Ban biên tập Báo Tuyên Quang duyệt báo in thường kỳ. Ảnh: Cảnh Trực.
Tỷ mỷ và cầu thị
Khi còn là phóng viên trẻ, tôi may mắn được “đầu quân” cho nhà báo Nguyễn Trọng Hùng, nguyên Trưởng Phòng phóng viên Chính trị xã hội, Báo Tuyên Quang. Giờ ông đã xa cõi tạm nhưng ký ức về ông, một người biên tập đầy trách nhiệm vẫn đọng mãi trong tôi và nhiều đồng nghiệp.
Một lần, tôi hăm hở đi viết phóng sự về cuộc sống của những lao động tự do ở khu vực bến phà (cũ) trên địa bàn phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang), khi tác phẩm gửi cho ông biên tập, ông đọc đi đọc lại rất kỹ và nghiêm túc, có lúc ông hỏi lại, rồi tủm tỉm cười bảo, “bài hay vì ngồn ngộn sức sống của những người khổ cực”. Tôi mở bản thảo ông đã biên tập ra đọc lại thấy phóng sự của mình như “lột xác” bởi tít đã được điều chỉnh, hồn cốt của nhân vật được đẩy lên bằng ngôn ngữ giản dị của người lao động chân chất. Tôi hiểu, chỉ có những người am tường, từng lăn lộn với cuộc sống thì mới gọt giũa được như thế. Ông nói với tôi rằng, “người biên tập không chỉ nhặt sạn, chỉnh sửa câu từ, chính tả mà còn phải có nhiệm vụ nâng tầm cho mỗi tác phẩm báo chí”. Khi bài viết được đăng tải, tôi mang báo tặng những người lao động ở khu vực bến phà, nhiều người đọc xong rưng rưng nước mắt. Cũng có không ít độc giả gọi điện cho tôi chia sẻ bày tỏ sự cảm động trước những cố gắng, nỗ lực trong cuộc sống của những người lao động tự do. Phía sau thành công nhỏ bé đó có sự đóng góp không nhỏ của người biên tập.
Tôi thầm cảm ơn cố nhà báo Nguyễn Trọng Hùng đã dày công nâng tầm tác phẩm của mình. Ông luôn kỳ công như vậy với từng tác phẩm của phóng viên. Có hôm ông ngồi cả buổi chỉ để sửa một bài phóng sự của phóng viên khi ông đã đề nghị viết lại nhiều lần nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu. Lúc đó ông bảo rằng, “vứt đi thì tiếc công của anh em, phải ngồi kỳ cạch vậy”. Ông cũng là người cầu thị, có đồng nghiệp góp ý, tranh luận, ông cũng tiếp thu, dẫu có lúc rất căng thẳng.
Tôi đã học hỏi được nhiều điều từ ông khi làm nhiệm vụ của một biên tập viên. Đó là sự tỷ mỷ và cầu thị trong biên tập mỗi tác phẩm, bởi công việc biên tập không thể qua loa đại khái, sơ sảy một chút thôi là để lọt những “hạt sạn”, ảnh hưởng đến uy tín của phóng viên và tòa soạn. Vậy nên, người ta bảo biên tập viên là “bà đỡ” của tác phẩm báo chí là như thế, làm cho tác phẩm hay và hoàn thiện hơn, hạn chế những sai sót, nhất là đi ngược với chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Lãnh đạo Phòng Phóng viên, Báo Tuyên Quang trao đổi công tác biên tập với các thành viên trong phòng. Ảnh: Quốc Việt.
Tạo niềm tin và động lực
Công việc biên tập của mỗi loại hình báo chí có những đòi hỏi khác nhau nhưng tựu chung cần một phông kiến thức để làm tốt nhiệm vụ “gác cổng” cho Ban Biên tập. Do đó, mỗi biên tập viên phải luôn có tinh thần học hỏi để tích lũy kiến thức phục vụ công việc biên tập ngày một tốt hơn.
