Cõng chữ lên non

- Tôi đã được nghe một cô giáo kể về con đường mang chữ lên non cao. Đó là “Con đường không thể nhỏ hơn. Nó nằm lẫn với đồng ruộng, quanh theo sườn núi, dưới những tán rừng”. Ấy vậy mà hành trình đến lớp đầy gian nan ấy đã có những thầy cô giáo dành trọn thanh xuân cho học trò vùng cao.

Gập ghềnh đường “gieo chữ”

Từ trung tâm xã Hồng Quang (Lâm Bình) đến điểm trường Mầm non Khuổi Xoan khoảng hơn 8 km. Đường đi giờ đã thuận lợi hơn nhiều, chỉ còn một đoạn đường chưa được bê tông hóa, bụi tung mù những ngày nắng, và lầy lội ngày mưa. Thế nhưng đồng chí cán bộ kiểm lâm xã dẫn đường cho tôi vẫn tươi cười bảo: “Đoạn này là để giảm tốc!”. Có lẽ cũng như anh, những cô giáo vùng cao gắn bó với nơi này cũng đã lạc quan như thế. Dù biết trong những tháng ngày gian khó, đã không ít lần nước mắt rơi…

Năm 2013, cô giáo Ngô Thị Cúc, xã Trung Hòa (Chiêm Hóa) tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Tuyên Quang. Với khát khao “tuổi trẻ là cống hiến”, chị nộp đơn xin công tác tại huyện vùng cao Lâm Bình. Trường Mầm non Hồng Quang, xã Hồng Quang là ngôi trường chị gắn bó từ những ngày đầu ra trường. Đến bây giờ đã được gần 10 năm. “Ngày đầu tiên nhận công tác, em được phân công vào điểm trường xa nhất là điểm trường thôn Thượng Minh. Lúc đó đường đi lại chưa thuận lợi như bây giờ. Điểm trường cách trung tâm 10 km mà có khi phải mất 1 giờ đồng hồ mới tới nơi. Những ngày mưa lầy lội, bùn ngập nửa bánh xe. Khi đến được trường cũng là lúc quần áo dính đầy bùn đất vì trượt ngã” - Chị chia sẻ. Giống như biết bao cô giáo trẻ xa gia đình, chị Cúc không còn nhớ mình đã khóc bao nhiêu lần. Chị cũng chẳng còn nhớ, cái ý nghĩ từ bỏ việc gieo chữ trên non cao đã trở đi trở lại trong đầu bao lâu…

Một giờ dạy học của cô giáo Ngô Thị Cúc tại điểm trường Khuổi Xoan, xã Hồng Quang (Lâm Bình).

Ngày tôi đến điểm trường Khuổi Xoan là một ngày nắng đẹp. Trong lớp học mầm non ríu rít tiếng hát vui tươi. Điểm trường nằm trên con dốc cao, những lớp học khang trang như mở ra một tương lai mới sáng rạng cho cả các cô giáo bám bản, và cả những em nhỏ vùng cao nơi đây… Những ngày cô giáo cùng phụ huynh kéo nước lần về điểm trường đã xa. Con đường gập ghềnh đến trường giờ đã bớt sỏi đá. Nhưng ít người biết rằng, đằng sau lớp học ấy là nơi ăn, ngủ, nghỉ của những cô giáo xa nhà. Đó là một phòng học cũ tường ẩm và tróc sơn. Chiếc cửa kính cũng chẳng còn lành lặn. Căn phòng nhỏ ấy vừa là phòng ngủ, vừa là bếp, vừa là nhà để xe, vừa là nơi phơi quần áo. Các cô giáo nơi đây có lẽ đã từng trải qua khó khăn, thiếu thốn hơn nhiều lần lúc này. Thế nhưng ước mong có một nhà tập thể khang trang hơn ở điểm trường xa trung tâm cũng thật không quá lớn lao khi mà các chị, các cô đã tận tâm, tận lực dành trọn cả thanh xuân để cống hiến.

Nỗ lực ươm mầm xanh

Nghề dạy học là nghề vinh quang và cao quý. Và đối với những giáo viên cắm bản phải xa gia đình, người thân, gác lại những hạnh phúc riêng tư đời thường thì đó còn là sự hy sinh thầm lặng đầy nghị lực. Có lẽ tình yêu và niềm hạnh phúc với nghề của các thầy cô chính là sợi dây vô hình kết nối cho giấc mơ đến trường của những học sinh vùng cao.

