việc tang, việc cưới trước kia là gánh nặng của mỗi gia đình vì ăn uống kéo dài cả tháng trời nhưng nay đổi mới, chỉ làm ngắn gọn, ít tốn kém rồi. Trẻ con, người già ốm là đến trạm y tế khám bệnh chứ không cúng nữa đâu" ông Hoa nói.

Bản làng bừng sáng

 Trong tâm thức của người Cao Lan ở Cao Ngỗi, ký ức về bản nghèo khó nay đã khác xa. Đón khách với nụ cười tươi, Trưởng thôn, Bí thư Chi bộ Cao Ngỗi Trần Văn Tập bộc bạch: “thôn Cao Ngỗi khi xưa có tên là xóm 7 nhà, vì chỉ có 7 nóc nhà của 2 dòng họ Vương và Trần, đồng bào Cao Lan. Năm 1988, có thêm vài hộ lên sinh sống nên xóm được tách địa giới hành chính, thành lập thôn mang tên Cao Ngỗi với khoảng 10 hộ dân. Trước đây, cuộc sống của bà con lúc bấy giờ còn rất hoang sơ. Ở ngoài những hiên nhà sàn, nhà nào cũng có những ống tre, ống nứa chặt từ trong rừng về để đựng nước, lấy nước từ dưới suối lên nấu ăn, uống. Khi đó bản không đường giao thông, không trường học kiên cố, không điện thắp sáng... Bây giờ, Cao Ngỗi có 20 hộ, 92 nhân khẩu, 90% là đồng bào Cao Lan. Bản người Cao Lan ở đây đã có nhiều những nếp nhà mới với mái ngói đỏ tươi, có điện thắp sáng, có nước sạch, đường giao thông kiên cố...

Chỉ cho tôi cánh rừng xanh ngát, anh Tập phấn khởi kể về những đổi thay mang tính trọng đại đối với người Cao Lan nơi đây. Anh Tập hồ hởi: Cái khó, cái nghèo đang dần được đẩy lùi nhờ những chính sách hỗ trợ vùng đặc biệt khó khăn, đặc biệt từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Từ năm 2019 đến nay, từ nguồn vốn lồng ghép các chương trình, dự án, Cao Ngỗi được hỗ trợ xây dựng gần 2 km đường giao thông nông thôn; mạng lưới sóng Viettel; sửa chữa nâng cấp và xây dựng khuôn viên nhà văn hóa thôn; người dân được hỗ trợ kiến thức sản xuất… Bà con ổn canh, ổn cư, tạo dựng cuộc sống mới trên chính mảnh đất quê hương.

Trong câu chuyện vui về sự đổi thay của thôn bản, chuyện Cao Ngỗi có điện vẫn còn rôm rả như  ngày cán bộ ngành điện dựng cột, kéo dây. Ông Vương Văn Vượng, thôn Cao Ngỗi kể: Ngày trước, tận dụng dòng suối Cao Ngỗi dài hơn 10 km, chảy từ chân núi Lịch qua những cánh rừng già, người dân nơi đây đã “sản xuất ra điện” bằng việc lợi dụng dòng chảy làm quay tua bin phát điện. Tuy nhiên, máy điện nước công suất nhỏ, đủ thắp vài ba bóng điện chiếu sáng và quạt.

Chưa kể, để đảm bảo cho máy điện không bị hỏng, các thiết bị điện không lúc nào được ngắt, nên tất cả bóng điện trong nhà sáng thâu đêm ngày. Còn tới mùa mưa, cả làng chịu cảnh đèn dầu vì máy điện phải tháo đem về nếu không lũ ống thổi bay mất máy. Rồi việc tự sử dụng “thủy điện tự chế” tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, nhưng rất mừng điều đó đã không xảy ra.

“Ngày đóng điện, bà con ở bản vui lắm. Càng vui hơn khi nguồn sáng về bản đúng dịp bà con đang sửa soạn đón Tết cổ truyền Mậu Tuất. Thế rồi, chẳng ai bảo ai, nhà nào cũng sắm thêm các vật dụng phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Nhiều nhà đã mua nồi cơm điện, ti vi rồi, có nhà còn mua thêm tủ lạnh, quạt điện và máy xay xát…” ông Vượng hồ hởi nói.

Từ chính sách hỗ trợ của các Chương trình mục tiêu quốc gia, người dân Cao Ngỗi có điều kiện phát triển sản xuất, chăn nuôi.

Hiện thực ước mơ thoát nghèo

Mặt trời đứng bóng, chúng tôi ghé thăm nhà anh Trần Văn Thể, thôn Cao Ngỗi. Trò chuyện thân tình hồi lâu, anh Thể thủ thỉ: “Xuất phát từ cái nghèo, nhất là nghèo con “chữ” nên có đất mà không biết trồng gì, nuôi gì… Cả năm chỉ trông vào mấy khoảnh nương. Một vụ trồng hết mấy cân ngô giống. Trồng xong nương ngô rồi chỉ biết nhìn xem cây ngô mọc mầm, chồi lên khỏi hốc đá. Mà ở đây, một hòn đất phải chen với 3 hòn đá. Nhát cuốc bổ xuống cả cẳng tay trối lên. Cũng chịu khó làm ăn mà cứ nghèo”.

Nói rồi anh Thể truyền tay cho tôi cùng Trưởng thôn Trần Văn Tập xem cuốn sổ ghi chép chăn nuôi của gia đình. Lúc này, anh Tập mới tỉ mẩn: “Năm 2023, anh Thể được Nhà nước hỗ trợ 1 con bò sinh sản từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Từ con bò giống này, gia đình vay mượn mua thêm 1 con bò giống, thoắt cái đã sinh sôi cả đàn. Vừa qua, anh xuất bán con bò đầu tiên, thu về hơn 20 triệu đồng. Cuối năm 2024, hộ gia đình anh Thể thoát nghèo”.

“Thoát nghèo”! Ngắn gọn thế thôi mà nhìn lại chặng đường để có được tới kết quả đó cũng không ít gian nan. Một năm nhiều lần, cán bộ xã Đông Lợi lại tất bật xuống từng nhà người dân, trực tiếp tiêm phòng bệnh cho từng con vật. Chưa kể những đợt dịch bất chợt từng mùa, hễ nắm được thông tin là cán bộ lại phải xuống cơ sở ngay. Anh Thể bảo: “Trước đây người dân Cao Ngỗi mình có nuôi con gì cũng chẳng tiêm phòng bao giờ đâu. Có chăng mùa đông thì mới nhốt lại cho khỏi chết rét nhưng giờ chăn nuôi tiến bộ rồi, hiệu quả hơn hẳn”.

Chia tay Cao Ngỗi, tôi chợt nhớ những điều chân thành mà Chủ tịch UBND xã Đông Lợi Hoàng Văn Tập đã sẻ chia trong lần đầu gặp mặt: “Nếu dành thời gian để đi vào đời sống mỗi bản làng, dù cho bản làng ấy khuất nẻo tới đâu, xa xôi như Cao Ngỗi, gian nan như Xóm Nứa, Phúc Kiện… đều gặp  biết bao ước mơ ủ ấp giữa cái lặng lẽ hàng ngày”.

Tin cùng chuyên mục