Dấu ấn kiến trúc

- Với những giá trị về văn hóa, lịch sử và kiến trúc, Tuyên Quang đang có nhiều công trình kiến trúc mang dấu ấn bản sắc của địa phương. Cũng chính những công trình kiến trúc độc đáo ấy đang tạo ra điểm nhấn, tô điểm không gian, đồng thời quảng bá hình ảnh, mảnh đất, con người và tạo sức hút lôi cuốn bạn bè trong nước, quốc tế.

Niềm tự hào của người dân Tuyên Quang

Quảng trường Nguyễn Tất Thành là công trình kiến trúc mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa của các dân tộc xứ Tuyên. Đây cũng là công trình  được trao giải “Phong cảnh thành phố Châu Á 2022”. 


Phối cảnh kiến trúc Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Tuyên Quang) trong tương lai.

Quảng trường nằm tọa lạc giữa lòng thành phố Tuyên Quang, giáp với dòng sông Lô thơ mộng. Với khuôn viên rộng lớn, quảng trường có nhiều tiểu kiến trúc nhỏ độc đáo, điểm nhấn phải kể đến hai công trình ấn tượng bậc nhất là Tượng đài “Bác Hồ với Nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang” và Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Việt Hoàng, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh khẳng định: Công trình Quảng trường được đánh giá cao vì đã nỗ lực tạo ra một trung tâm giao thoa giữa văn hóa cũ và mới, đáp ứng các tiêu chí của giải thưởng về sự thân thiện, hài hòa với môi trường; đảm bảo tính bền vững; tôn trọng văn hóa và lịch sử địa phương. Công trình có tính thẩm mỹ cao và đóng góp thiết thực vào sự phát triển của địa phương, khu vực và trở thành một trong những hình mẫu về phong cảnh thành phố châu Á.

Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sĩ tỉnh là 1 trong 20 công trình kiến trúc tiêu biểu tại Việt Nam do Hội Kiến trúc sư bình chọn và được đánh giá rất cao về giá trị kiến trúc, nghệ thuật. Phần mái vòm đài, từ xa trông lên vừa giống tán cây đa cổ thụ, vừa như đài sen, vừa giống mặt trăng được mây ôm ấp. Nằm trong quần thể hồ, công viên cây xanh, bốn bề gió lộng, hương bay, bất cứ ai lên đây cũng có cảm giác nhẹ nhàng, thư thái, tĩnh tại, dường như hồn thiêng sông núi, linh hồn của các anh hùng liệt sỹ ngã xuống cũng đọng lại nơi này. Có lẽ vì vậy mà đài tưởng niệm có sức hấp dẫn đặc biệt, dù không phải địa danh du lịch Tuyên Quang, song rất nhiều du khách đến Tuyên Quang đều ghé thăm.  

Cầu Tình Húc bắc qua  sông Lô, nối liền 2 phường Nông Tiến- Hưng Thành (TP Tuyên Quang) cũng mang lại những giá trị về kiến trúc nghệ thuật. Với việc sử dụng công nghệ chiếu sáng hiện đại tạo ra một hệ thống chiếu sáng đa sắc màu, tương thích hoàn hảo với kiến trúc độc đáo của cầu đã mang lại ấn tượng cho người dân Tuyên Quang và bạn bè gần xa. Những tháp cầu được thiết kế như những ngọn đuốc rọi vào không gian. Chiêm ngưỡng cầu Tình Húc về đêm kiến trúc và hiệu ứng ánh sáng đã tạo nên cây cầu lung linh, huyền ảo thật sự rất mãn nhãn.

Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tỉnh là 1 trong 20 công trình kiến trúc tiêu biểu tại Việt Nam do Hội Kiến trúc sư bình chọn. (Trong ảnh: Học sinh trường Tiểu học Phan Thiết dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sỹ).

Không chỉ những công trình lớn ở đô thị, kiến trúc nông thôn với nếp nhà sàn gắn với không gian xanh, những đình, đền, miếu mạo tại nhiều địa phương đã khẳng định những giá trị lớn cả về mặt văn hóa, đời sống, nền văn minh của quần cư nông thôn.

Vẫn còn những mảng màu tối

Theo Hội Kiến trúc sư tỉnh, sự phát triển của xã hội, trong đó có tốc độ đô thị hóa như hiện nay bên cạnh mặt tích cực là kiến tạo các khu đô thị mới, nông thôn hiện đại nhưng cũng có nhiều khu vực sự phát triển không tuân thủ theo quy hoạch và quản lý kiến trúc đang tạo ra mảng màu tối trong kiến trúc cảnh quan.

Đâu đó ở các khu phố trên địa bàn thành phố Tuyên Quang hay các đô thị hiện hữu khác ở các huyện, chúng ta rất dễ dàng nhận thấy sự khập khiễng, thiếu tính nối kết không gian và trật tự dẫn đến phá vỡ cấu trúc chung của đô thị. Chưa kể có những công trình tuy lớn về quy mô nhưng thiếu sự đầu tư, sáng tạo về hình ảnh công trình mang tính thẩm mỹ kiến trúc cao, chưa truyền tải được đặc trưng kiến trúc của dân tộc. Bên cạnh đó là không gian kiến trúc cảnh quan, trang trí đô thị, cây xanh không đồng bộ với cấp độ của đô thị.