“Sau đây, tôi sẽ cho các bạn thấy nơi mà tôi đã cống hiến cả thanh xuân...” - trong một đoạn clip ngắn trên kênh Tiktok của mình, thầy giáo Nguyễn Đức Trọng, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Công Đa, xã Công Đa (Yên Sơn) đã bắt đầu như thế. Từ cuối năm 2021, anh bắt đầu mở kênh Tiktok ghi lại những khoảnh khắc ở trường cùng học sinh của mình. Đó là con đường đến điểm trường gian nan, giờ nghỉ giải lao với sắn nướng, khoảnh khắc đi trên những đường mòn đến thăm nhà học sinh... 29 tuổi với 9 năm kinh nghiệm dạy học ở trường vùng sâu, vùng xa, anh vẫn còn nhớ: “Năm đầu tiên nhận công tác ở điểm trường Phú Đa, thôn Cả, thời điểm đó điểm trường chưa có điện lưới quốc gia. Những ngày trời âm u, các em phải kê bàn ghế ra ngoài để lấy ánh sáng. Điểm trường cách trung tâm 6 km, đi qua 2 đèo và toàn bộ là đường đất vô cùng khó khăn… Có những lúc đêm mưa, nửa đêm mình phải dậy buộc dây cao su vào lốp xe, để sáng mai vượt đường đất đến điểm trường cho kịp giờ”. Thế nhưng đó chưa phải là tất cả… Lúc ấy, thầy Trọng là giáo viên hợp đồng với mức lương chỉ 1,7 triệu đồng/tháng. Hàng tuần, anh vượt hơn 25 km đến trường, mang theo gạo, trứng và rau củ đến nhà công vụ của trường. Với anh, đó là những tháng ngày vui buồn lẫn lộn giống biết bao thầy cô giáo trẻ xa nhà khác khi đến với điểm trường vùng cao.

Thầy Trọng cùng học sinh làm bánh trôi, bánh chay trong Tết Hàn thực.

Đường đi lại khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn là thế, nhưng điều giữ chân thầy giáo trẻ Nguyễn Đức Trọng nơi rẻo cao chính là sự giản dị, chân thành của phụ huynh và tấm lòng hiếu học, nụ cười hồn nhiên của trẻ thơ mỗi ngày đến trường. Anh vẫn nhớ mãi năm dạy học ở điểm trường Khăm Kheo, thôn Khuân Trò với 10 em học sinh, 100% các em là con em đồng bào dân tộc Nùng. Trong đó có 9 em là hộ nghèo, 1 em thuộc hộ cận nghèo. Anh tự học tiếng dân tộc Nùng để giao tiếp với các em. Anh giúp các em mượn sách giáo khoa, xin quần áo, đồ dùng học tập, mua bút đầy đủ để giúp các em đến trường. Giờ ra chơi, đám học trò nhỏ tíu tít quanh thầy. Góc này đòi thầy đọc truyện, góc kia được thầy hỏi thăm. Có bạn mang sắn từ nhà đi, kéo tay thầy khoe đã tìm sẵn củi để nướng. Khoảng cách giữa thầy và trò cứ thế đã xóa nhòa từ bao giờ... Trong đôi mắt ánh lên niềm hạnh phúc của thầy Trọng, món quà ngày Nhà giáo Việt Nam 20 - 11 cũng giản dị và tràn đầy tình yêu thương như thế. Đó là những mớ rau dớn, măng rừng, những tấm thiệp tự làm với nét chữ nguệch ngoạc còn sai chính tả, những chiếc kẹo tràn đầy tình yêu thương...

Tâm huyết với nghề dạy học và yêu quý học trò như chính con em của mình, năm 2020, thầy giáo Nguyễn Đức Trọng bắt đầu chấp bút viết sáng kiến kinh nghiệm với đề tài “Một số biện pháp duy trì sĩ số học sinh” và đạt giải cấp tỉnh. Với những cách làm cụ thể, chân thành và khoa học như nắm thông tin học sinh, xây dựng tình cảm thân thiện, tạo sân chơi đoàn kết… Những em học sinh anh đã từng chủ nhiệm như em Bàn Anh Tuấn, bố mất, mẹ đi làm ăn xa; em Nguyễn Hồng Nhẫn gia đình khó khăn, thiếu sự quan tâm sau những ngày bỏ học đã được vận động, giúp đỡ quay trở lại trường và tiếp tục học tập. Trong những trang viết cuộc đời của người thầy vùng cao, có lẽ đó là kỷ niệm đáng nhớ nhất.

Dẫu biết những cung đường còn lắm gập ghềnh, thế nhưng những người gieo chữ trên non cao vẫn tự nguyện dành trọn thanh xuân của mình để mở cánh cửa tri thức bên con suối, triền đồi đầy gian nan.

Phóng sự: Thùy Lê

Tin cùng chuyên mục