Phóng viên: Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo. Trên tinh thần của Nghị quyết đã đề ra, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã có những giải pháp, đổi mới nào nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trên địa bàn, thưa đồng chí?
Đồng chí Vũ Đình Hưng: Xác định việc đổi mới giáo dục là nhiệm vụ hết sức quan trọng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trên địa bàn nên trong thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp thực hiện. Trong đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tích cực, chủ động tham mưu với Tỉnh ủy; HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch nhằm đổi mới, phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021 - 2025. Tiêu biểu như chính sách khuyến khích phát triển giáo dục ngoài công lập; chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ đi nhà trẻ; Đề án xây dựng trường THPT Chuyên; chính sách ưu đãi đối với học sinh trường THPT Chuyên Tuyên Quang; chế độ khen thưởng các kỳ thi quốc tế, khu vực quốc tế, quốc gia và kỳ thi cấp tỉnh...
Sở đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục đổi mới phương pháp quản lý, dạy học, lấy học sinh làm trung tâm, thực hiện đúng tinh thần ‘‘Học thật, thi thật, chất lượng thật”. Sở đã thành lập các tổ tư vấn tham gia hỗ trợ các cơ sở giáo dục nhằm nâng cao chất lượng dạy học, thường xuyên kiểm tra, đánh giá chất lượng dạy học thông qua các cuộc thi như chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, thí nghiệm thực hành, khoa học kỹ thuật...
Không chỉ đổi mới công tác dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục, ngành còn đi đầu đổi mới trong việc tuyển chọn người tài thông qua thi tuyển. Ngành đã thực hiện thi tuyển chức danh Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng các trường mầm non, phổ thông công lập nhằm tạo sự đột phá trong công tác cán bộ. Đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức thi tuyển được 16 vị trí chức danh hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường mầm non, phổ thông công lập.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo trao Giấy khen cho các giáo viên đạt thành tích xuất sắc tại Hội thi giáo viên dạy giỏi cơ sở giáo dục mầm non cấp tỉnh năm học 2022 - 2023.
Từ những thay đổi về chính sách, đội ngũ, cơ sở vật chất đã dẫn đến thay đổi về chất lượng giáo dục. Trong 2 năm gần đây, giáo dục của tỉnh đã có những bước phát triển vượt bậc, tỉnh đã duy trì vững chắc và từng bước nâng cao chất lượng đạt chuẩn phổ cập giáo dục các cấp học, chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn được nâng lên. Đến nay, Tuyên Quang là một trong những tỉnh có tỷ lệ huy động trẻ cao nhất cả nước, tỷ lệ tốt nghiệp THPT những năm gần đây đều đạt trên 98%, đặc biệt năm 2022 điểm trung bình Kỳ thi tốt nghiệp THPT của tỉnh xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố, tăng 13 bậc so với năm 2021, điểm thi khối B cao nhất cả nước…
Phóng viên: Hiện nay, đứng trước cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã tác động đến tất cả các ngành và lĩnh vực. Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã có những giải pháp nào nhằm nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong đội ngũ cán bộ, giáo viên?
Đồng chí Vũ Đình Hưng: Hiện nay, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đang quyết liệt triển khai thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-TU về chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng như Kế hoạch số 121/KH-UBND về thực hiện Quyết định 117/QĐ-CP về phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ dạy học, nghiên cứu khoa học và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Ngoài việc ban hành các văn bản chỉ đạo, Sở Giáo dục và Đào tạo đã thành lập tổ tư vấn công nghệ thông tin đồng thời phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp đi đầu về công nghệ thông tin như Viettel, VNPT Tuyên Quang... triển khai công tác tập huấn, nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số cho cán bộ, giáo viên mầm non, phổ thông năm 2022. Qua đó đã giúp cán bộ, giáo viên toàn ngành nâng cao kiến thức về chuyển đổi số và có thể tự tin sử dụng, khai thác các kho học liệu số, sử dụng màn hình tương tác thông minh trong dạy học, hướng dẫn sử dụng các phần mềm như học bạ điện tử, hồ sơ điện tử, cách đồng bộ dữ liệu lên hệ thống và cơ sở dữ liệu của Sở, Bộ Giáo dục và Đào tạo...