Các kiến trúc sư trao đổi về bản thiết kế trong quy hoạch xây dựng đô thị mới.

Khu đô thị Việt Mỹ thuộc địa phận phường Tân Quang - Phan Thiết (TP Tuyên Quang) vốn được kỳ vọng sẽ tạo ra một khu đô thị với lối kiến trúc hiện đại, tạo điểm nhấn trong không gian đô thị. Tuy nhiên dự án đã nhanh chóng bị “phá sản” bởi tình trạng mạnh ai nấy làm. Những ngôi nhà cao tầng mọc lên nhưng không theo một thiết kế chung, thiếu tính quy chuẩn. Chưa kể đường trong khu đô thị quy hoạch quá nhỏ đang khiến cho giao thông đi lại vô cùng khó khăn và trở nên bức bí.

Tại khu vực nông thôn, sự gia tăng dân số và việc xây dựng khá tùy tiện, chưa có định hướng xây dựng hình thái kiến trúc cho từng vùng, dẫn đến kiến trúc pha tạp, chật hẹp. Những nếp nhà sàn nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Tày, Dao, Nùng… hay những ngôi nhà trình tường của đồng bào dân tộc Mông… đang dần bị mất đi thay vào đó là những ngôi nhà ống, lợp tôn, proxi-măng kèm theo là hàng rào xây, lưới thép B40 vây kín chia cắt, biệt lập từng ngôi nhà. Điều này làm biến dạng nhanh chóng kiến trúc, mất dần bản sắc, tính kết nối, không gian văn hóa, truyền thống của quần cư nông thôn.

Phát triển kiến trúc hiện đại, bền vững, giàu bản sắc

Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1246/QĐ-TTg ngày 19-7-2021, với mục tiêu tiếp tục xây dựng phát triển kiến trúc Việt Nam hiện đại, bền vững, giàu bản sắc, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển văn hóa trở thành nền tảng tinh thần trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Nghị quyết số 24-NQ/TU ngày 25-5-2021 của Ban Thường vụ về nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị, phát triển đô thị và đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, tỷ lệ đô thị của tỉnh đạt 27% tạo không gian để xây dựng phát triển các công trình kiến trúc theo hướng phát triển, bền vững.

Đồng chí Hoàng Vĩnh Hà, Trưởng phòng Quản lý kiến trúc, Sở Xây dựng cho biết: Ngay sau khi có định hướng kiến trúc Việt Nam, Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh đã ban hành Quy định về phân cấp lập, điều chỉnh danh mục công trình kiến trúc có giá trị; lập quy chế quản lý kiến trúc; ban hành quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Theo đó, UBND huyện, thành phố phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan tổ chức lập danh mục công trình kiến trúc có giá trị trên địa bàn. Thời gian lập danh mục sẽ hoàn thành vào tháng 3-2025. Lập danh mục các công trình kiến trúc sẽ là cơ sở để làm tốt hơn công tác quản lý bảo tồn, phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc cũng như các công trình kiến trúc tiêu biểu có giá trị về kiến trúc, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật.

Quang cảnh thành phố Tuyên Quang.  Ảnh: Quang Minh                       

Hiện nay, tại một số địa phương trong tỉnh đã quan tâm đầu tư phát triển các làng văn hóa cộng đồng như: Làng Văn hóa thôn Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương); Làng Văn hóa thôn Động Sơn, xã Chân Sơn (Yên Sơn)… Điều này đã góp phần quan trọng bảo tồn nét văn hóa, kiến trúc nông thôn và hình thành các điểm du lịch cộng đồng có giá trị.

Bên cạnh lập danh mục quản lý các công trình kiến trúc, ngành Xây dựng đã tham mưu cho tỉnh hoàn thành quy hoạch 17 đô thị mới và 29 đồ án quy hoạch chi tiết thuộc khu vực có ý nghĩa quan trọng của tỉnh tạo không gian để xây dựng các công trình kiến trúc đảm bảo về trật tự, tính kế thừa, kết nối. Riêng ở các công trình có giá trị, ý nghĩa lớn, trước khi xây dựng tỉnh sẽ được tổ chức thi tuyển để lựa chọn ra phương án tối ưu nhất đáp ứng các yêu cầu về quy hoạch, kiến trúc, văn hóa, hiệu quả kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường… Mới đây nhất, hồi tháng 8 vừa qua, tỉnh đã tổ chức thi tuyển để lựa chọn phương án kiến trúc cho giai đoạn 2 của Dự án mở rộng Quảng trường Nguyễn Tất Thành. Phương án tối ưu nhất đã được lựa chọn, một quảng trường của tương lai trường tồn cùng giá trị lịch sử, văn hóa và là niềm tự hào cho người dân xứ Tuyên và sức hút với bạn bè trong nước, quốc tế sẽ được hình thành - Trưởng phòng Quản lý Kiến trúc Hoàng Vĩnh Hà khẳng định.

Những giải pháp của tỉnh đã đang thực hiện kỳ vọng sẽ phát huy tác dụng trong việc bảo vệ các công trình kiến trúc và cảnh quan có giá trị từ đó kiến tạo không gian kiến trúc, cảnh quan có chất lượng từ tổng thể đến chi tiết cho cả khu vực đô thị và vùng nông thôn trong tiến trình phát triển đảm bảo tính bền vững, giàu bản sắc.

Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục