Đau lòng những vụ án “Gà cùng một mẹ...”
Người thân trong gia đình “xuống tay” với nhau là nỗi đau lớn không chỉ với chính gia đình xảy ra vụ việc mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của cộng đồng. Vậy mà thời gian gần đây liên tục xảy ra một số vụ án anh em sát hại nhau gây rúng động xã hội.
Gần đây nhất là vụ việc 3 con gái tưới xăng đốt nhà mẹ đẻ ở Hưng Yên gây chấn động dư luận. Nguyên nhân do việc mâu thuẫn trong việc tranh chấp tài sản, chia quyền thừa kế đất. Diễn biến sau đó thật đau xót, khởi tố vụ án, người chị cả tử vong, còn em và mẹ vẫn nguy kịch.
Một buổi trợ giúp pháp lý tại xã Bình Phú (Chiêm Hóa).
Trước đó, là vụ việc anh trai truy sát cả nhà em trai khiến 5 người thương vong ở huyện Đan Phượng (Hà Nội) khiến dư luận bàng hoàng. Nguyên nhân do hai anh em không tìm được tiếng nói chung về mâu thuẫn đất đai nên đã xảy ra hậu quả đau lòng.
Vụ việc đau lòng trên gợi nhớ những chuyện tương tự ở làng quê, nơi vẫn tồn tại quan niệm, mảnh đất hương hỏa phần cho con trai, con gái xuất giá tòng phu, bố mẹ cho chút ít làm vốn. Éo le từ chia thừa kế cũng không hiếm gặp, thậm chí còn là gánh nặng của khá nhiều gia đình khi bố mẹ chưa già mà con cái đã đòi chia tài sản.
Trăm cái lý không bằng một cái tình
Tranh chấp đất đai thừa kế là nguyên nhân sâu xa dẫn tới những bi kịch của nhiều gia đình. Ở tỉnh ta, vấn đề tranh chấp liên quan đến thừa kế tài sản đã xảy ra.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Đinh Quốc Hưng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh cho biết, theo quy định của pháp luật: Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật…. Thừa kế được hiểu là sự chuyển giao tài sản của người đã chết cho người còn sống theo di chúc hoặc theo pháp luật. Người để lại di sản thừa kế có quyền định đoạt tài sản của mình sau khi qua đời thông qua việc lập Di chúc để chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế; phân định phần di sản cho từng người thừa kế; giao nghĩa vụ cho người thừa kế… Người lập di chúc có thể lập nhiều bản di chúc để định đoạt tài sản của mình; có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào và di chúc đảm bảo đúng quy định của pháp luật phải được cá nhân tự nguyện lập trong tình trạng minh mẫn tỉnh táo, hợp pháp về hình thức, nội dung không trái pháp luật và đạo đức xã hội.
Cán bộ Phòng Kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự, vụ án hành chính và những việc khác theo quy định của pháp luật, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh nghiên cứu hồ sơ một số vụ án liên quan đến thừa kế.
Trong 3 năm gần đây, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã kiểm sát giải quyết 1.686 vụ án dân sự, trong đó có 33 vụ án liên quan đến tranh chấp về tài sản thừa kế. Qua công tác kiểm sát hoạt động xét xử cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tranh chấp về tài sản thừa kế, như: Các tranh chấp tài sản thừa kế liên quan đến việc xác định hiệu lực của di chúc. Bởi thực tế cho thấy không phải mọi bản di chúc đều được lập hợp pháp và được thừa nhận. Tranh chấp tài sản thừa kế liên quan đến việc xác định người được và không được thừa kế. Tranh chấp tài sản thừa kế liên quan đến việc phân chia di sản theo di chúc. Bởi nhiều bản di chúc được lập hợp pháp, nhưng về cách thức phân chia không rõ ràng nên dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. Các tranh chấp thừa kế liên quan đến thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế...
Từ những vụ việc trên, ông Hưng chia sẻ, đằng sau những phiên tòa giải quyết tranh chấp tài sản về quyền thừa kế thường đưa lại hậu quả rất đau lòng. Chỉ vì tài sản thừa kế mà dẫn đến cha con, mẹ con, anh em ruột thịt bỏ cả công ăn việc làm kéo nhau ra tòa để “đấu” đến cùng. Vì vậy cách tốt nhất là những người có di sản thừa kế nên lập di chúc khi còn sống. Di chúc cần đảm bảo yếu tố hợp lý, hợp tình để tránh những sóng gió về sau.
Đồng quan điểm với ông Đinh Quốc Hưng, bà Lại Khoa Lâm, Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh khẳng định: Tranh chấp tài sản thừa kế dẫn đến khởi kiện là điều mà không ai mong muốn. Một khi đã khởi kiện ra tòa, khi bước ra khỏi phòng xử án thì tình nghĩa anh chị em đã không còn nguyên vẹn như xưa, thậm chí hệ lụy đó có thể kéo dài đến đời sau. Đó là những điều vô cùng xót xa. Xuất phát từ các nguyên nhân dẫn đến tranh chấp về thừa kế tài sản, bà Lâm cho rằng, người lập di chúc nên đến các cơ quan chuyên môn hay luật sư để tư vấn về nội dung di chúc. Trên cơ sở các thông tin về tài sản và mong muốn của khách hàng, Luật sư và cơ quan chuyên môn sẽ phân tích các tình huống có thể xảy ra để khách hàng có được bản di chúc hợp pháp về hình thức, nội dung không trái pháp luật và đạo đức xã hội.