Các đại biểu, giáo viên dự buổi tập huấn nghiệp vụ truyền thông.
Ngành phấn đấu đến năm 2025 có 100% cơ sở giáo dục áp dụng hệ thống quản lý nhà trường dựa trên dữ liệu và công nghệ số, trong đó, mỗi người học, mỗi cán bộ quản lý, giáo viên được quản lý bằng một hồ sơ số, định danh thống nhất trong toàn tỉnh và liên thông với cơ sở dữ liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo; 100% trường phổ thông có hệ thống dạy học trực tuyến và triển khai dạy học trực tuyến; đưa nội dung giáo dục kỹ năng số, chuyển đổi số vào 100% trường phổ thông; khuyến khích trẻ mầm non, lớp 1, 2 được tiếp cận công nghệ thông tin...
Phóng viên: Xác định đội ngũ cán bộ, giáo viên có vai trò hết sức quan trọng, “có thầy giỏi thì sẽ có trò giỏi”. Xin đồng chí cho biết, ngành Giáo dục và Đào tạo đã làm thế nào để thu hút được người tài, nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ cho sự nghiệp “trồng người” và đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay?
Đồng chí Vũ Đình Hưng: Một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục chính là thu hút nhân tài. Trong đó, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách ưu đãi của tỉnh trong tuyển dụng đối với sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, loại xuất sắc, sinh viên có trình độ thạc sỹ, học sinh giỏi quốc gia, học sinh giỏi cấp tỉnh, giáo viên dạy giỏi tỉnh ngoài được tuyển dụng thông qua xét tuyển và hỗ trợ kinh phí sau khi tuyển dụng. Trực tiếp Giám đốc Sở hàng năm đều gửi thư ngỏ đến sinh viên các trường đại học trên toàn quốc để chiêu mộ người tài. Kết quả, từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được 67 sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi, xuất sắc và người có trình độ thạc sỹ về công tác tại các đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo. Những người được thu hút được tạo điều kiện thuận lợi để phát huy năng lực, có nhiều đóng góp trong đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục tại đơn vị công tác.
Cùng với đó, công tác bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên luôn được ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh quan tâm nhằm xây dựng đội ngũ “vừa hồng vừa chuyên”. Sở đã giao trách nhiệm cho Hiệu trưởng các đơn vị trường học quan tâm, tạo môi trường thuận lợi để nhà giáo trẻ phát triển năng lực; thực hiện kịp thời đầy đủ chế độ chính sách nhà giáo; chú trọng tạo điều kiện cho giáo viên tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng học sinh giỏi, tham gia tổ tư vấn, ra đề thi. Đồng thời thường xuyên nắm bắt tâm tư nguyện vọng, động viên tinh thần và có sự theo dõi, đánh giá kết quả công tác giảng dạy của giáo viên... Từ đó giúp các cán bộ, giáo viên yên tâm công tác và có nhiều đóng cho sự nghiệp phát triển giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí đã trả lời phỏng vấn của Báo Tuyên Quang. Chúc cho ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh tiếp tục gặt hái được những thành công mới trong thời gian tới!