Biên tập là việc khó, nặng nhọc không kém nghề thợ rèn. Bản thảo của phóng viên là nguyên liệu đầu vào, còn chưa hoàn chỉnh, thô ráp, thậm chí sai sót, nếu người biên tập không đủ tâm, đủ tầm, tinh ý, rất khó chỉnh sửa một cách trọn vẹn. Do công việc của phóng viên đòi phải nhanh, kịp thời, nhất là trong bối cảnh hiện nay phải cạnh tranh với mạng xã hội, giữa các loại hình truyền thông, đôi khi phóng viên để sót lỗi rất cần vai trò của người biên tập để tác phẩm hoàn thiện hơn. Biên tập viên An Thanh Thu, Phó trưởng Phòng Thời sự, Đài PT-TH tỉnh chia sẻ, biên tập viên là công việc khó, đòi hỏi phải “tinh” nghề, giúp cho mỗi tác phẩm được nâng tầm lên, đúng tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí. Do đó, mỗi biên tập viên phải thực sự nỗ lực học tập chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của tỉnh, chính sách pháp luật của Nhà nước, học kỹ năng biên tập từ đồng nghiệp, giúp tác phẩm báo chí khi được đăng tải, phát sóng đúng, trúng, hay. Người biên tập cũng cần giữ được bút pháp riêng của mỗi tác giả báo chí, góp phần tạo nên sự sinh động, hấp dẫn của mỗi tờ báo, chương trình phát sóng.
Mỗi biên tập viên vững tay nghề luôn tạo được niềm tin và động lực cho lãnh đạo, phóng viên trong mỗi cơ quan báo chí. Phóng viên Nguyễn Huy Hoàng, Phòng Kinh tế, Báo Tuyên Quang tâm sự, biên tập viên được ví là “bà đỡ” của mỗi tác phẩm báo chí, bởi tác giả giỏi đến đâu, có cẩn thận đến mấy cũng khó tránh khỏi một lúc nào đó mắc những sai sót nhất định, rất cần có bàn tay của người biên tập. Có lần anh được phân công viết bài về thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh. Sau khi đi cơ sở, phỏng vấn đầy đủ, anh viết liền một mạch về những chính sách mở cửa thu hút đầu tư của tỉnh giống như “thỏi nam châm” thu hút các doanh nghiệp. Bài viết xong xuôi, anh đọc lại cẩn thận rồi tự tin chuyển sang cho lãnh đạo phòng biên tập. Công việc của một phóng viên lại tiếp tục, anh đi cơ sở để tìm đề tài, đến tối mới có thời gian thư thả, anh lại lấy tác phẩm của mình ra đọc lại, lúc đấy mới ngớ người vì phát hiện bài viết của mình nhầm địa danh vì địa danh đó đã được đổi tên sau sáp nhập được một thời gian. Khi ấy có muốn sửa cũng không kịp nữa vì báo đã chuyển in rồi. Anh lo lắng đến mất ngủ, sáng hôm sau vội vàng lên tòa soạn cầm tờ báo kiểm tra lại nhưng lỗi trên đã được sửa, anh thở phào nhẹ nhõm gọi điện cảm ơn người biên tập. Anh càng hiểu vai trò quan trọng của người biên tập, họ là những người cống hiến thầm lặng, phải có kiến thức, am hiểu, bám sát thực tiễn mới phát hiện được những sai sót, tạo niềm tin và động lực cho mỗi phóng viên.
Công việc của biên tập viên vẫn thầm lặng qua mỗi ngày nhưng họ thấy vui khi có những đóng góp nhỏ bé cho sự thành công, trưởng thành của đồng nghiệp, nhất là đối với đội ngũ phóng viên trẻ, mới vào nghề. Đó cũng là trách nhiệm của một “bà đỡ”…
Gửi phản hồi
In bài viết