Văn hóa và tình thân là gốc rễ
Thực tế cho thấy, đối với những vụ án chia thừa kế tài sản luôn để lại day dứt khôn nguôi không chỉ cho những người trong cuộc mà còn cho cả Hội đồng xét xử và cả cộng đồng.
Mới đây, khi Quốc hội thảo luận về báo cáo công tác phòng, chống tội phạm, một số đại biểu cũng cảnh báo về các vụ án mạng từ mâu thuẫn gia đình. Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) nêu, thực trạng tội phạm có xu hướng giảm, nhưng rất báo động về tình trạng người thân trong gia đình bột phát sát hại nhau. Ở khía cạnh hệ giá trị gia đình, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nêu nhận định rất đáng suy ngẫm, đó là cách ứng xử giữa người thân trong gia đình giờ không còn như trước. Nói như Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, “dù kinh tế - xã hội phát triển đến đâu, văn hóa vẫn là gốc rễ của mọi vấn đề. Trong thời buổi kinh tế thị trường, càng không nên mải miết chạy theo tiền bạc mà quên đi mái ấm gia đình”.
Cán bộ Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Thổ Bình (Lâm Bình).
Từ xưa đến nay, trong các gia đình Việt, mối quan hệ anh chị em rất nhiều chiều nên phong phú, đa dạng, giàu cảm xúc. Sống trong những mối quan hệ này, con người trở nên linh hoạt, tinh tế, đầy trách nhiệm. Chính vì vậy mà trong kho tàng tục ngữ, ca dao có rất nhiều châm ngôn, danh ngôn sâu sắc về quan hệ anh chị em. Nếu như câu ca dao: “Anh em như thể chân tay/Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần” hay: “Anh em trên kính, dưới nhường/Là nhà có phúc, mọi đường yên vui”... Tư tưởng này đã ăn sâu vào quan niệm người Việt, thế nên thời gian gần đây, khi các vụ án trong gia đình, đặc biệt là các vụ án giữa anh chị em xảy ra đã khiến nhiều người sững sờ, lo lắng.
Qua vụ việc đau lòng này, không ít người cho rằng, việc phân chia thừa kế sao cho hợp tình, hợp lý sẽ giảm thiểu các tranh chấp trong nội bộ gia đình. Về phía cha mẹ, khi về già nên xác định một trong những công việc quan trọng trước khi mất đó là bảo vệ, duy trì quan hệ tình thân trong gia đình. Vì vậy, cách tốt nhất để hạn chế được những câu chuyện đắng lòng là cha mẹ nên lập di chúc khi còn sống. Trao đổi thêm về vấn đề này, Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh - Lại Khoa Lâm cho rằng: Cách phân chia tài sản công bằng, hợp lý sẽ giúp đảm bảo điều ấy. Các bậc cha mẹ rất cần tham khảo ý kiến của người có hiểu biết pháp luật để lựa chọn một hình thức cho tặng cho hoặc để lại di sản thừa kế cho phù hợp với tình trạng pháp lý tài sản của mình. Khi mâu thuẫn xảy ra, các thành viên trong gia đình nên bình tĩnh giải quyết từng bước: Họp gia đình để phân tích những được mất, trong đó nên mời những người hiểu biết pháp luật tham dự để có tư vấn đầy đủ. Bên cạnh đó, các tổ hòa giải ở cơ sở cũng cần phát huy vai trò, trách nhiệm trong tư vấn giải quyết các vấn đề liên quan. Có như vậy, mới tránh được những hậu quả đáng tiếc do tranh chấp tài sản thừa kế.
Về phía con cái, cũng nhận thức rõ rằng, tài sản là của mẹ cha, chia cho ai là quyền của bố mẹ. Ở nước ngoài, không ít tỷ phú sau khi qua đời đã dành toàn bộ tài sản của mình cho các quỹ từ thiện. Suy cho cùng, nếu mặc định tài sản của bố mẹ phải chia cho mình, ít nhiều sẽ có tâm lý sân si, tranh giành, mâu thuẫn, thậm chí án mạng xảy ra. Đó là bi kịch không ai muốn.
Tuy nhiên, vấn đề đáng nói hơn cả vẫn là những người được thừa kế, hơn ai hết, họ phải nghĩ đến và đặt máu mủ tình thân lên hàng đầu. Cái được chỉ là phần vật chất nhưng cái mất đi thì thực sự quá lớn không thể dùng đại lượng nào để cân, đo, đong, đếm được. Vì thế, trong vô vàn những câu chuyện đau lòng chỉ vì tài sản thừa kế mà tàn sát lẫn nhau, cần lắm những con người thực hiểu được giá trị sâu sắc của tình thân.
Gửi phản hồi
In bài viết