Đồng chí Phạm Thị Nhị Bình Xây dựng phương án tìm nguồn tuyển dụng giáo viên Huyện Sơn Dương hiện đang thiếu trên 400 giáo viên ở tất cả các cấp học. Thời gian tới, huyện tiếp tục xây dựng kế hoạch tuyển dụng chỉ tiêu biên chế, phương án tìm nguồn tuyển dụng giáo viên; đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị quyết số 09/2016/NQ-HĐND và Nghị quyết số 15/2019/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh. Với những giáo viên đang công tác lâu năm ở các xã khó khăn, huyện cũng đang nghiên cứu đề xuất UBND tỉnh có cơ chế chính sách hỗ trợ. Hiện, Quốc hội cũng đã phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Vì vậy, chúng tôi mong rằng, từ đề án này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất với Chính phủ có những chính sách phù hợp với từng tỉnh, thành, từng vùng miền nhằm góp phần phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và nâng cao đời sống của các giáo viên vùng cao. Cô giáo Nguyễn Kiều Hoa Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên Để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, ngay từ đầu năm học, nhà trường tổ chức rà soát, sắp xếp, phân công giáo viên chủ nhiệm phù hợp với năng lực chuyên môn. Ban Giám hiệu nhà trường tạo điều kiện cho đội ngũ giáo viên được học tập bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, chuẩn hóa giáo viên; thường xuyên thanh tra, dự giờ, thăm lớp, kiểm tra đột xuất việc giảng dạy của giáo viên; đổi mới sinh hoạt chuyên môn ở tổ, tăng cường sinh hoạt chuyên đề, tìm hiểu nguyên nhân các tiết dạy chưa đạt yêu cầu để có kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn. Đồng thời, yêu cầu giáo viên tăng cường tính sáng tạo trong truyền đạt kiến thức tới học sinh, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và giáo dục học sinh. Nhà trường hiện có 28 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó, giáo viên trình độ đạt chuẩn có 22 đồng chí, 1 giáo viên giỏi cấp huyện, 15 giáo viên giỏi cấp trường. Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thị Thuần Yên Tự đổi mới mình vì học sinh Nhiệm vụ của thầy, cô giáo không chỉ đơn giản là lên lớp với những bài giảng trong sách vở mà cần thực sự yêu thương học trò bằng tất cả trái tim và tấm lòng nhân ái của mình. Vì vậy, tôi đã cùng với các giáo viên khác trong nhà trường thực hiện xây dựng mô hình “Lớp học thân thiện, học sinh tích cực” bằng việc xây dựng mối quan hệ thầy, trò, bạn bè thân thiện, tổ chức các hoạt động ngoài giờ, đồng thời đổi mới phương pháp giảng dạy học để mỗi tiết học không bị nhàm chán, tăng khả năng tiếp thu kiến thức của các em học sinh. Với môn học Vật lý là một môn học mang tính ứng dụng thực tế cao, tôi không chỉ truyền đạt bằng lý thuyết mà phải vận dụng các kiến thức thực hành thì học sinh mới hứng thú. Mỗi bài dạy, tôi đều đưa ra các tình huống thực tế để học sinh vận dụng các kiến thức Vật lý vào giải quyết vấn đề. Đồng thời lồng ghép các thí nghiệm để học sinh được thực hành, trải nghiệm từ đó phát hiện khả năng sáng tạo của học sinh, giúp các em thêm nhiều kỹ năng mềm để vận dụng tốt hơn trong cuộc sống. Cô giáo Triệu Thị Chinh Phải có tấm lòng yêu thương học sinh Hơn 20 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, bản thân tôi thấy rằng, sứ mệnh của nghề giáo vô cùng cao quý, đó là mang ánh sáng tri thức truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trải qua nhiều vị trí công tác, nhiều điểm trường vô cùng khó khăn của huyện, tôi thấy rằng muốn gắn bó với nghề giáo đòi hỏi giáo viên phải có tấm lòng yêu thương học sinh, bởi các em đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, rất dễ nghỉ học nếu giáo viên không tâm lý, không bao dung, nhẫn nại thì khó có thể lan tỏa, truyền động lực cho các em vượt qua khó khăn để đến trường. Trong quá trình giảng dạy, mỗi ngày nhìn các em học sinh tiến bộ, được hòa đồng, vui vẻ với các bạn cùng trang lứa và dần được trưởng thành, đó chính là hạnh phúc và động lực để tôi gắn bó với nghề. |
Gửi phản hồi
In bài viết